EVFTA và EVIPA: Có là thỏi nam châm thu hút đầu tư?

Được ví như là 'con đường cao tốc' kết nối giữa Việt Nam và EU, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 đã và đang mở ra nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam.

Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: TTXVN

Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: TTXVN

Được ví như là “con đường cao tốc” kết nối giữa Việt Nam và EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 đã và đang mở ra nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam nhất là trong bối cảnh kinh tế đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để hiểu rõ hơn về những cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam khi tham gia EVFTA, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI.

Phóng viên: Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, bà có thể cho biết ý nghĩa của hiệp định này trong bối cảnh hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Hiệp định EVFTA không phải là hiệp định thương mại tự do mới mà là hiệp định thương mại tự do thứ 13 mà Việt Nam tham gia tính tới thời điểm này. Hiệp định EVFTA cũng không phải là hiệp định thương mại thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia mà trước đó đã có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa đặc biệt ở 3 góc độ:
Thứ nhất, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực củng cố thêm mối quan hệ thương mại tốt đẹp giữa 2 bên. Thứ hai là Việt Nam đã đạt được cam kết rất tốt từ phía EU với mức độ mở cửa xuất khẩu mạnh nhất của EU. Chính vì vậy, với định hướng nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam thì đây là hiệp định có ý nghĩa đặc biệt. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 trong thời điểm kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiệp định có hiệu lực thời điểm này là cú hích rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc hạn chế tác động của dịch, khôi phục kinh tế và từng bước thoát khỏi dịch bệnh.
Phóng viên: Xin bà cho biết những kỳ vọng và thách thức đối với Việt Nam khi triển khai Hiệp định EVFTA?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Hiệp định EVFTA được kỳ vọng ở 2 góc độ, kỳ vọng từ khía cạnh kinh tế và thể chế. Trước hết ở góc độ kinh tế, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam với EU có thể tăng thêm trên 40% so với kịch bản không có Hiệp định. Nhập khẩu cũng tăng thêm khoảng 36% so với kịch bản không có Hiệp định này. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng được kỳ vọng đưa Việt Nam thành một điểm đến lý tưởng cho đầu tư không chỉ là đầu tư từ EU mà cả đầu tư từ các khu vực và nền kinh tế khác.
Ở góc độ thể chế, Hiệp định EVFTA là hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nên được kỳ vọng giúp Việt Nam có nhiều thay đổi về mặt thể chế để không chỉ đáp ứng được theo Hiệp định mà còn đáp ứng được theo xu thế chung của thế giới.
Tuy vậy, Hiệp định EVFTA cũng không phải không có thách thức. Thứ nhất về thể chế, kỳ vọng từ đổi mới thể chế cao nhưng chi phí tuân thủ cũng không phải là thấp. Về mặt kinh tế, các ưu đãi EU dành cho Việt Nam như thuế quan đối với xuất khẩu mới chỉ là một phần. Để vào được thị trường EU doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua nhiều yêu cầu như về lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm…, mà EU lại nổi tiếng là thị trường rất kỹ tính trong các vấn đề này.
Phòng viên: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Hiệp định EVFTA, và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đóng vai trò như thế nào trong việc giúp hồi phục nền kinh tế Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: EVFTA không phải là câu trả lời cho tất cả, nhưng cũng là công cụ tốt để hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam, nhất là từ góc độ xuất khẩu và đầu tư. Với EVFTA Việt Nam sẽ có lợi thế hơn về giá khi xuất khẩu vào thị trường này. Tương tự như vậy, giai đoạn tới đây khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, các nền kinh tế châu Âu phục hồi và bắt đầu mở cửa trở lại sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Về đầu tư, EVFTA và EVIPA sẽ cho phép nền kinh tế của Việt Nam kết nối bằng “đường cao tốc” đến các thị trường lớn trên thế giới. Với điều kiện như vậy, rõ ràng đây là điểm cộng cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là đang trong bối cảnh có luồng dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay.

Trồng xoài xuất khẩu tại tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN

Trồng xoài xuất khẩu tại tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: EVFTA là hiệp định thế hệ mới với nhiều các luật lệ, chuẩn mực rất cao, vậy Việt Nam cần thực hiện giải pháp gì để có thể thích ứng, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Theo quan điểm của tôi có 3 lý do cho thấy không đáng lo ngại về việc thích ứng với các quy định và luật lệ của châu Âu.
Thứ nhất, trong suốt quá trình đàm phán, Việt Nam đã sửa đổi khá nhiều về mặt pháp luật và có nhiều văn bản pháp luật đã tiếp thu được tất cả các kết quả của quá trình đàm phán và đưa vào pháp luật hiện hành.
Thứ hai, với các cam kết mới Việt Nam cũng đã và đang thực hiện ở hiệp định khác rồi. Cụ thể như cam kết về thị trường lao động, Việt Nam đã sửa đổi bộ Luật Lao động trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP. Hay một số cam kết về sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã thực hiện rồi.
Chính vì lý do trên, theo tôi thách thức về thể chế và pháp luật trong thực hiện EVFTA là không đáng lo ngại.
Phóng viên: Theo bà, Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ có những ảnh hưởng như thế nào đến thị phần của các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp EU?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Theo cam kết EU mở cửa cho Việt Nam và Việt Nam cũng phải mở cửa cho EU nên cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Sẽ có những sản phẩm của Việt Nam chịu cạnh tranh phức tạp hơn trong thời gian tới khi mở cửa cho EU, đặc biệt là các sản phẩm mà Việt Nam có năng lực cạnh tranh còn yếu nhưng EU lại rất mạnh. Cụ thể như các sản phẩm về nông nghiệp, chăn nuôi hay trong một số lĩnh vực dịch vụ mà EU rất mạnh như logisticsthì cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, về mặt khách quan tổng thể, thách thức này là không quá lớn và đâu đó không tạo ra thay đổi đột ngột về mặt thị phần gây bất lợi cho Việt Nam. Trong cam kết EVFTA, các nhà đám phán cũng lưu ý cho vấn đề này nên không mở cửa ngay lập tức cho các sản phẩm của EU đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Vì vậy, tôi cho rằng sẽ không có cú sốc quá lớn về cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Phóng viên: Hiệp định EVIPA và EVFTA có hiệu lực trong thời điểm đang có xu hướng dịch chuyển luồng vốn đầu tư để đa dạng chuỗi cung ứng. Theo bà, cần có giải pháp gì để thu hút được luồng vốn đầu tư chất lượng cao từ châu Âu?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Hai hiệp định này là cơ hội rất tốt cho đầu tư và hứa hẹn cho nền kinh tế một triển vọng sáng sủa để kết nối với kinh tế EU. Đây được coi là “thỏi nam châm” để thu hút đầu tư nói chung. Ngoài ra, những cam kết về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh trong hai hiệp định là điều kiện tốt để cho các nhà đầu tư EU yên tâm đầu tư.
Tuy nhiên, tôi cho rằng hai hiệp định trên cũng chỉ tạo ra cơ hội chứ không mang đến đầu tư cho Việt Nam. Hiệp định đó không tự động biến Việt Nam thành điểm đến của các nhà đầu tư mà nó phụ thuộc và những hành động cụ thể của Việt Nam. Để làm được điều này theo tôi cần lập kế hoạch cụ thể cho các dự án đầu tư, kế hoạch thu hút đầu tư và các biện pháp cụ thể để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư. Xa hơn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là đối với đầu tư nước ngoài mà cả môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/evfta-va-evipa-co-la-thoi-nam-cham-thu-hut-dau-tu/166352.html