EU khẳng định nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ
Ngày 26/5, Ủy viên châu Âu về thương mại và an ninh kinh tế, ông Maros Sefcovic khẳng định Liên minh châu Âu (EU) vẫn duy trì cam kết đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bài đăng trên mạng xã hội, ông Sefcovic cho biết Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục cam kết thực hiện các nỗ lực mang tính xây dựng và tập trung nhằm nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Bản thân ông sẽ tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên với những người đồng cấp Mỹ.
Phát biểu của ông Sefcovic được đưa ra sau các cuộc điện đàm được đánh giá là tốt đẹp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.
EC đã đại diện cho 27 nước thành viên trong các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận với Washington, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển. Ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp thuế 50% đối với tất cả hàng nhập khẩu của EU từ ngày 1/6. Đến ngày 25/5, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã có cuộc điện đàm với ông Trump, sau đó nhà lãnh đạo Mỹ đã đồng ý hoãn tăng thuế cho đến ngày 9/7. Tuy vậy, EU vẫn phải chịu mức thuế 10% mà Tổng thống Trump áp đặt vào tháng trước đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết mọi quốc gia trên thế giới.
Hiện EC đang tham vấn với các quốc gia thành viên về kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ trị giá gần 100 tỷ euro (113 tỷ USD) nếu các cuộc đàm phán thất bại.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU là 236 tỷ USD vào năm 2024. Nhưng theo tính toán của EC, nếu tính cả lĩnh vực dịch vụ mà các công ty Mỹ chiếm ưu thế, thâm hụt thương mại chung với Mỹ chỉ là 57 tỷ USD. Ông Sefcovic cho biết EU có thể bù đắp thâm hụt thương mại với Mỹ bằng cách mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng và một số nông sản của Mỹ.
Tổng thống Mỹ trước đó đã áp đặt nhiều đợt thuế quan đối với EU, trong đó áp thuế 25% đối với ô tô, thép và nhôm, nhằm xóa bỏ thặng dư thương mại hàng hóa với EU.
Cũng liên quan tới vấn đề thuế quan với Mỹ, chính phủ Nhật Bản ngày 26/5 đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 2.200 tỷ yen (15,5 tỷ USD) nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khỏi tác động của thuế quan Mỹ.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết trong gói hỗ trợ này có một phần hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và nới lỏng các điều kiện cho vay tại các tổ chức cho vay do chính phủ hậu thuẫn.
Nhật Bản, một đồng minh quan trọng và là nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ, phải chịu mức thuế cơ bản 10% giống hầu hết các quốc gia khác cộng với mức thuế cao hơn đối với ô tô, thép và nhôm.
Vào đầu tháng 4, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế đối ứng 24% đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, nhưng sau đó đã tạm hoãn cho đến đầu tháng 7.