ESG trả lời câu hỏi 'nên đầu tư vào đâu'

Nên rót tiền vào doanh nghiệp chạy theo tối đa hóa lợi nhuận hay doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường xã hội là câu hỏi thường trực của nhà đầu tư.

Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, CEO Trường kinh doanh Leonard de Vinci, khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, hầu như tất cả nhà đầu tư đều hướng tới các doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên làm mục tiêu hàng đầu.

Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, những hệ lụy của sự thiếu bền vững như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng đang gây ra tác động tiêu cực ngày càng lớn, tư duy của nhà đầu tư đã thay đổi.

Ông Khương trích dẫn khảo sát của PwC năm 2021, chỉ ra, 65% lãnh đạo các quỹ đầu tư và tập đoàn lớn nhất thế giới cho rằng doanh nghiệp phải quan tâm tới các chỉ tiêu về ESG (kinh tế - xã hội - môi trường) để duy trì chỗ đứng trên thị trường, bởi lẽ, thị trường sẽ thiết lập những chuẩn mực mới liên quan đến phát triển bền vững.

Chính vì vậy, ESG đã trở thành điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp, thay vì một sự lựa chọn hay một điểm cộng “có thì tốt, không có cũng chẳng sao”.

Tuy nhiên, báo cáo của PwC chỉ ra một thực trạng là dù khẳng định tính cấp thiết của ESG nhưng đa số (hơn 80%) nhà đầu tư không chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận. Gần 20% nhà đầu tư chấp nhận mức sụt giảm lợi nhuận ở con số khoảng 1 – 2% và một số lượng rất ít chấp nhận mức giảm 5 – 10%.

Điều này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với doanh nghiệp khi phải đặt lên bàn cân yếu tố lợi nhuận và yếu tố về trách nhiệm xã hội.

Câu trả lời cho tình thế này là doanh nghiệp có thể lựa chọn cả hai.

Mối tương quan giữa ESG và lợi nhuận của doanh nghiệp

Theo ông Khương, doanh nghiệp khi thực hành phát triển bền vững theo chuẩn ESG có thể sẽ đạt được ba lợi ích, bao gồm quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả đầu tư dài hạn và đạt hiệu suất tài chính tốt hơn.

Bởi lẽ, doanh nghiệp thực hành ESG sẽ có uy tín cao hơn, được đón nhận từ phía thị trường và người tiêu dùng, có thể dễ dàng chinh phục các bên liên quan như nhà cung ứng, tổ chức tín dụng và khách hàng.

Những lợi ích đó không nằm trên lý thuyết mà được chứng minh bằng thực tiễn.

Cụ thể, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban quan hệ đối tác, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), cho biết, doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) thể hiện sức chống chịu tốt hơn, doanh thu cũng cao hơn so với doanh nghiệp không áp dụng.

Điều này không quá khó hiểu, bởi thực hành phát triển bền vững giúp doanh nghiệp tối đa hóa nguồn lực. Chẳng hạn như yếu tố G giúp doanh nghiệp quản trị hiệu quả hơn, nâng cao trách nhiệm giải trình của cả bộ máy, từ đó nâng cao hiệu quả, tiến độ công việc, hạn chế các hiện tượng tiêu cực.

Hoặc nhìn một cách đơn giản, doanh nghiệp quản trị tốt, tạo ra hứng khởi, động lực cũng như cơ chế nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng hợp lý cho nhân sự thì chắc chắn nhân sự sẽ có năng suất cao.

Hay như với yếu tố S là xã hội, chính là nguồn tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Có trách nhiệm với xã hội là doanh nghiệp đang góp phần kiến tạo thị trường tiêu thụ bền vững.

Tương tự như yếu tố E là môi trường, tư duy tránh tác động tiêu cực tới môi trường giúp doanh nghiệp ý thức cao hơn trong việc tiết kiệm tài nguyên, tận dụng, tái sử dụng và tái tạo các nguồn lực tự nhiên, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất, giảm thiểu rủi ro cạn kiệt tài nguyên và tinh gọn được chuỗi cung ứng.

Các thực hành phát triển bền vững không phải phép màu có thể tiên đoán được những biến động của thế giới như đại dịch Covid-19 hay các cuộc xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, thực hành bền vững đòi hỏi doanh nghiệp đặt ra trước các tình huống rủi ro như đứt gãy chuỗi cung ứng, lực lượng lao động bị tổn thương, từ đó có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Một yếu tố khác giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi thực hành bền vững là tránh được tác động từ sự biến chuyển trong chính sách thị trường và xu thế tiêu dùng trên toàn cầu, chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM), đạo luật chống suy thoái rừng của EU.

Nói tóm lại, phát triển bền vững theo chuẩn ESG chính là việc doanh nghiệp đi một con đường dài, hướng đến mục đích cùng tồn tại, cùng chung sống và cùng có lợi với môi trường và xã hội.

Chính vì vậy, nhà đầu tư có tư duy lâu dài, có óc phán đoán chiến lược chắc chắn sẽ ưa thích doanh nghiệp đi theo hướng bền vững. Mặt khác, nhà đầu tư như vậy mới là bạn đồng hành tốt cho doanh nghiệp.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/esg-tra-loi-cau-hoi-nen-dau-tu-vao-dau-1716538169086.htm