Em đi học trong lo sợ bị chửi, cô lập, phản ánh GV lại cho rằng làm lớn chuyện

'Em đến trường trong lo sợ, bạn bè mắng chửi, cố tình cô lập em trong lớp. Khi phản ánh với GV, cô chỉ nói em làm lớn chuyện rồi không quan tâm', nữ sinh kể

Bạo lực học đường không chỉ biểu hiện bằng hành động, mà còn tồn tại dưới dạng “bạo lực tinh thần”.

Một nữ sinh học lớp 8 ở thị trấn Phước An (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, trường em có những học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường, em là một trong số đó.

Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Em kể: “Bắt đầu từ năm lớp 6, em bị bạn bè trong lớp bắt nạt. Một số bạn bắt em làm trực nhật thay. Giáo viên cho bài tập nhóm, nhưng không ai muốn cùng thực hiện với em. Em tủi thân, nói với giáo viên nhưng cô không giải quyết được triệt để sự việc.

Đến lớp 7, em bị bạn học chặn đánh trong khi không biết lý do. Khi phản ánh với giáo viên, cô chỉ nói em làm lớn chuyện rồi cũng nhanh chóng bỏ qua chuyện đó.

Sau đó, em thường xuyên bị chửi mắng, bị nói những lời khó nghe, những bạn chơi với em chỉ biết khuyên em là hãy mặc kệ, bỏ ngoài tai những lời bị xúc phạm đó".

Chia sẻ với phóng viên, chị V.H.L - phụ huynh của nữ sinh này tỏ ra bức xúc với cách cư xử của những em đi bắt nạt, và cách ứng xử của giáo viên chủ nhiệm.

"Đối chiếu theo những biểu hiện của bạo lực học đường của WHO đăng tải trên trang của họ, rõ ràng, con gái tôi bị bạo lực, mà rõ nhất là bạo lực bằng lời nói.

Khi con khóc nhiều, trầm buồn, thường xuyên nổi nóng với người thân, tôi gặng hỏi thật kỹ các vấn đề mới được con chia sẻ cụ thể.

Cháu cho biết ngoài bị chửi mắng, miệt thị, còn thường xuyên bị mất đồ trên lớp. Một chiếc máy tính 700 nghìn đồng với một gia đình bình thường không rẻ. Chỉ trong năm học này, con mất đến 4 máy tính cầm tay. Con cũng đã nghi về người lấy đồ, nhưng không dám hỏi, không dám đòi, sợ bị cô lập thêm. Cũng có lúc, bạn bè miệt thị con là "con dở", giáo viên có mặt ở đó nhưng cho rằng đó là biểu hiện trêu nhau, không để ý điều chỉnh bạn học của con.

Đầu học kỳ I lớp 8, tôi gặp giáo viên nhiều lần để trao đổi về việc con bị bạn bè trêu chọc, thường xuyên mất đồ. Nhưng cô chỉ nói là do lớp đông quá, khó quản lý, và hành vi của các bạn có thể chỉ là đùa giỡn. Sau đó, cô giải quyết bằng việc chuyển chỗ ngồi cho con. Chuyển chỗ xong, con vẫn bị bắt nạt như bình thường.

Khi trao đổi, cô giáo chủ nhiệm lớp 8 (cũng là chủ nhiệm con trong hai năm lớp 6, lớp 7) nói là không biết tình trạng con bị bạn bè trong lớp bắt nạt dẫn đến học hành giảm sút (dù con đã trao đổi với cô) thì tôi thực sự nghĩ rằng cô đã vô tâm quá", phụ huynh này nói.

Do bị cô lập nên nữ sinh không còn chơi với bạn nào ở trong lớp. Em chỉ có thể tìm đến những bạn bè cùng trong hoàn cảnh như mình ở trường để tâm sự, mong được lắng nghe. Đã có lúc em nghĩ nhiều đến những hành động tiêu cực như tự rạch tay hay cắt tóc...

“Em không nhớ mình đã đổi chỗ ngồi bao nhiêu lần nhưng cả lớp vẫn cô lập em với biểu hiện ngày càng rõ hơn.

Đã chia sẻ với cô giáo chủ nhiệm nhiều lần nhưng không có kết quả, nên hiện tại, dù có bị bắt nạt thì em cũng không còn muốn nói với cô nữa”, nữ sinh tâm sự.

Nữ sinh cũng cho biết thêm, một số bạn của em ở trong trường cũng thường xuyên bị bắt nạt như: bị lấy đồ dùng học tập, nếu có mang điện thoại đến lớp sẽ bị đập vỡ máy, hoặc bị đổ nước vào dép, treo giày lên cây cao để người bị bắt nạt không lấy xuống được.

“Cách bắt nạt nhiều nhất vẫn là dọa nạt, đánh nhau”, nữ sinh bức xúc.

Sau các vụ việc, nhà trường có mời phụ huynh đến làm việc và đình chỉ đối với những học sinh đi bắt nạt. Tuy nhiên, khi các bạn bị đình chỉ học quay lại trường, họ vẫn tiếp tục hành vi của mình.

“Không chỉ đánh, những bạn học bắt nạt chúng em chuyển sang hành vi bạo lực bằng mỉa mai, châm chọc, chửi rủa, chửi tên bố mẹ… Có bạn bị bạo lực lời nói, ngại báo cáo lại với giáo viên. Có lúc, giáo viên dù biết cũng không can thiệp vì không có bằng chứng.

Theo nữ sinh chia sẻ, vì bị bắt nạt nên việc học của các em cũng ảnh hưởng không ít. Thường xuyên xin nghỉ học, trình bày lý do nghỉ học là vì bị bắt nạt, nhưng cô giáo lại không thông cảm, không tìm hiểu vấn đề, cho rằng các em bịa lý do để nghỉ.

“Em nhớ, có một bạn trong trường nghỉ học liên tục. Bạn ấy kể rằng bị bắt nạt nên không muốn đến trường. Trong thời gian bạn nghỉ, gia đình, giáo viên không hỏi han cụ thể. Đến khi đi học lại, bạn ấy trình bày với giáo viên thì cô chỉ nói: nếu không học được ở lớp này thì nộp đơn xin chuyển lớp đi.

Chia sẻ thêm với phóng viên, mẹ của em nữ sinh cho biết đã gọi vào số hotline Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhờ tư vấn trường hợp của con nhưng chuyên viên muốn trực tiếp nói chuyện với con để nắm rõ tình hình. Tuy nhiên, thời điểm đó, con chưa đủ bình tĩnh kể với chuyên viên về những gì mà con trải qua.

"Có thể, nói chuyện qua điện thoại với một người lạ con chưa cảm thấy tin tưởng và yên tâm, tôi sẽ động viên để con có thể chia sẻ câu chuyện của mình, đồng thời tôi cũng cần được tư vấn tâm lý, hướng dẫn cách giải quyết với trường hợp của con, để có giải pháp hợp lý nhất, giúp con có được môi trường học tập tốt nhất", phụ huynh chia sẻ.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/em-di-hoc-trong-lo-so-bi-chui-co-lap-phan-anh-gv-lai-cho-rang-lam-lon-chuyen-post234692.gd