F1 quyết định ăn, ngủ cùng F0

Bạn cùng phòng mắc Covid-19, chị T. không cách ly riêng mà tiếp tục ăn uống, ngủ chung F0.

Trong hơn một tuần vừa qua, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam sau mỗi 24 giờ đã vượt mốc 100.000 người. Số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 quá lớn khiến nhiều người xuất hiện tâm lý “sớm muộn gì cũng trở thành F0”.

Mặt khác, trong báo cáo mới đây của Bộ Y tế, kết quả giải trình tự gene cho thấy biến chủng Omicron đã chiếm ưu thế tại Hà Nội và TP.HCM. Trước đặc tính của biến chủng này là gây triệu chứng nhẹ và lây lan nhanh, nhiều người sẵn sàng buông lỏng, “sớm” mắc Covid-19 để thoải mái hơn.

Sẵn sàng ăn, ngủ chung với F0

Chiều 6/3, chị N.T.H. (27 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM) quyết định tới điều trị tại một phòng khám da liễu gần nhà theo kế hoạch từ trước. Tuy nhiên, yếu tố nằm ngoài kế hoạch đã xảy ra khi chị H. bất ngờ nhận kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 ngay trước khi vào phòng khám.

“Tôi được nhân viên y tế của phòng khám thực hiện test nhanh theo thủ tục sàng lọc. Ngay khi hiện 2 vạch trên que test, họ đã yêu cầu tôi trở về nhà cách ly và theo dõi sức khỏe”, chị H. kể.

 Phiếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của chị H. tại phòng khám da liễu. Ảnh: NVCC.

Phiếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của chị H. tại phòng khám da liễu. Ảnh: NVCC.

Vấn đề phát sinh khi chị H. hiện ở cùng phòng với một người bạn là chị N.D.T. (27 tuổi). Trước đó, 2 người thường xuyên ăn, ngủ và sinh hoạt chung trong không gian chỉ rộng khoảng 25 m2. Lúc này, chị T. trở thành F1.

Chia sẻ với Zing, chị T. cho biết hiện vẫn âm tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, khi được bạn báo tin, chị không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi. Đặc biệt, 2 người vẫn tiếp tục ăn, ngủ chung trong phòng và không cách ly riêng.

“Thực tế là căn hộ chúng tôi đang sống không tiện để cách ly riêng. Ngoài ra, tôi không quá lo lắng nếu cũng nhiễm SARS-CoV-2”, chị T. nói.

 Thẻ test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 của chị H. được thực hiện lại tại nhà. Ảnh: NVCC.

Thẻ test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 của chị H. được thực hiện lại tại nhà. Ảnh: NVCC.

Theo người phụ nữ này, nguyên nhân để có tâm lý đó là chị đã tiêm 3 mũi vaccine từ trước nên nguy cơ diễn biến nặng khá thấp. Bên cạnh đó, chị T. cho rằng gần như chắc chắn bản thân sẽ nhiễm virus do thường xuyên ăn, ngủ chung với bạn.

“Nếu không may mắc bệnh, tôi cũng sẽ coi Covid-19 như bệnh thông thường. Việc mắc bệnh với tôi không phải vấn đề quá lớn. Đằng nào cũng không tránh được. H. không lây cho tôi thì đi chơi, đi làm,... cũng sẽ có người khác. Tôi nghĩ việc cách ly không còn mấy tác dụng. Cách ly rồi tránh né mãi còn mệt mỏi hơn, không được sống thoải mái”, chị T. tâm sự.

Mắc bệnh chưa phải đã “xong”

Trao đổi với Zing, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhấn mạnh người dân cần tránh tâm lý chủ quan. Dù biến chủng Omicron gây triệu chứng nhẹ hay tiêm vaccine rồi vẫn có thể mắc bệnh, mọi người vẫn cần dự phòng khi tiếp xúc với F0 thay vì suy nghĩ “cứ làm F0 cho xong”.

“Dù tỷ lệ không cao, vẫn có trường hợp nhiễm nCoV biến chủng Omicron và diễn biến nặng, không phải ai cũng nhẹ. Bên cạnh đó, khi mắc Covid-19, F0 sẽ phải nghỉ ở nhà, công việc bị bỏ bê, đó là những bất tiện đầu tiên chúng ta phải nhìn nhận”, PGS Phu khuyến cáo.

Việc để bản thân nhiễm SARS-CoV-2 cũng khiến F0 tự biến mình thành nguồn lây cho người khác. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi xung quanh F0 có người già, mắc bệnh nền, trường hợp chưa tiêm đủ mũi vaccine.

 PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Hà.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Vấn đề về tái nhiễm nCoV cũng là một trong những yếu tố người dân cần cân nhắc khi có suy nghĩ mắc Covid-19 “cho xong”. Qua theo dõi thực tế trong cộng đồng, PGS Phu nhận thấy đã có một số trường hợp tái nhiễm tuy chưa thể kết luận rõ ràng.

Một vấn đề khá hiện hữu với một số người nhiễm SARS-CoV-2 là các di chứng hậu Covid-19. Người bệnh có thể cảm nhận các di chứng này rõ ràng hàng ngày. Chúng thậm chí trở thành gánh nặng cho chính bệnh nhân cũng như quá trình chăm sóc, điều trị.

Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho rằng suy nghĩ “nhiễm cho xong” của nhiều F1 hiện nay là sai lầm, có thể dẫn tới rất nhiều hệ lụy tiêu cực.

Theo ông, về nguyên tắc, một người trở thành F0 không có nghĩa tất cả trường hợp còn lại trong gia đình đều sẽ bị nhiễm. Tại thời điểm người đầu tiên bị nhiễm nCoV từ cộng đồng, nếu nồng độ virus còn thấp và cách ly kịp thời, nguy cơ lây lan sẽ thấp. Do hệ miễn dịch ở mỗi người khác nhau, dù cùng tiếp xúc F0, không phải tất cả trường hợp xung quanh đều mắc bệnh.

Do đó, bác sĩ Thiệu khuyến cáo nếu có ý thức phòng lây nhiễm dù là F1, cách ly F0 trong nhà, người dân vẫn có cơ hội tránh được nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu có tâm lý “nhiễm cho xong”, chúng ta sẽ tự đặt bản thân vào rủi ro trở thành F0.

“Dù tỷ lệ thấp, nguy cơ diễn biến nặng vẫn có thể xảy ra. Do đó, cố tình nhiễm bệnh là tự đặt cược bản thân mình vào nguy hiểm”, bác sĩ Thiệu khẳng định.

Ông cũng cho rằng việc nhiễm nCoV còn liên quan tới vấn đề hậu Covid-19. Hiện nay, các nghiên cứu cho thấy không chỉ trường hợp diễn biến nặng, F0 thể nhẹ, không triệu chứng cũng có thể xuất hiện di chứng hậu Covid-19 sau khi khỏi bệnh.

“Hậu Covid-19 có thể gây tổn thương đa cơ quan. Đồng nghĩa cả hệ tim mạch, thần kinh, hô hấp, cơ xương khớp, các bộ phận mắt, tai,… đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Như vậy, nếu cố tình mắc bệnh, chúng ta thêm một lần nữa đặt sức khỏe bản thân vào nhiều mối nguy”, bác sĩ Thiệu kết luận.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/f1-quyet-dinh-an-ngu-cung-f0-post1301395.html