Fecon có gì để tham vọng lợi nhuận tăng 565% trong năm 2025

Sau năm 2023 thua lỗ, Fecon (HoSE: FCN) có lãi trong năm 2024, đạt 30 tỷ đồng. Từ mức lãi có phần khiêm tốn này, công ty bất ngờ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tới 565% trong năm 2025. Đâu là cơ sở để Fecon tự tin như vậy?

Đoàn chủ tịch điều hành đại hội. Ảnh: HT

Đoàn chủ tịch điều hành đại hội. Ảnh: HT

Kế hoạch “khủng” của Fecon dựa vào đâu?

Fecon có thể xem là một trong những doanh nghiệp xây dựng gây bất ngờ nhất mùa đại hội đồng cổ đông năm 2025 khi đề ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng.

Theo đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng 48% so với thực hiện năm 2024. Đáng chú ý, lãi sau thuế dự kiến 200 tỷ đồng, trong khi thực hiện năm 2024 chỉ 30 tỷ đồng, tăng mạnh 565%. Nếu hoàn thành mục tiêu này, Fecon sẽ lập kỷ lục về doanh thu và đánh dấu mốc lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2020 tới nay.

Trả lời cổ đông tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, ông Nguyễn Văn Thanh – Thành viên HĐQT cho biết kế hoạch kinh doanh trên được đặt ra trên cơ sở "backlog" (giá trị hợp đồng đã kí nhưng chưa thực hiện) trong 2024 chuyển tiếp sang 2025 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tập trung tại các dự án: cảng Mỹ Thủy Quảng Trị (hơn 600 tỷ đồng, nơi công ty đang triển khai vai trò tổng thầu), khu công nghiệp Hà Khánh Quảng Ninh, trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh, Metro Line 3 Hà Nội…

Bên cạnh đó là khối lượng hợp đồng kí mới trong năm nay với mục tiêu hàng nghìn tỷ đồng. Tính đến thời điểm hết quý I/2025, Fecon đã ký mới 1.300 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch năm, nằm tại các dự án như: nhà xe sân bay Long Thành, nhà máy rác Củ Chi…

Bà Nguyễn Thị Nghiên - Giám đốc Tài chính Fecon cho biết thêm mảng xây lắp sẽ đóng góp 55 tỷ đồng vào kế hoạch lợi nhuận năm. Trong khi đó, mảng đầu tư đóng góp 145 tỷ đồng, tới từ việc bán hàng các dự án khu đô thị Square City (Phổ Yên, Thái Nguyên), cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái (Bắc Giang).

Bình luận về tác động của chính sách thuế quan mới tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Fecon, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho hay hầu hết doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, Fecon cũng không ngoại lệ. Ví dụ một số dự án chuẩn bị kí thì chủ đầu tư do dự, việc khách đặt cọc thuê đất khu công nghiệp bị chậm lại.

Tuy nhiên, ông Khoa nhấn mạnh các doanh nghiệp xây dựng không bị ảnh hưởng trực tiếp như khối sản xuất. Tác động chủ yếu nằm ở việc nhập khẩu các thiết bị, vật tư. "Chúng tôi cùng lúc thực hiện các biện pháp theo dõi diễn biến tiếp theo của tiến trình đàm phán, chọn lựa khách hàng ít bị ảnh hưởng hơn để lấy ngắn nuôi dài, còn về dài hạn vẫn phải trông chờ thêm", ông nói.

Cũng theo ông Khoa, Fecon sẽ tập trung vào các dự án ngầm đô thị, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và hạ tầng cảng, đây đều là những lĩnh vực công ty có lợi thế, nhất là khi có sự hỗ trợ về mặt công nghệ của đối tác chiến lược.

Vốn đâu đầu tư?

Vốn là một trong những vấn đề "cân não" nhất của Fecon. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 cho thấy, trong năm này, công ty tiếp tục đối mặt với tình trạng dòng tiền kinh doanh âm (âm 171 tỷ đồng).

Suốt giai đoạn 2014-2024, ngoại trừ năm 2022 và 2023, dòng tiền kinh doanh dương lần lượt là 89 tỷ đồng và 410 tỷ đồng, còn lại dòng tiền kinh doanh của Fecon luôn là số âm. Điều này khiến doanh nghiệp phải tăng cường vay mượn, gây nên áp lực chi phí tài chính lớn. Đơn cử năm 2024, dòng tiền thu từ đi vay của Fecon lên tới 3.637 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước; tiền lãi vay đã chi trong năm đạt tới 205 tỷ đồng.

Bởi vậy, tại đại hội, cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo Fecon về bài toán nguồn vốn cho các dự án lớn sắp tới. Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Phạm Việt Khoa cho hay với các dự án đầu tư lớn, Fecon xác định có đối tác đi cùng, không đầu tư 100%.

Ông Khoa cho hay dự án khu công nghiệp và Square City nằm trong khả năng huy động vốn của Fecon. Song với các dự án tiếp theo có quy mô lớn như bất động sản hơn 200 ha hoặc dự án TOD quy mô gần 20.000 tỷ đồng, Fecon xác định là người phát triển chính và có thể tham gia đầu tư một phần nhỏ hơn 50% để vẫn điều hành.

Nguồn vốn triển khai sẽ chủ yếu đến từ nhà đầu tư. Công ty nhắm tới các nhà đầu tư nước ngoài và đang làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng.

Nói thêm về định hướng thực hiện các dự án TOD, ông Khoa cho hay Fecon đã nghiên cứu kinh nghiệm thành công ở Nhật Bản; Thượng Hải, Thâm Quyến (Trung Quốc). Công ty đang bàn bạc sâu về mảng này với một đối tác Trung Quốc và trước đây đã bàn với một đối tác Nhật Bản.

"Hiện công ty đang sàng lọc khoảng 3 dự án để cùng các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu chi tiết và quyết định đầu tư", Chủ tịch Fecon hé lộ.

Hải Thu

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/fecon-co-gi-de-tham-vong-loi-nhuan-tang-565-trong-nam-2025-post185060.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat