EU nói không với chiêu trò 'tẩy xanh' hàng hóa
Sản phẩm 'xanh', 'eco', 'organic'… hay thậm chí chỉ là những bao bì gợi hình ảnh cây cỏ, thiên nhiên trong những năm gần đây đã trở thành xu hướng đặc biệt thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ngày càng mạnh mẽ. Nhưng câu chuyện đằng sau những nhãn dán và tag 'xanh' này không đơn giản.
Thời khắc của sự chân thực
Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên gần đây đã nhất trí xúc tiến dự luật nhằm cấm các công ty dán nhãn sản phẩm thân thiện với môi trường nếu họ không đảm bảo những bằng chứng thuyết phục người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ là “thân thiện với môi trường”, “bạn của thiên nhiên”, “phân hủy sinh học”, “tiết kiệm năng lượng”… là xác thực.
Dự luật được công bố ngày 19/9/2023 cấm các tuyên bố chung chung về môi trường, theo kiểu “thân thiện với môi trường”, “tự nhiên”, “có thể phân hủy sinh học”, “không tác động tới khí hậu” hoặc “sinh thái” mà không có bằng chứng được công nhận. Luật cũng cấm hoạt động truyền thông thương mại về một hàng hóa có đặc điểm giới hạn độ bền nếu có thông tin về đặc điểm đó và ảnh hưởng của nó đến độ bền trên sản phẩm; cấm các tuyên truyền núp bóng cơ chế bù đắp lượng khí thải để thể hiện rằng sản phẩm có tác động trung tính, giảm thiểu tác hại hoặc ảnh hưởng tích cực đến môi trường; cấm việc gắn mác sản phẩm bền vững không dựa trên chứng nhận đã được phê duyệt hoặc do cơ quan công quyền cấp; cấm các tuyên bố về độ bền hoặc sử dụng trong điều kiện thông thường chưa qua kiểm chứng.
Thêm vào đó, dự luật cấm các sản phẩm khuyến khích người tiêu dùng thay thế các vật tư tiêu hao sớm hơn mức thực sự cần thiết hay cung cấp cập nhật dù phiên bản mới chỉ nâng cao tính năng; hạn chế việc thể hiện hoặc gây ấn tượng rằng sản phẩm có thể sửa chữa được trong khi thực tế không cho phép hoặc gắn nhãn để làm nổi bật việc sản phẩm được mở rộng điều kiện bảo hành.
Trên thực tế, dự luật mới cập nhật danh sách các hoạt động thương mại hiện bị cấm tại EU, bổ sung hạn chế đối với một số thói quen tiếp thị theo kiểu “tẩy xanh” hàng hóa để nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi những hành vi cố tình nhằm vào thị hiếu chuộng các sản phẩm “organic” và giúp họ đưa ra lựa chọn mua hàng tốt hơn.
Những quy định mới còn có thể giúp người tiêu dùng nắm được thông tin cụ thể hơn về tình trạng, thời gian bảo hành của sản phẩm bởi một số ước tính cho biết có tới 60% người tiêu dùng châu Âu không biết rằng theo quy định của EU, tất cả hàng hóa đều có thời hạn bảo hành ít nhất hai năm
Tất nhiên, trước khi thành luật, các nội dung mới được hoàn thiện phải có được sự chấp thuận của cả Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu. Nghị viện dự kiến tiến hành cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào tháng 11 tới và sau đó, nếu được thông qua, các quốc gia thành viên sẽ có 24 tháng để đưa các quy định mới vào bộ luật nội địa. Nếu suôn sẻ, dự luật sẽ có hiệu lực từ năm 2026.
Thực tế những chiêu trò “tẩy xanh” hàng hóa là vấn nạn từ lâu đã được các tổ chức phi chính phủ và các nhóm vận động môi trường nhấn mạnh. Đáng chú ý, tháng 10/2022, tổ chức Carbon Market Watch đã công bố một cuộc điều tra về tuyên bố của FIFA rằng World Cup 2022 là sự kiện đề cao “trung hòa carbon”, chỉ trích những ước tính và số liệu mà ban tổ chức công bố về lượng khí thải từ sự kiện thể thao toàn cầu ở Qatar không “thể hiện chính xác thực tế giải đấu”.
Là một bước tiến lớn hướng tới các hoạt động thương mại trung thực hơn và đảm bảo đủ thông tin cho người tiêu dùng châu Âu, dự luật được các nhà hoạt động môi trường khu vực ví von như cơn lũ sẽ cuốn trôi những sản phẩm gắn mác “trung tính carbon” hết sức vô nghĩa như như phô mai, chai nhựa, chuyến bay hay thậm chí là cả tài khoản ngân hàng.
Mảnh ghép trong tổng thể chiến lược
Các quy định mới của EU là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của khối nhằm cải tổ nền kinh tế hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nỗ lực ngăn chặn các hành động “tẩy xanh” diễn ra trong bối cảnh xuất hiệu nhiều lực cản đối với một số kế hoạch lập pháp tại Brussels, nơi Ủy ban châu Âu cố gắng hoàn tất những điều khoản cuối cùng của Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) trước cuộc bầu cử Nghị viện EU tháng 6/2024.
EGD là một thỏa thuận tham vọng nhằm cân bằng các mục tiêu khí hậu với phát triển kinh tế. Nói một cách cụ thể, EGD đặt mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên sử dụng và khuyến khích năng lượng sạch và an toàn với giá thành phù hợp, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, hỗ trợ đa dạng sinh học, nâng cao nguồn vốn tự nhiên của EU, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững, hệ thống sản xuất thực phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường...
Trong xu thế thời đại, EGD phù hợp với mục tiêu chiến lược của EU nhằm đảm bảo khả năng tự chủ, ổn định thương mại, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng dầu, khí, tài nguyên khoáng sản từ một số đối tác và thiết lập tiêu chuẩn cho các thị trường xanh có lợi cho doanh nghiệp trên Lục địa già. Song song với việc đặt lộ trình hoàn thiện EGD và các dự luật củng cố thỏa thuận này, EU đã xây dựng một loạt chính sách có tầm nhìn tới năm 2050 để tiến tới một nền kinh tế xanh và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.