FED cảnh báo nguy cơ xuất hiện những 'cú sốc' thường xuyên
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa cảnh báo nguy cơ xuất hiện 'những cú sốc' thường xuyên hơn và kéo dài hơn đối với nguồn cung, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ làm gia tăng bất ổn trên thị trường.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). (Ảnh minh họa: Xinhua)
Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định nền kinh tế Mỹ đang bước vào “giai đoạn có nhiều thay đổi bất ngờ” liên quan đến nguồn cung và sự thay đổi này diễn ra thường xuyên hơn. Ông Powell cho rằng đây là thách thức đối với nền kinh tế và các ngân hàng trung ương.
Đánh giá về lãi suất dài hạn đã tăng đáng kể trong 5 năm qua, ông Powell bày tỏ quan ngại về biến động kinh tế gia tăng trong tương lai. FED đang cân nhắc điều chỉnh chiến lược chính sách tiền tệ cho phép linh hoạt hơn khi lạm phát tạm thời lệch khỏi mục tiêu dài hạn 2%. Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 vừa qua tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 2,4% của tháng 3 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Trên mạng xã hội, Tổng thống Donald Trump hối thúc FED cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cấp cao của Công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide (Mỹ), ông Ben Ayers nhận định CPI có thể tăng trở lại trong mùa hè này và với đà lạm phát hiện tại, FED sẽ chưa vội điều chỉnh chính sách lãi suất trong ngắn hạn.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo thâm hụt ngân sách trong 7 tháng đầu tài khóa 2025 (bắt đầu từ ngày 1/10/2024) đã lên đến 1.049 tỷ USD, bất chấp thặng dư kỷ lục trong tháng 4. Mỹ có nguy cơ chạm trần nợ vào tháng 8. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo nguy cơ Xứ cờ hoa sẽ không còn khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính vào tháng 8 tới và kêu gọi Quốc hội sớm hành động để ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ.
Hiện trần nợ của Mỹ ở mức xấp xỉ 36.000 tỷ USD - giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt và chính thức bị vượt quá từ tháng 1/2025. Kể từ đó, Bộ Tài chính phải áp dụng một loạt “biện pháp đặc biệt” để duy trì thanh khoản và ngăn nguy cơ vỡ nợ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng các công cụ này sẽ chạm giới hạn vào tháng 8 nếu Quốc hội không kịp thời hành động. Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, ông Bessent nêu rõ: “Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét tăng hoặc tạm đình chỉ trần nợ vào giữa tháng 7, trước kỳ nghỉ thường niên vào tháng 8, nhằm bảo vệ uy tín tín dụng của Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh việc trì hoãn đến phút chót có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường tài chính, hoạt động kinh doanh và chính phủ liên bang. Ông cũng cảnh báo, nếu Quốc hội không hành động kịp thời, hệ thống tài chính Mỹ sẽ phải đối mặt với cú sốc lớn, làm suy giảm an ninh quốc gia cũng như vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Hiện Quốc hội Mỹ đang thảo luận về việc điều chỉnh trần nợ như một phần của gói biện pháp tài khóa rộng hơn, gắn với các ưu tiên chính sách của Tổng thống Donald Trump nhưng các cuộc thảo luận đến nay vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng.
Trong khi kinh tế đối mặt nhiều thách thức, chính phủ Mỹ còn đương đầu với các vụ kiện trong nước và nước ngoài liên quan chính sách thuế quan. Năm doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ vừa yêu cầu Tòa án Thương mại Quốc tế nước này chặn việc áp thuế diện rộng do Tổng thống Donald Trump ban hành theo sắc lệnh khẩn cấp, cho rằng ông đã vượt quá thẩm quyền khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đơn phương đánh thuế hàng hóa nhập khẩu. Đây là một trong bảy vụ kiện liên quan đến chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ hiện nay và là vụ đầu tiên yêu cầu tòa án ngăn chặn việc thi hành thuế.
Bên cạnh đó, tòa án dự kiến thụ lý một vụ kiện thuế quan khác vào tuần tới, do chính quyền 12 bang của Mỹ đệ trình. Thống đốc bang California Gavin Newsom chỉ trích các mức thuế này gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho bang, với ước tính người dân California sẽ thiệt hại khoảng 25 tỷ USD và đe dọa hơn 64.000 việc làm.
Là nền kinh tế đầu tàu thế giới mỗi động thái từ Mỹ đều có thể gây sóng gió cho thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp và đối diện nhiều thách thức như hiện nay, việc “những cú sốc thường xuyên hơn và kéo dài hơn” xuất hiện tại Mỹ sẽ càng phủ thêm bóng đen lên bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu