Exosome có tác dụng gì?

Exosome được coi là 'vũ khí mới' của công nghệ chăm sóc sắc đẹp hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì Exosome cũng có những nhược điểm nhất định cần nắm rõ để tránh các rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe.

1. Exosome là gì?

Exosome là những túi ngoại bào, được tiết ra từ các loại tế bào sống trong cơ thể và được lưu hành trong các dịch cơ thể như máu, nước tiểu, nước bọt... Mỗi phân tử Exosome có kích thước từ 40 đến 150 nanomet (nm), cấu tạo bên trong chứa các tín hiệu di truyền như DNA, RNA, protein, các yếu tố tăng trưởng và được bao bọc bởi lớp lipid kép và lớp protein bề mặt.

NỘI DUNG:

1. Exosome là gì?

2. Ưu điểm và nhược điểm của Exosome

3. Exosome và tiềm năng điều trị ung thư

Exosome tiếp nhận các vật chất di truyền và các yếu tố tăng trưởng từ tế bào ban đầu, sau khi được tiết ra ngoài chúng sẽ di chuyển theo dịch cơ thể đến các tế bào đích và tiết ra các tín hiệu để trao đổi thông tin với tế bào đích.

Do vậy, Exosome đóng vai trò quan trọng trong quá trình tương tác giữa các tế bào trong cơ thể.

Trong lĩnh vực làm đẹp, Exosome được coi là một trong những "vũ khí mới" trong ngành chăm sóc sắc đẹp hiện đại nhờ khả năng tái tạo và phục hồi mạnh mẽ giúp trẻ hóa da, cải thiện độ đàn hồi, giảm nếp nhăn, và tăng cường kết cấu da; làm đều màu da và giảm nám; hỗ trợ giảm rụng tóc bằng cách kích thích tăng trưởng nang tóc.

2. Ưu điểm và nhược điểm của Exosome

Bên cạnh ưu điểm thì Exosome cũng có những nhược điểm cần lưu ý. Cụ thể:

Ưu điểm:

Hiệu quả tái tạo da vượt trội: Exosome chứa các yếu tố tăng trưởng, RNA, protein, và enzyme giúp kích thích sản sinh collagen, elastin, và tái tạo tế bào da. Hỗ trợ phục hồi nhanh các tổn thương sau thủ thuật như laser, phi kim, PRP, và peel da.
Ứng dụng đa dạng: Điều trị sẹo rỗ, nám, lỗ chân lông to và các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, da chùng nhão. Hỗ trợ giảm viêm, làm dịu da nhạy cảm, kích ứng. Dùng trong liệu trình phục hồi tóc, cải thiện tình trạng rụng tóc và kích thích mọc tóc.
Tính an toàn cao: Exosome được chiết xuất từ tế bào gốc, không chứa tế bào sống, giảm nguy cơ gây phản ứng miễn dịch hoặc dị ứng. Phù hợp với hầu hết loại da, kể cả da nhạy cảm.
Không xâm lấn, ít đau đớn: Có thể sử dụng bằng cách thoa trực tiếp hoặc kết hợp với các liệu pháp phi kim, laser mà không cần phẫu thuật.
Thời gian hồi phục nhanh: Sau khi sử dụng, da nhanh chóng cải thiện mà không cần thời gian nghỉ dưỡng dài như các phương pháp xâm lấn.

Nhược điểm:

Chi phí cao: Do công nghệ mới và phức tạp, chi phí của liệu trình Exosome hoặc sản phẩm chứa Exosome thường đắt hơn so với các phương pháp truyền thống.
Cần điều kiện bảo quản nghiêm ngặt: Exosome nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ và môi trường, đòi hỏi phải bảo quản đúng cách để đảm bảo hiệu quả.
Hiệu quả tùy thuộc vào cơ địa: Mức độ cải thiện da có thể khác nhau ở từng người, đặc biệt với các tình trạng như nám lâu năm hoặc sẹo rỗ sâu.
Nguy cơ từ nguồn sản phẩm không rõ ràng: Thị trường có thể xuất hiện sản phẩm Exosome kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, làm giảm hiệu quả hoặc gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Chưa có nhiều nghiên cứu dài hạn: Vì Exosome là công nghệ tương đối mới, cần thêm thời gian để đánh giá tác dụng lâu dài cũng như các rủi ro tiềm ẩn.

TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

3. Exosome và tiềm năng điều trị ung thư

Hiện tại ở Việt Nam, Exosome mới được cấp phép dưới dạng mỹ phẩm. Tuy nhiên, Exosome còn có nhiều tiềm năng trong chẩn đoán sớm và điều trị ung thư.

Trong lĩnh vực bệnh lý, trong vi môi trường của khối u, tế bào ung thư, tế bào nền (nguyên bào sợi, tế bào nội mô..) và tế bào miễn dịch tương tác với nhau thông qua Exosome.

Exosome có nguồn gốc từ tế bào ung thư, tế bào gốc ung thư hoặc những tế bào khác trong vi môi trường khối u chứa protein, ADN và nhiều loại ARN. Các phân tử này có chức năng như dấu ấn sinh học giúp chẩn đoán sớm, tiên lượng bệnh và đánh giá hiệu quả điều trị ung thư.

Một số thành phần khác tham gia vào quá trình khối u phát triển, xâm lấn, di căn và kháng thuốc. Vì vậy, hiện nay người ta đang phát triển những liệu pháp điều trị ung thư dựa trên cơ chế hoạt động của Exosome.

Hiện tại ở Việt Nam, Exosome mới được cấp phép dưới dạng mỹ phẩm.

Hiện tại ở Việt Nam, Exosome mới được cấp phép dưới dạng mỹ phẩm.

Ứng dụng Exosome trong chẩn đoán ung thư: Sinh thiết lỏng chứa Exosome có chức năng như dấu ấn sinh học giúp phát hiện ung thư sớm.

Ứng dụng Exosome trong điều trị ung thư:

- Sử dụng thuốc ức chế Exosome: Các Exosome có nguồn gốc từ tế bào ung thư có thể thúc đẩy khối u di căn và kháng thuốc. Vì vậy, người ta đã phát triển các chất ức chế Exosome nhắm vào con đường tổng hợp hoặc vận chuyển Exosome.

- Tiêm Exosome miễn dịch: Exosome có nguồn gốc từ tế bào khỏe mạnh có thể sử dụng như thuốc điều trị ung thư.

- Vận chuyển thuốc bằng Exosome: Hiện nay, người ta đang nghiên cứu sử dụng Exosome tự nhiên hoặc nhân tạo làm chất vận chuyển thuốc hóa trị, phân tử ARN và protein nhắm vào khối u.

TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/exosome-co-tac-dung-gi-169241124122125131.htm