Masan nói về việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu khoáng sản sang Mỹ
Theo Masan, việc Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Mỹ có thể tạo ra một số lợi thế nhất định cho công ty con Masan High-Tech Materials.
![Nhà máy khai thác chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo của Masan High-Tech Materials. Ảnh: Masan.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_119_51422368/8880111f2851c10f9840.jpg)
Nhà máy khai thác chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo của Masan High-Tech Materials. Ảnh: Masan.
Đây là chia sẻ của ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc Chiến lược & Phát triển CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều 7/2.
Thực tế, Trung Quốc mới đây đã thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Mỹ nhằm trả đũa các biện pháp siết chặt trong lĩnh vực chất bán dẫn từ phía Mỹ.
Đáng nói, ngay sau diễn biến này, cổ phiếu MSR của Masan High-Tech Materials đã tăng trần hai phiên liên tiếp trên UPCoM, tương ứng mức tăng gần 28%.
![Thị giá mã MSR tăng gần 30% trong 2 phiên giao dịch gần nhất. Ảnh: Trading View.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_119_51422368/979a0d05344bdd15845a.jpg)
Thị giá mã MSR tăng gần 30% trong 2 phiên giao dịch gần nhất. Ảnh: Trading View.
Trả lời nhà đầu tư chiều 7/2, ông Lê Bá Nam Anh cho biết Trung Quốc cấm xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng cho sản xuất công nghiệp Mỹ, trong đó có cả vonfram và bismuth. Hiện, công ty đang theo dõi diễn biến giá cả sau lệnh cấm và đánh giá những lợi thế tiềm năng mà Masan High-Tech Materials có thể tận dụng.
"Lệnh cấm của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu trong lĩnh vực vonfram và bismuth, tạo ra một số lợi thế nhất định cho chúng tôi. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để xác định mức độ tác động như thế nào trong năm nay", đại diện Masan Group chia sẻ.
Cũng tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo tập đoàn tiết lộ Masan High-Tech Materials đã tìm được một đối tác trong nước mua 42.000 tấn đồng trong nỗ lực giải phóng hàng tồn kho của công ty. Con số này tương đương 85% hàng tồn kho đồng với giá trị khoảng 50 triệu USD.
Masan High-Tech Materials tiền thân là CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources), chính thức đổi tên vào năm 2020. Hiện tại, đây là nhà cung cấp vật liệu vonfram công nghệ cao, phục vụ các ngành công nghiệp quan trọng như điện tử, hóa chất, ôtô, hàng không vũ trụ, năng lượng và dược phẩm, với hệ thống sản xuất đặt tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc.
Liên quan đến tình hình kinh doanh, Masan High-Tech Materials cuối năm ngoái đã hoàn tất việc bán 100% vốn HCS cho Mitsubishi Materials Corporation với giá 134,5 triệu USD.
Trong quý IV/2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.868 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá bán vonfram, fluorspar và đồng tăng cao. Lỗ sau thuế ở mức 206 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 830 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tính cả năm 2024, Masan High-Tech Materials vẫn ghi nhận doanh thu thuần 14.336 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước. Dù vậy, sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ kỷ lục 1.587 tỷ đồng.