F0 cách ly, điều trị tại nhà cần làm gì và những loại thuốc F0 ngoại trú được sử dụng?
Để phòng tránh lây nhiễm bệnh cho người cùng sống trong gia đình, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 cách ly, điều trị tại nhà cần luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác; không ăn uống cùng với người khác; không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác...
Những việc F0 cách ly, điều trị tại nhà cần làm
Theo hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 (F0) tại nhà do Bộ Y tế ban hành kèm theo quyết định số 4156 cần bố trí người nhiễm phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng, nếu không có thì đánh dấu không gian riêng cho F0.
- Luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác;
- F0 cách ly, điều trị tại nhà không: Ăn uống cùng với người khác; Di chuyển ra khỏi khu vực cách ly; Tiếp xúc gần với người khác…
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có một số lưu ý khác về việc vệ sinh dụng cụ ăn uống của F0 để tránh lây nhiễm như: F0 nên có một bộ đồ ăn riêng, tốt nhất là nên dùng dụng cụ dùng một lần; rửa bát đĩa bằng nước nóng và xà phòng; nên tự rửa bát ở phòng riêng; nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc phải mang găng khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa…
Luôn mở cửa sổ, cửa lối đi khi có thể, nhằm cho không khí luôn được thay đổi; Không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác; Không để luồng khí thổi từ phòng F0 vào không gian chung; Sử dụng quạt và máy lọc không khí.
Rửa tay được Bộ Y tế nhấn mạnh là cách giảm lây nhiễm COVID-19 tốt nhất
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để phòng tránh lây nhiễm bệnh cho người cùng sống trong gia đình và cộng đồng, các thành viên cùng chung sống trong gia đình phải tuân thủ các lời khuyên sau đây:
- Cách ly người nhiễm khỏi những người khác
- Vệ sinh tay thường xuyên
- Đeo khẩu trang, sử dụng găng tay đúng cách
-Vệ sinh dụng cụ ăn uống tránh lây nhiễm
-Vệ sinh bề mặt môi trường sạch sẽ
-Xử lý đồ vải và vật dụng đúng quy định
- Quản lý chất thải và dịch tiết đúng cách
Theo đó F0 cách ly, điều trị tại nhà cần rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước tối thiểu là 30 giây hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây.
Các thời điểm rửa tay bao gồm: Trước và sau khi nấu ăn; Trước và sau khi ăn uống; Sau khi ho, hắt xì, xì mũi; Sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; Sau khi đi vệ sinh và sau khi thu dọn rác thải…
Các bài tập vận động cho F0 cách ly, điều trị tại nhà
Theo hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà do Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 4156 ngày 28/8 ngoài việc chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, F0 điều trị tại nhà cần phải tập luyện các bài tập tăng cường chức năng hô hấp và cần vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe.
Bộ Y tế nêu rõ việc vận động trong thời gian F0 cách ly tại nhà giúp giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn, tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp, ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.
Trong đó, các bài tập gồm tập thở, vận động tại giường, giãn cơ, thể lực tăng sức bền. Đặc biệt, trong quá trình tập luyện, nếu cảm thấy mệt, khó thở hay đau ngực, F0 cần dừng tập ngay và theo dõi cơ thể.
Nếu các tình trạng này vẫn tiếp tục tăng ngay cả khi đã nghỉ ngơi, bệnh nhân phải báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.
Ngoài ra, hướng dẫn của Bộ Y tế cũng yêu cầu F0 cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà phải đảm bảo dinh dưỡng như:
- Ăn đủ 3 bữa chính và tăng thêm các bữa phụ; đảm bảo đa dạng các nhóm thực phẩm như tinh bột, sữa, dầu mỡ, rau củ, thịt cá, trứng, các loại hạt…
- Không ăn quá nhiều đồ ngọt; không ăn kiêng thực phẩm nếu không bị dị ứng hoặc chỉ ăn theo lời khuyên của bác sĩ; không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng…
Người nhiễm COVID-19 không được tiếp xúc với vật nuôi trong nhà
Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà cũng khuyến cáo F0 không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan sang động vật.
Bộ Y tế cũng lưu ý: Người cùng nhà với F0 cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.
Những dấu hiệu F0 cần phải báo ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời
Cơ sở quản lý sức khỏe người nhiễm COVID-19 hướng dẫn người nhiễm COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào phiếu theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị theo quy định.
Theo đó, nội dung theo dõi sức khỏe hàng ngày gồm:
- Chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể).
- Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở đốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,...
Bộ Y tế lưu ý đối với người nhiễm COVID-19 quản lý, điều trị tại nhà khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe của gia đình hoặc trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động… để được xử trí và chuyển viện kịp thời.
- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
- Nhịp thở tăng: + Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút; + Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút, + Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút (Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).
- SpO2 (độ bão hòa ô xy trong máu) ≤ 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
- Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, ngón tay chân sưng phù, nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...
- Bất kỳ tình trạng nào mà người bệnh cảm thấy không ổn, lo lắng.
F0 điều trị tại nhà được sử dụng thuốc gì?
Ngày 26/8, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà.
Theo đó, 7 nhóm thuốc trong Danh mục gồm:
1- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol: cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg; cho người lớn: viên nén 250mg hoặc 500mg
2- Thuốc cân bằng điện giải: Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
3- Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng: Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.
4- Thuốc sát khuẩn hầu họng: Natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối) và thuốc sát khuẩn hầu họng khác.
5- Thuốc kháng vi rút: Sử dụng theo đề cương nghiên cứu lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt hoặc theo thông tin tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sau khi thuốc được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.
6- Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Lựa chọn một trong các thuốc sau: Dexamethason 0,5mg (viên nén); Methylprednisolon 16mg (viên nén); Prednisolon 5mg (viên nén). (Thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định).
7- Thuốc chống đông máu đường uống: lựa chọn một trong 2 thuốc sau: Rivaroxaban 10mg (viên); Apixaban 2,5mg (viên). (Thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định).
Hướng dẫn nêu rõ, hiện nay, thuốc kháng vi rút chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp hoặc cấp phép lưu hành chính thức. Thuốc được dùng trong chương trình thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu tại cộng đồng theo đề cương nghiên cứu được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế thông qua và Bộ Y tế cho phép triển khai.
Thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu thực hiện kê đơn điều trị ngoại trú theo quy định của Bộ Y tế về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Theo Bộ Y tế, kê đơn các thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút corona mới (SARS-CoV-2) của Bộ Y tế, các hướng dẫn có liên quan, trên nguyên tắc: Chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp mà chưa kịp chuyển người bệnh COVID-19 đến cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch và người bệnh không thuộc phạm vi chống chỉ định của thuốc (theo hướng dẫn sử dụng thuốc trong giấy phép đăng ký lưu hành sản phẩm).
Các dấu hiệu suy hô hấp là: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc khó thở tăng lên khi vận động (đứng lên, đi lại trong nhà) hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào, và/hoặc nhịp thở (ở trẻ em đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc): ≥ 21 lần/phút ở người lớn; ≥ 30 lần/phút ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi; ≥ 40 lần/phút ở trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi; và/hoặc SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo; khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng lưu ý các y bác sĩ khi kê đơn, lưu ý kiểm tra kỹ các chống chỉ định, khai thác thông tin về các thuốc người bệnh đang sử dụng để tránh các tương tác thuốc nghiêm trọng khi kê đơn. Tư vấn cho người bệnh hoặc người chăm sóc nhận biết một số tác dụng không mong muốn quan trọng của thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí phù hợp trong quá trình sử dụng./.