EU áp thuế mới đối với xe điện của Trung Quốc

Liên minh châu Âu vừa quyết định tăng gấp 5 lần thuế nhập khẩu đối với ô tô điện của Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, biện pháp này khó có thể ngăn cản làn sóng xe điện Trung Quốc vào thị trường EU, trong khi lại đang gây hại cho chính các nhà sản xuất của Liên minh.

Mức thuế mới sẽ như thế nào

Theo một tuyên bố từ Ủy ban châu Âu, mức thuế bổ sung từ 17,4% đến 38,1% sẽ được áp dụng cùng với mức thuế 10% hiện có của EU. Điều đó nghĩa là xe điện do Trung Quốc sản xuất nhập khẩu vào EU phải đối mặt với tổng mức thuế lên tới gần 50%.

EU đã áp dụng các mức thuế mới khác nhau cho ba nhà sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc. BYD - đang cạnh tranh với Tesla để giành vị trí là nhà bán xe điện chạy pin lớn nhất thế giới, có mức thuế bổ sung thấp nhất, mức 17,1%. Geely, công ty sở hữu Volvo của Thụy Điển, đã bị áp thêm mức thuế 20% và SAIC bị áp thêm 38,1%.

Đối với các nhà sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc, những nhà sản xuất xe điện hợp tác với cuộc điều tra của EU sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 21%, trong khi những nhà sản xuất không hợp tác sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 38,1%.

Mức thuế 17,1% sẽ khiến một chiếc ô tô có giá khởi điểm 30.000 euro bị tăng thêm 5.250 euro. Trong khi mức thuế 38,1% sẽ khiến giá tăng 11.450 euro.

Lý lẽ của EU và phản ứng của Trung Quốc

Quyết định tạm thời này được đưa ra khi Ủy ban châu Âu tiến hành cuộc điều tra từ tháng 10.2023 về các biện pháp trợ cấp của nhà nước Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất xe điện.

Sau 9 tháng điều tra, Ủy ban châu Âu tạm thời kết luận, ngành công nghiệp xe điện ở Trung Quốc “được hưởng lợi từ việc trợ cấp không công bằng, điều này gây ra những thiệt hại kinh tế đối với EU”. EU cho rằng mọi khâu của quy trình sản xuất xe điện, từ quá trình khai khoáng sản xuất lithium dùng trong pin, đến khi ô tô được vận chuyển đến Rotterdam và Zeebrugge đều được nhà nước Trung Quốc trợ cấp.

Ô tô điện chờ xuất khẩu tại bến cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc Ảnh: China Daily

Ô tô điện chờ xuất khẩu tại bến cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc Ảnh: China Daily

Chẳng hạn, EU chỉ ra rằng, Chính quyền Bắc Kinh có thể cho thuê giá rẻ hoặc miễn phí mặt bằng được sử dụng làm nhà máy sản xuất. EU cũng khẳng định có những khoản trợ cấp dành riêng cho lithium và pin cũng như chính sách miễn thuế đối với lĩnh vực pin. EU cũng chỉ ra một loạt lợi thế tài chính bao gồm trái phiếu xanh được phát hành với lãi suất thấp hơn so với lãi suất hiện có trên thị trường quốc tế và lãi suất tái cấp vốn ưu đãi cho các quỹ được phân bổ để hỗ trợ lĩnh vực này.

Các quan chức phương Tây lo ngại rằng ô tô điện nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc sẽ khiến người dân châu Âu thất nghiệp hàng loạt và xóa sổ các ngành công nghiệp quan trọng của liên minh.

Trên thực tế, châu Âu là điểm đến chính cho xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Theo Rhodium Group, một tổ chức nghiên cứu, năm ngoái, giá trị nhập khẩu ô tô điện từ Trung Quốc của EU đạt 11,5 tỷ USD, tăng so với mức chỉ 1,6 tỷ USD vào năm 2020.

Động thái của EU diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Washington tiết lộ kế hoạch tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian cho biết, cuộc điều tra của EU là một “trường hợp điển hình của chủ nghĩa bảo hộ” và thuế quan sẽ gây tổn hại cho hợp tác kinh tế Trung Quốc - EU cũng như sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng phương tiện trên toàn cầu.

Bộ Thương mại Trung Quốc thì tuyên bố sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”.

Khởi động các cuộc đàm phán

Các nhà quan sát cho rằng, quyết định tăng thuế của EU không mang lại lợi ích cho bên nào, nhưng điều trớ trêu là Trung Quốc lại không phải bên chịu tổn thất lớn nhất.

Thuế quan sẽ được nâng lên 48% - tương đương với hàng tỷ euro - sẽ được áp dụng từ tháng 7 tới. Nhưng khoản chi phí tăng thêm này có thể không chảy ra từ túi các nhà sản xuất Trung Quốc mà từ chính các khách hàng châu Âu. Thuế quan không thể ngăn cản các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu vì họ hoàn toàn có thể tăng giá và vẫn kiếm được lợi nhuận trong bối cảnh cầu từ châu Âu vẫn rất lớn.

Ngoài ra, hai hãng xe BYD và Chery của Trung Quốc đã tuyên bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại châu Âu, điều này sẽ tránh được mức thuế quan "khủng".

Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô của châu Âu đang phụ thuộc rất lớn vào các linh kiện của Trung Quốc, đặc biệt là đối với xe điện vì Trung Quốc thống trị phần lớn chuỗi cung ứng. Phản ứng của Bắc Kinh đối với thuế quan “có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại với EU, điều này sẽ rất tàn khốc trong bối cảnh EU đang muốn đạt được các mục tiêu khí hậu cao cả của mình”, Will Roberts, người đứng đầu nghiên cứu ô tô tại công ty tư vấn Rho Motion, cho biết.

Giám đốc điều hành BMW, Zipse cũng cảnh báo rằng việc gây ra một cuộc chiến thương mại có thể gây ra hậu quả cho quá trình chuyển đổi sang xe điện vì không thể sản xuất ô tô ở châu Âu nếu không có hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Châu Âu vốn đang muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện và dự định sẽ cấm việc bán mới xe chạy bằng động cơ đốt trong (xăng và dầu diesel) bắt đầu từ năm 2035.

Ngoài ra, mức thuế mới đang biến các nhà sản xuất ô tô châu Âu trở thành “con tin” trong cuộc chiến thương mại giữa EU và Trung Quốc. Hiện không ít công ty châu Âu sản xuất ô tô ở Trung Quốc và sau đó bán chúng ở châu Âu. Quá trình sản xuất sẽ tốn kém hơn do mức thuế cao hơn, chưa kể sự trả đũa của Bắc Kinh có thể khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn.

Lưu ý rằng một nửa số xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc được sản xuất bởi các nhà sản xuất phương Tây, Thủ tướng Olaf Scholz cảnh báo: "Chủ nghĩa cô lập và rào cản thuế quan cuối cùng chỉ khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn và mọi người nghèo hơn. Chúng tôi không đóng cửa thị trường với các công ty nước ngoài vì chúng tôi cũng không muốn điều đó xảy ra với các công ty của mình”.

Đối với Đức, không chỉ các nhà sản xuất ô tô của nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh trong nước mà cuộc chiến thương mại sắp xảy ra sẽ giáng một đòn mạnh vào hoạt động xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô của Đức - đặc biệt là Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, có liên doanh với SAIC. Trung Quốc chiếm gần 32% doanh số bán hàng của BMW trong quý I.2024 và khoảng 30% doanh số bán hàng cùng kỳ của các đối thủ Volkswagen và Mercedes-Benz.

Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing cho biết, Thuế trừng phạt của Ủy ban châu Âu đang đánh vào chính các công ty Đức và các sản phẩm hàng đầu của họ.

Người phát ngôn của Volkswagen cho biết, Những tác động tiêu cực của quyết định này lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào đối với người châu Âu và đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô Đức.

Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz Ola Källenius, đã thêm tiếng nói của mình vào những lo ngại: “Với tư cách là một quốc gia xuất khẩu, điều cuối cùng chúng tôi mong muốn là việc dựng lên các rào cản thương mại dù ở bất kỳ đâu”.

Mặc dù về lý thuyết, mức thuế mới được công bố sẽ được áp dụng từ này 4.7 nhưng đây mới chỉ là quyết định tạm thời. Vẫn còn cơ hội từ nay đến tháng 11.2024 để Bắc Kinh và Brussels khởi động các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho cả hai bên trước khi EU quyết định có nên áp dụng thuế quan vĩnh viễn hay không.

Những người trong ngành cho biết cả châu Âu và Trung Quốc đều có lý do muốn đạt được thỏa thuận trong những tháng tới để tránh tăng thêm hàng tỷ đô la chi phí mới cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, khi quy trình của EU được xem xét.

Quốc Đạt (Theo The Financial Times, The Guardian)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/eu-ap-thue-moi-doi-voi-xe-dien-cua-trung-quoc-i375732/