Giá cà phê Arabica tăng cao, cơ hội cho Robusta Việt Nam thâm nhập thị trường Bắc Âu

Dự báo giá cà phê Arabica tăng thêm ít nhất 1,5 USD mỗi gói trong vài tháng tới tại Thụy Điển, và đây sẽ là cơ hội cho cà phê Robusta của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này...

Việt Nam – nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới lại nổi tiếng với hạt Robusta. Ảnh minh họa.

Việt Nam – nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới lại nổi tiếng với hạt Robusta. Ảnh minh họa.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Iceland) cho biết theo cảnh báo từ ngành công nghiệp cà phê toàn cầu, thời tiết cực đoan đang đẩy giá cà phê lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, với dự báo một gói cà phê sẽ tăng thêm 1-1,5 USD vào mùa xuân này.

Tại Thụy Điển, giá cà phê dự kiến sẽ tăng mạnh ít nhất hai lần trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu từ tình trạng thời tiết khắc nghiệt tại Brazil – quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, nên năng suất thu hoạch ngày càng kém.

Hạt Arabica, loại hạt phổ biến nhất tại Thụy Điển, rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Hạt Arabica phát triển tốt nhất tại các quốc gia gần xích đạo, trong môi trường đất núi lửa ẩm, trên những sườn núi dốc ở độ cao khoảng 2.000 mét. Tuy nhiên, những khu vực này, đặc biệt ở Brazil, châu Phi và châu Á đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu.

Giá cà phê nhân tăng từ tháng 1/2024 và tiếp tục tăng nhanh trong tháng 11 và 12/2024 và tăng tới 75% trong năm 2024 - đạt mức cao nhất trong 50 năm qua, trong khi chi phí cà phê nhân chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất, cú sốc giá này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến giá bán lẻ. Tình hình còn trầm trọng hơn bởi đồng krona Thụy Điển (đơn vị giao dịch của cà phê nhân) mất giá so với đồng USD.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định đây chính là thời điểm, cơ hội lớn cho Robusta Việt Nam. Thụy Điển tiêu thụ chủ yếu cà phê Arabica, Việt Nam – nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới lại nổi tiếng với hạt Robusta.

Robusta có chi phí thấp hơn, khả năng chống chịu khí hậu tốt hơn Arabica và thường được sử dụng trong cà phê hòa tan. Sự tăng giá Arabica toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, khi nhu cầu chuyển hướng sang các lựa chọn thay thế tiết kiệm hơn.

Trước cơ hội này, Thương vụ cho rằng mặc dù Thụy Điển và các nước Bắc Âu ưu tiên Arabica, nhưng giá Arabica tăng cao có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu tìm kiếm nguồn cung Robusta với giá hợp lý hơn.

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường quảng bá Robusta như một giải pháp thay thế chất lượng với giá thành thấp hơn.

Đồng thời, doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng Robusta. Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Bắc Âu, cần đầu tư vào giống Robusta chất lượng cao, giảm vị đắng gắt, tăng hương thơm và áp dụng các tiêu chuẩn canh tác bền vững, cũng như đẩy mạnh thương hiệu và chứng nhận quốc tế. Các chứng nhận như Rainforest Alliance hay Fair Trade sẽ giúp cà phê Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu. Mặt khác, kết hợp câu chuyện về sản phẩm bền vững và bảo vệ môi trường có thể thu hút người tiêu dùng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm. Phát triển các sản phẩm cà phê blend (pha trộn giữa Arabica và Robusta) có thể tạo cầu nối phù hợp với thị hiếu của thị trường Bắc Âu.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-ca-phe-arabica-tang-cao-co-hoi-cho-robusta-viet-nam-tham-nhap-thi-truong-bac-au.htm