FPT lãi ròng hơn 3.400 tỷ đồng sau 8 tháng, tăng trưởng 30%
Tập đoàn FPT (mã FPT) công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với mảng xuất khẩu phần mềm tăng trưởng mạnh. Hai thị trường khả quan nhất là Mỹ (tăng 42%) và APAC (tăng 61%). Thị trường Nhật Bản cũng có sự phục hồi đáng kể.
Trong tháng 8, doanh thu thuần của FPT đạt 3.841 tỷ đồng, tăng 35% so với tháng 8 cùng kỳ 2021; lãi trước thuế 739 tỷ, tăng 28%; lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 503 tỷ.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 27.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.951 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt 4.221 tỷ đồng, tăng gần 28%. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 3.409 tỷ đồng và 3.117 đồng, tăng 29,6% và 29%.
Năm 2022, FPT lên kế hoạch kế hoạch 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy sau 8 tháng, FPT đã thực hiện được lần lượt 64% và 65% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Trong 8 tháng đầu năm, mảng công nghệ tiếp tục đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của FPT với tỷ lệ lần lượt là 57% và 46%, tương ứng với doanh thu mảng này là 15.481 tỷ và lợi nhuận là 2.256 tỷ. Các mảng khác như viễn thông cũng như giáo dục, đầu tư và khác cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai con số so với cùng kỳ.
Đáng chú ý là mảng xuất khẩu phần mềm tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với mức doanh thu 11.731 tỷ đồng, tương ứng tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái; đóng góp bởi sức tăng đến từ thị trường Mỹ (tăng 42%) và APAC (tăng 61%).
Thị trường Nhật Bản có sự phục hồi đáng kể với mức tăng trưởng doanh thu theo đồng Yên đạt 18,7%. FPT cho biết, khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài tăng 42% lên mức 15.455 tỷ đồng.
Nhu cầu chuyển đổi sẽ tiếp tục kéo dài trong trung hạn
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT đang giao dịch ở vùng giá 83.000 đồng. Đây là ngưỡng hỗ trợ mạnh của cổ phiếu này từ cuối tháng 3 đến nay. Với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành công nghệ thông tin, FPT vẫn nhận được sự kỳ vọng cao hơn nữa.
Trong báo cáo doanh nghiệp cập nhật ngày 6/9 vừa qua, Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) giữ nguyên dự phóng kết quả kinh doanh của FPT trong năm 2022 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 44.068 tỷ đồng (+24% so với 2021) và 6.771 tỷ đồng (+27%). EPS 2022 đạt 4.800 đồng/cp, tương đương P/E đạt 18.0.
Những tháng cuối năm, BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của FPT tiếp tục duy trì nhờ hợp đồng ký mới công nghệ (quốc tế và nội địa) khả quan. Tốc độ tăng trưởng của giá trị ký mới vẫn ở mức cao nhờ nhu cầu chuyển đổi số từ khách hàng trên thế giới. Xu hướng chuyển đổi số càng được thúc đẩy nhờ đại dịch Covid-19 và BSC kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài trong trung hạn.
Ngoài ra trong dài hạn, chiến lược thực hiện các thương vụ M&A cũng là động lực tăng trưởng cho mảng công nghệ quốc tế. FPT tiếp tục theo đuổi các thương vụ M&A – tập trung vào các công ty công nghệ tại ngay thị trường bản địa (Mỹ, Châu Âu, Singapore).
Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn đối mặt với nhiều thách thức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của khách hàng. BSC đánh giá rủi ro này sẽ ảnh hưởng một phần đến dự phóng kinh doanh của FPT trong năm 2023.
FPT là tập đoàn với hoạt động kinh doanh tại 26 quốc gia và lãnh thổ với tập khách hàng tập trung trong các lĩnh vực: Tiện ích, Sản xuất, Ngân hàng – Tài chính, Tự động. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang gặp nhiều thách thức, nhu cầu cho công nghệ của các khách hàng cũng sẽ ảnh hưởng một phần khi chi phí nguyên liệu tăng vọt.