(Emagazine) Kỳ 2 - Bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa các DTTS trong thời kỳ mới
VHO – Cùng với việc tăng trưởng kinh tế để bắt kịp sự phát triển của các nước văn minh khác trên thế giới thì việc Bảo tồn và phục hưng bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là phát huy được các di sản văn hóa ở vùng đồng bào DTTS mang tính bền vững được tỉnh Quảng Ngãi (mới) coi là hướng đi quan trọng nhất.


Trong những năm qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi, các sở ban ngành liên quan đã nỗ lực phối hợp và chung tay cùng cộng đồng nỗ lực không ngừng trong công tác Bảo tồn các di sản văn hóa các DTTS.
Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều đợt kiểm kê di sản văn hóa khu vực miền núi. Từ đó rà soát, kịp thời đưa các DSVH vào danh mục bảo vệ mang tính trọng tâm.
Di sản vật thể với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các di vật, hiện vật, công trình kiến trúc có giá trị (nhà sàn, nhà rông, kho để lúa, cồng chiêng, cây nêu, nồi đồng, nhạc cụ truyền thống, các sản phẩm từ các nghề thủ công truyền thống (trang phục, đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ cúng …).

Đối với di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng về loại hình. Ngoài loại hình ngữ văn dân gian có Tabon (truyện cổ tích) của người Co, Xơ đăng Cadong, Hrê, Hơmon (Sử thi) của người Ba Na, văn cúng được bảo tồn, gìn giữ thì các loại hình khác được bảo tồn và thực hành thường xuyên. Nghệ thuật trình diễn dân gian như nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, múa, các làn điệu dân ca,… Lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng (lễ hội Điện Trường Bà, Tết Ngã Rạ, lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới, lễ tiễn đưa người chết, lễ cúng Bến Nước, lễ Cầu mưa, lễ hội Ăn trâu, lễ cúng trâu, lễ cúng về nhà mới…), tri thức dân gian (sâm Ngọc Linh, quế, gừng gió, mangan; ẩm thực, rượu cần, rượu đoát…), nghề thủ công truyền thống (dệt vải, đan lát, rèn, làm gốm,…).
Từ đó, nhiều cộng đồng các DTTS đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể đã cam kết tự nguyện đề cử DSVHPVT vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiếp tục được gìn giữ, truyền dạy và phát huy tốt.
Số lượng nghệ nhân, người thực hành truyền dạy tri thức, kỹ năng và các thế hệ kế cận trong cộng đồng chủ thể và thông qua đào tạo có chủ đích tăng. Đơn cử, toàn bộ các xã Cà Đam, Trà Bồng, Tây Trà, Thanh Bồng, Tây Trà Bồng. Đông Trà Bồng có 3 nghệ nhân nhân dân (ông Hồ Ngọc An, ông Hồ Văn Biên, ông Hồ Văn Đường), 19 nghệ nhân ưu tú và gần 650 nghệ nhân dân gian, người hiểu biết, am tường, gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Tỉnh Kon Tum (cũ) có gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 10 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum…

Nghệ nhân nhân dân Hồ Văn Đường một trong những hạt nhân nòng cốt trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Co
Ở xã vùng cao xã Tây Trà (Quảng Ngãi), nghệ nhân nhân dân Hồ Văn Đường là gương sáng trong bảo tồn văn hóa dân tộc Co; một trong những hạt nhân nòng cốt trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Co đứng trước sự mai một của văn hóa đồng bào DTTS như hiện nay. Đã ngoài tuổi 70 nhưng ông Đường vẫn rất đam mê, miệt mài với việc gìn giữ và bảo tồn những nét độc đáo và được xem như cuốn “bách khoa toàn thư” về văn hóa Co ở xã vùng cao Tây Trà.
Ngay từ nhỏ, ông Đường đã được nghe tiếng cồng chiêng của trong gia đình và lễ hội của làng. Ông nội và cha dạy chơi chiêng, chơi đàn Brooc và kỹ thuật đan lát những vật dụng trong gia đình từ đơn giản đến phức tạp như Ka Pưck (nia sẩy lúa), Atró (gùi lúa nhỏ), Ateo (gùi lúa lớn) và cả những vật dụng phức tạp như Ga ráck đheec (mâm dùng cúng lễ), Ka xui (gùi 3 ngăn của đàn ông Co) hay và rá (vật dụng cột trâu trong lễ hiến trâu)... Vì vậy, ông Đường không chỉ biết đánh chiêng, chỉnh chiêng, chơi đàn Brooc rất hay mà còn đan lát giỏi.

Vấn đề phát triển và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhất là phát huy vai trò các già làng, nghệ nhân và những người uy tín, hiểu biết về di sản. Họ được xem là “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác...
Ngoài ra, việc duy trì thực hành, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể thông qua các lớp đào tạo có chủ đích, tổ chức đồng bào các DTTS tham dự các hội nghị, liên hoan.

Sự hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum, đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với không gian rộng mở, tầm nhìn chiến lược sâu rộng và tiềm năng du lịch đa dạng, đặc sắc. Chính lịch sử của quá trình tiếp biến và tạo nên dòng chảy lịch sử gắn với các di sản văn hóa hiện tồn qua nhiều thế kỷ từ văn minh Sa Huỳnh – văn hóa Champa - văn hóa các DTTS – văn hóa Đại Việt tạo tam giác du lịch vùng “cao nguyên – đồng bằng – biển đảo Lý Sơn” mang nhiều màu sắc đa dạng, nhất là sự phong phú, độc đáo, giàu bản sắc của di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Các nghệ nhân trình diễn nghề đan lát của người Rơ Măm
“Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” được xem là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành VHTTDL chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.
Với tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11.2021) xác định mục tiêu “văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi đang và tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Theo Luật DSVH năm 2024 và các quy định mới liên quan công tác bảo tồn, phát huy di sản được dự thảo nhằm phù hợp với tình hình mới. Trong đó, Nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng, miền, của đồng bào dân tộc.

Tái hiện lễ cúng vào nhà mới, một trong những lễ hội được duy trì lâu đời trong đời sống đồng bào Hrê được bảo tồn và phát huy đến ngày nay
Kết hợp bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể DTTS góp phần quyết định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2045: Thúc đẩy công nghiệp văn hóa ở tầm cao mới.
Xác định Chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào các hoạt động văn hóa, là một yêu cầu tất yếu, giúp phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống; góp phần lan tỏa, nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế trong thời kỳ hiện nay.
Tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; rà soát đề nghị bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân; cơ chế hỗ trợ các nghệ nhân trong việc truyền dạy giá trị văn hóa truyền thống trong nhà trường; chính sách hỗ trợ nhằm bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, nghệ thuật trình diễn dân gian... của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Các nghệ nhân người Sơ Đ’Rá (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) trình diễn nghề rèn
Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý; tham mưu lĩnh vực văn hóa có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển. Ưu tiên đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số.
Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa các cấp, nhất là cấp cơ sở nhằm bảo tồn các di sản có nguy cơ bị mất hẳn. Đầu tư kinh phí, đặc biệt là đầu tư để lực lượng nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, đưa nghệ thuật múa dân gian lên một tầm cao mới, là hoạt động thiết thực.
Xây dựng dự án dài hạn, ngắn hạn...nhằm khai thác các loại hình di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS tại các khu vực trung tâm, nơi người dân dễ dàng tiếp cận vào dịp cuối tuần (thứ 6, thứ 7, chủ nhật) nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh nhà nói chung.
Tạo các sản phẩm văn hóa du lịch phù hợp, mang tính thương hiệu và tính lan tỏa đến cộng đồng người dân trong nước và quốc tế.

Lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc được duy trì, gìn giữ, tạo nên nét đẹp văn hóa đặc sắc và đa dạng
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, những phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc đã có từ lâu đời, được duy trì, gìn giữ, tạo nên nét đẹp văn hóa đặc sắc và đa dạng. Vì vậy khi sáp nhập đơn vị hành chính, địa giới rộng hơn thì những giá trị văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán cần được gìn giữ, duy trì.
Điều ông Cao Văn Chư lo lắng nhất, hiện nay là tác động bên ngoài qua hệ thống công nghệ, tác động giao thông, chuyển đổi ngành nghề,… các di sản văn hóa dân tộc đứng trước nguy cơ mai một, bị mất hẳn. Vì vậy, chính quyền địa phương phải đặt trọng tâm bảo tồn văn hóa lên hàng đầu, nếu dân tộc không còn bản sắc có nghĩa là dân tộc sẽ mất đi và sức hấp dẫn du lịch cũng không còn.
“Văn hóa Tây Nguyên có sự giao thoa với các dân tộc khác, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Nhà nước cần có vai trò trọng tâm trong việc bảo tồn văn hóa, vì đó là tài nguyên du lịch quan trọng. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng trong công tác bảo tồn văn hóa, nhưng quan trọng nhất là ý thức tự giác của cộng đồng về giá trị văn hóa của mình”, ông Chư bày tỏ.
(Còn tiếp)

NHƯ ĐỒNG - TẠ HÀ; thiết kế: MẠNH LÊ