{Emagazine} Lan tỏa hình ảnh đất và người Ninh Bình
Các di chỉ khảo cổ ở Quần thể danh thắng Tràng An, Thung Lang (Tam Điệp), Mán Bạc (Yên Mô)... cho thấy Ninh Bình là vùng đất cổ, có sự cư trú liên tục của con người thời tiền sử từ cách nay 3 vạn năm. Đặc biệt, với thế núi, hình sông hiểm yếu, có giá trị cao về mặt quân sự, vào thế kỷ thứ X, Hoa Lư, Ninh Bình đã được chọn là kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam, khi Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế năm 968. Ðây là sự kiện có ý nghĩa bản lề khép lại một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vượt bậc cho đất nước.
Các nhà khoa học chuyên ngành cổ sinh, địa chất, khảo cổ... của Việt Nam và Trường Đại học Cambrige (Vương quốc Anh) đã tiến hành nghiên cứu di chỉ khảo cổ học Hang Bói (thuộc phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An) qua đó phát hiện nhiều dấu ấn người tiền sử cách ngày nay khoảng 10 nghìn năm.
Nhà nước Ðại Cồ Việt ra đời là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất, thông suốt, xác định lãnh thổ, tổ chức quân đội riêng, phát hành tiền tệ,... khẳng định sự tồn tại của một dân tộc độc lập, sánh ngang với các quốc gia khác.
Đông đảo các du khách trong và ngoài nước đến thăm quan Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư.
Sau này, vùng đất Hoa Lư tiếp tục được các vua nhà Trần chọn xây dựng căn cứ địa Vũ Lâm để củng cố lực lượng, phản công giải phóng Đại Việt trong cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai. Ninh Bình cũng là địa thế mà vua Quang Trung chọn để xây dựng phòng tuyến Tam Điệp làm bàn đạp đánh đuổi 29 vạn quân Thanh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ninh Bình là địa bàn có phong trào cộng sản sớm phát triển; là đại bản doanh của Binh đoàn Quyết Thắng góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ, thu non sông về một mối.
Bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời cũng tạo cho Ninh Bình hệ thống di tích rất phong phú về loại hình và niên đại, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật.
Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Tiêu biểu là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An, được mệnh danh là "Bảo tàng địa chất ngoài trời". Tràng An có cảnh quan ngoạn mục bao gồm các nón karst, tháp karst, các hố sụt, các bồn địa, ngấn đầm lầy, hang xuyên thủy, cùng với các trầm tích, nhũ đá và thảm rừng nguyên sinh dày... mang lại không khí mát mẻ, hoang sơ, thanh tĩnh.
Không những vậy, nơi đây còn chứa đựng những bằng chứng khảo cổ phong phú và vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên trạng. Đây là kho tư liệu vô giá cho thấy sự thích ứng của người tiền sử với những biến đổi quan trọng về môi trường kéo dài hơn 3 vạn năm.
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nhìn từ trên cao.
Khác với Tràng An, sức hấp dẫn của Tam Cốc - Bích Động không chỉ đến từ "bàn tay" của tạo hóa mà nơi đây có sự giao thoa, kết hợp giữa thiên nhiên và bàn tay lao động của con người tạo nên cảnh sắc đẹp như tranh vẽ, với núi, sông và những cánh đồng lúa vàng óng trải dài, uốn lượn hai bên bờ.
Vân Long cũng là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được chương trình Danh lục Xanh của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ghi danh.
Bình minh trên rừng Cúc Phương.
Ngoài ra, còn phải nói đến Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Ra đời vào năm 1962, đến nay Cúc Phương vẫn là vườn quốc gia đứng đầu cả nước về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Với hệ giá trị đặc biệt, từ địa chất địa mạo, cổ sinh học, lâm sinh, cảnh quan và văn hóa bản địa, Cúc Phương được so sánh ngang hàng với những khu rừng nhiệt đới hàng đầu thế giới.
Toàn tỉnh Ninh Bình có tới 260 lễ hội, trong đó, Lễ hội Hoa Lư là lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Lễ hội thể hiện lòng yêu nước, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" đồng thời cũng giáo dục thế hể trẻ lòng biết ơn sâu sắc đến các anh hùng dân tộc đã có công giữ nước. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (từ 8/3-10/3 Âm lịch). Lễ hội bao gồm các lễ rước như: lễ mở cửa đền, lễ dâng hương,… cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian.
Một số nghi lễ tại Lễ hội Hoa Lư năm 2023.
Bên cạnh Lễ hội Hoa Lư còn có Lễ hội Tràng An. Điểm đặc biệt của lễ hội là mọi nghi thức đều diễn ra trên sông. Ngoài ra có thể kể đến: Lễ hội đền Thái Vi (Hoa Lư); Lễ hội Báo Bản Nộn Khê, Lễ hội đền La (Yên Mô); Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn (Gia Viễn); Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ (Kim Sơn)...
Lễ hội Tràng An.
Quang cảnh Tam Cốc dịp Tuần du lịch Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An năm 2023.
Cùng với các lễ hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng là tài sản tinh thần vô giá được người dân Ninh Bình gìn giữ, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là những câu hát Xẩm mộc mạc chân quê, những làn điệu Chèo mượt mà, đằm thắm, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mường...
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại phố cố Hoa Lư.
Trong đó, tiêu biểu là tính cách chất phác nhưng can trường của miền núi; khôn ngoan, tinh tế, ôn hòa của dân châu thổ; tính mạnh mẽ, phóng khoáng của dân miền biển. Đặc biệt, người dân Ninh Bình luôn cần cù trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh chống thiên tai, giặc dã, sống hài hòa với thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, chất phác, giản dị, chân thành và có khí tiết.
Đền thờ Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình).
Nguyễn Thị Thu Hằng - Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.
Là vùng đất địa linh nhân kiệt, Ninh Bình sản sinh ra nhiều anh dùng dân tộc, văn hóa tiêu biểu trong lịch sử: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu…
Ninh Bình nằm trong danh sách những điểm đến hàng đầu Đông Nam Á.