EVN tăng giá điện, tác động như thế nào đến người dân? | Hà Nội tin mỗi chiều

Kể từ ngày 11/10/2024, giá điện chính thức được điều chỉnh tăng. EVN cho rằng, việc tăng giá điện lên 2.103,11 đồng/kWh, tương ứng 4,8% không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mức giá này được các bộ, ngành cân đối để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều tới CPI. Cụ thể, với mức tăng này sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả năm 2024 là 0,04%.

Về tác động đến các hộ tiêu dùng điện, EVN cho biết, đối với khách hàng sinh hoạt sử dụng điện ở mức từ 200 kWh/tháng trở xuống có 17,4 triệu hộ (31%), thì mỗi tháng sẽ tăng thêm là 13.800 đồng/tháng. Mức tăng này không ảnh hưởng lớn. Mức sử dụng điện trên 200 - 300 kWh/tháng, tăng bình quân 32.000 đồng; với hộ sử dụng điện từ 300 - 400 kWh/tháng, mức tăng thêm là 47.000 đồng; các hộ sử dụng từ 400 kWh trở lên là 62.000 đồng.

Ảnh minh họa: EVN.

Ảnh minh họa: EVN.

Về tác động tới các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: "Theo tính toán của EVN thì khách hàng kinh doanh dịch vụ có khoảng 547.000 khách hàng, do đó với mức tăng 4,8%, mỗi tháng mỗi hộ sẽ phải trả bình quân 247.000 đồng; đối với hộ sản xuất (có khoảng 1,921 triệu khách hàng, với mức tăng 4,8%) thì tiền điện tăng lên khoảng 499.000 đồng/tháng. Còn đối với khách hàng xí nghiệp thì khoảng 691 khách tăng thêm khoảng 91.000 đồng/tháng".

Qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố thì giá thành sản xuất điện là 2.088 đồng/KWh, nhưng hiện nay, ngành điện đang bán giá trung bình đến tay khách hàng là 2.006 đồng/kWh, như vậy giá bán đang thấp hơn giá thành. Chưa kể trong quá trình truyền tải, EVN còn phải chịu một phần chi phí nữa vì điện bị tiêu hao. Cho nên, tính tổng thể lại thì giá bình quân thực tế mà EVN thu về chỉ là 1.953 đồng/KWh, tức là thấp hơn giá thành đến 6,92%. Theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Bộ Công Thương, năm vừa qua EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết: "Chúng ta đã tính đầy đủ các yếu tố đầu vào là theo thị trường. Nhưng đầu ra chúng ta lại quyết định giá thấp hơn cho nên gây ra hiện tượng lỗ trong sản xuất kinh doanh điện. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng khiến cơ cấu nguồn điện bị biến động. Để giải quyết tính trạng này đã đến lúc chúng ta cần phải tính đúng, tính đủ giá thành điện. Bởi nguyên tắc chung của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ".

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng: "Do EVN có gặp khó khăn về tình hình tài chính dẫn đến việc các dự án của tư nhân về mua điện cũng bị nợ và gây khó khăn rất nhiều cho các nhà đầu tư. Nếu chúng ta không có động thái điều chỉnh giá điện phù hợp sẽ gây khó khăn cho EVN trong câu chuyện chi trả cho các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra và vận hành hệ thống".

Theo EVN, hiện nay, giá bán điện đang thấp hơn giá thành. Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong.

Theo EVN, hiện nay, giá bán điện đang thấp hơn giá thành. Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong.

Thực tế, cơ cấu sản xuất và cung ứng điện hiện nay, các nhà máy của EVN chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu điện năng; còn lại là các nhà máy thuộc các tập đoàn như PVN, TKV và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hiện có hơn một nửa là từ nhiệt điện như điện than và điện khí. Khoảng 1/3 cơ cấu là từ thủy điện và phần còn lại (hơn 20%) là từ các nguồn tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, một trong những thách thức là chi phí truyền tải thấp.

Với vai trò là đơn vị trung gian kinh doanh điện, nếu không được tính đúng, tính đủ chi phí này vào giá bán điện đến tay khách hàng, thì EVN sẽ phải mua điện từ các nguồn phát với giá thấp. Như vậy, sẽ không tạo được động lực để đầu tư vào các nguồn điện mới.

Ông Phan Chí Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích: "Nếu EVN tìm cách giảm giá mua điện đầu vào, khiến cho các nhà sản xuất điện, nhà bán điện thiếu đi động lực thì sẽ có tác động đến đầu tư cho ngành điện và ảnh hưởng đến an ninh ngành điện. Để giải quyết vấn đề này, tại một số quốc gia trên thế giới, cho dù mỗi nước có quy trình tính toán khác nhau nhưng về cơ bản chi phí cho sản xuất điện vẫn đóng một tỷ trọng rất lớn. Ngoài ra, các họ còn đưa thêm nhiều chi phí khác vào để tính giá bán điện".

Nhiều chuyên gia cùng đồng tình về việc cần sớm có lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện, bảo đảm giá điện vừa hợp lý, vừa bù đắp được chi phí, từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành điện. Về lâu dài, cần chỉnh sửa cơ chế giá điện trong Luật Điện lực nhằm bảo đảm tính ổn định nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và có động lực đầu tư.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10 - 11%. Vì vậy, nếu không kịp đầu tư các nguồn điện mới thì sẽ khó đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và sản xuất của doanh nghiệp. Việc tính đúng, tính đủ giá thành điện ngoài việc góp phần giảm lỗ mà còn là động lực để phát triển các nguồn điện mới.

Trong năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện, như giá than, dầu, khí… đều tăng cao do biến động địa chính trị trên thế giới, cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi, tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm, trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao. Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam cũng tăng khoảng 10%. Như vậy, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Do vậy, việc tính đúng, tính đủ giá điện không chỉ góp phần thu hút đầu tư, mà còn là động lực để khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và bền vững.

Thanh Duyên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/evn-tang-gia-dien-tac-dong-nhu-the-nao-den-nguoi-dan-ha-noi-tin-moi-chieu-272262.htm