Đề xuất siết tiêu chuẩn khí thải ô tô tại Hà Nội, TP.HCM gây lo ngại
Dự thảo siết chặt kiểm định tiêu chuẩn khí thải ô tô cũ tại Hà Nội, TP.HCM đang có nhiều ý kiến khác nhau. Các chuyên gia ủng hộ mục tiêu nhưng lo ngại về tính khả thi, công bằng.
Việc Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất áp tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn cho ô tô tại hai đô thị lớn nhất nước là nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Dự thảo quy định mới về kiểm định khí thải, với việc áp dụng các mức tiêu chuẩn cao hơn (như Euro 4, Euro 5) cho xe ô tô đăng ký tại Hà Nội và TP.HCM, ngay cả với những xe đã sản xuất nhiều năm trước, đang được đưa ra lấy ý kiến và lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng, có lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, xung đột pháp luật và tạo gánh nặng không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện một cách hợp pháp.
Ủng hộ mục tiêu, nhưng lo cách làm
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách TP.HCM, bày tỏ sự ủng hộ về mặt chủ trương. Việc dự thảo quy định TP.HCM và Hà Nội áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn so với các tỉnh, thành khác là đúng đắn.
Lý do được ông Tính đưa ra là tình trạng ô nhiễm không khí ở mức độ khá cao tại hai đô thị đầu tàu này. Hạn chế được nguồn phát thải ở mức nào thì tốt ở mức đó, cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Tuy nhiên, sự ủng hộ về mục tiêu không đồng nghĩa với việc hoàn toàn tán thành phương pháp thực hiện được đề xuất trong dự thảo. Ông Tính và nhiều chuyên gia khác đã chỉ ra những vấn đề cốt lõi cần được xem xét thêm của dự thảo.
Một trong những lo ngại lớn nhất là nguy cơ quy định mới gây mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt quy định niên hạn sử dụng xe ô tô.

Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo đề xuất tiêu chuẩn khí thải ô tô cần đồng bộ thống nhất với quy định pháp luật hiện hành về niên hạn sử dụng xe ô tô. Ảnh: QH
Nghị định mới về niên hạn xe cơ giới chính thức có hiệu lực
Từ ngày 1-1-2025, Nghị định 166/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định, hoạt động cơ sở đăng kiểm và niên hạn sử dụng xe cơ giới đã chính thức có hiệu lực.
Theo đó, niên hạn sử dụng (tính từ năm sản xuất) được quy định cụ thể: 25 năm đối với xe ô tô chở hàng và xe chuyên dùng; 20 năm đối với xe ô tô chở người từ 09 chỗ trở lên (gồm xe chở trẻ em, học sinh) và xe chở hàng bốn bánh có động cơ; và 15 năm đối với xe chở người bốn bánh có động cơ.
Một điểm quan trọng là các phương tiện đã được xác định niên hạn sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu lực (1-1-2025) sẽ tiếp tục áp dụng theo niên hạn đã được xác định trước đó.
Ông Tính phân tích: "Hiện nay, xe ô tô kinh doanh vận tải có niên hạn sử dụng rõ ràng, xe tải thường là 25 năm, xe khách là 20 năm. Xe ô tô cá nhân thậm chí không bị áp niên hạn. Người dân, doanh nghiệp dựa vào các quy định này để tính toán hiệu quả đầu tư, quyết định mua xe".
Thế nhưng, nếu áp dụng cứng nhắc tiêu chuẩn khí thải mới theo dự thảo, ví dụ yêu cầu xe sản xuất từ năm 2017 đến 2025 phải đạt Euro 4 hoặc 5 từ năm 2026 tại Hà Nội và TP.HCM, thì rất nhiều phương tiện mới chỉ hoạt động được khoảng 8-9 năm, còn rất xa mới hết niên hạn sử dụng theo luật định, đã có nguy cơ không đáp ứng tiêu chuẩn và bị hạn chế lưu thông tại hai thành phố lớn nhất nước.
"Điều này là quá khắt khe. Quy định mới cần cân nhắc kỹ yếu tố này để tránh gây mâu thuẫn với quy định về niên hạn xe đã có. Việc đột ngột thay đổi sẽ gây khó khăn, thiệt thòi cho người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đã đầu tư chi phí rất lớn vào phương tiện, là điều cần xem xét lại. Nó có thể dẫn đến sự lãng phí đầu tư”- ông Tính nói.
Đồng quan điểm về sự cần thiết phải loại bỏ xe cũ nát, gây ô nhiễm môi trường, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch ủng hộ việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải để loại bỏ các xe không được bảo dưỡng đúng cách, chủ xe cố tình bỏ qua các hạng mục liên quan đến môi trường để xe hoạt động.
Tuy nhiên, theo Kỹ sư Tạch, dự thảo đề xuất việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới cho những xe mà khi xuất xưởng đã tuân thủ đúng quy định hiện hành tại thời điểm đó là không hợp lý.
"Hơn nữa, ô tô là tài sản có giá trị lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Khi nhà nước đã ban hành tiêu chuẩn, cho phép nhà sản xuất, nhập khẩu bán ra thị trường và cho phép người dân đăng ký lưu hành hợp pháp, thì không thể vài năm sau lại dùng một tiêu chuẩn mới cao hơn để loại bỏ những chiếc xe đó chỉ vì chúng được đăng ký ở Hà Nội hay TP.HCM" - ông Tạch góp ý.

Chuyên gia góp ý dự thảo cần quy định lấy tiêu chuẩn khí thải tại thời điểm xe xuất xưởng làm cơ sở để kiểm định, xe nào khi kiểm định không còn đạt thì không được phép lưu hành. Ảnh: QH
Cần giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tế
Kỹ sư Lê Văn Tạch chỉ ra sự thiếu hợp lý khi áp dụng tiêu chuẩn khác nhau dựa trên nơi đăng ký xe. Việc quy định xe biển số Hà Nội, TP.HCM phải đạt chuẩn Euro 4 hoặc 5 từ năm 2026, trong khi xe ở tỉnh khác thì không, là thiếu logic về mặt kỹ thuật.
“Hơn nữa, quy định này rất dễ bị lách luật. Người dân hoàn toàn có thể đăng ký xe ở các tỉnh lân cận, không bị áp tiêu chuẩn cao, rồi sau đó đưa xe về Hà Nội, TP.HCM để sử dụng hàng ngày. Như vậy, mục tiêu giảm ô nhiễm tại các thành phố lớn sẽ khó đạt được”- Kỹ sư Lê Văn Tạch chia sẻ.
Kỹ sư Lê Văn Tạch đề xuất giải pháp cần có quy định đồng bộ trên toàn quốc, không phân biệt vùng miền. Quan trọng nhất là lấy tiêu chuẩn khí thải tại thời điểm xe xuất xưởng làm cơ sở để kiểm định.
Xe nào khi kiểm định không còn đạt được mức tiêu chuẩn ban đầu do hư hỏng, xuống cấp, không được bảo dưỡng đúng cách thì không cho phép lưu hành. Cách làm này vừa đảm bảo môi trường, vừa công bằng cho người dân.

Quy định tiêu chuẩn khí thải mức cao đối với các ô tô đời cũ vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa: QH
Chuyên gia ô tô Nguyễn Thị Hiền cũng đồng tình rằng việc áp đặt tiêu chuẩn mới lên xe cũ là không thực tế. Xe được sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải nào thì khi kiểm định lưu hành cũng cần được đánh giá theo tiêu chuẩn đó. Không thể bắt một chiếc xe đạt Euro 3 hay Euro 4 phải “nhảy vọt” lên Euro 5 chỉ vì nó đang lăn bánh ở Hà Nội hoặc TP.HCM.
Theo bà Hiền, điều này không chỉ bất khả thi về mặt kỹ thuật đối với nhiều dòng xe cũ mà còn tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn cho chủ phương tiện, buộc họ phải nâng cấp tốn kém hoặc bán xe với giá rẻ.
Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn nhất cả nước, nơi tập trung đông dân cư và có hoạt động giao thương sôi động nhất.
Hạn chế phương tiện lưu thông tại 2 TP này sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ coi chiếc xe là "cần câu cơm", nên rất cần cân nhắc kỹ nhiều khía cạnh khi áp dụng tiêu chuẩn khí thải như dự thảo đề xuất.
Lo thiếu đồng bộ về chất lượng nhiên liệu
Dự thảo yêu cầu xe phải đạt chuẩn Euro 4, Euro 5, nhưng thực tế nhiều nhà máy lọc dầu trong nước vẫn sản xuất nhiên liệu xăng dầu đạt chuẩn rất ít. Xe có công nghệ cao mà nhiên liệu không tương thích thì cũng không thể phát huy hiệu quả về khí thải, thậm chí có thể gây hại cho động cơ.
Các nhà sản xuất ô tô luôn tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với xe sản xuất mới, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng tác động của dự thảo đối với hàng triệu phương tiện đang lưu hành hợp pháp trên cả nước. Sự không rõ ràng trong thông tin cũng là điều gây băn khoăn.
Việc giám sát, phân biệt xe nào thuộc đời nào để áp chuẩn phù hợp trên đường cũng là một thách thức lớn, bởi kiểu dáng xe qua các năm gần đây không có nhiều thay đổi rõ rệt.
Đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco)