EU siết chặt quy định đối với thương mại nông sản tươi

Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững nhằm giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Quy định này sẽ tác động đáng kể đến nhà xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Bắc Âu.

Ngày 7/2/2025, Bộ Công thương có cảnh báo về việc, EU siết chặt quy định đối với thương mại nông sản tươi và đưa ra lời khuyên đối với nhà xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Bắc Âu.

EU siết chặt quy định đối với thương mại nông sản tươi. Ảnh: TL

EU siết chặt quy định đối với thương mại nông sản tươi. Ảnh: TL

Thị trường Bắc Âu, gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, nổi tiếng với yêu cầu cao về chất lượng nông sản, đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Thứ nhất, các quy định mới ảnh hưởng đến nông sản tươi buộc giảm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. EU yêu cầu nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu.

Thứ hai, doanh nghiệp cần quan tâm đến Chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). Chứng nhận này đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại. Miễn trừ: Một số loại như chuối, dừa, chà là, dứa và sầu riêng không cần chứng nhận này. Quy định bổ sung: Nhiệt xử lý cho xoài hoặc các biện pháp tương tự được khuyến khích để ngăn chặn ruồi đục quả.

Thứ ba, EU sẽ tăng cường kiểm tra và giám sát. EU áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia.

Để ứng phó với quy định mới của EU, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến nghị, các nhà xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Bắc Âu tuân thủ quy định dư lượng hóa chất. Nhà xuất khẩu cần đảm bảo sản phẩm không vượt mức dư lượng hóa chất cho phép và đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt từ các nhà nhập khẩu Bắc Âu. Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật được EU chấp thuận. Kiểm tra dư lượng hóa chất tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng khuyến nghị, doanh nghiệp Việt và nhà nhập khẩu lưu ý đến việc, đảm bảo chứng nhận kiểm dịch thực vật. Chứng nhận kiểm dịch thực vật là yêu cầu bắt buộc để sản phẩm vào thị trường EU.

Theo đó, hành động cần thiết là, hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch tại Việt Nam để đảm bảo quy trình kiểm tra và cấp chứng nhận đúng chuẩn. Áp dụng các biện pháp xử lý để loại bỏ nguy cơ sinh vật gây hại.

Sản phẩm từ Việt Nam có thể nằm trong danh mục rủi ro cao, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra cao hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần nâng cao kiểm soát chất lượng tại nguồn, đặc biệt với các loại nông sản như ớt, đậu, và trái cây nhiệt đới. Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ về quy trình sản xuất và kiểm tra để giải quyết kịp thời khi có vấn đề phát sinh./.

Thị trường Bắc Âu đặt ra các yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đáp ứng tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, với chiến lược phù hợp, các doanh nghiệp không chỉ vượt qua thách thức mà còn tận dụng cơ hội để mở rộng thị phần tại khu vực này.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/eu-siet-chat-quy-dinh-doi-voi-thuong-mai-nong-san-tuoi-169994.html