Franc tăng giá và bài toán khó cho NHTW Thụy Sĩ
Sự tăng giá nhanh chóng của đồng franc Thụy Sĩ do bất ổn chính sách của Mỹ có thể buộc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) phải can thiệp. Tuy nhiên can thiệp bằng cách nào lại đang là một bài toán khó đối với SNB.

đồng franc Thụy Sĩ đã tăng giá 9% so với USD kể từ đầu năm
Franc Thụy Sĩ tăng giá và những hệ lụy
Đồng franc Thụy Sĩ đã tăng khoảng 9% so với đồng USD kể từ đầu năm và đang hướng tới tháng tăng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong phiên giao dịch hôm thứ Hai (21/4) vừa qua, đồng franc Thụy Sĩ đã tăng lên cao nhất trong vòng 1 thập kỷ so với đồng bạc xanh khi các nhà đầu tư coi đồng franc Thụy Sĩ là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn vì chính sách thuế quan của Mỹ.
Điều đó cũng đã kéo đồng franc tăng 2,6% so với đồng euro vào tháng 4, đưa nó gần đến mức mạnh nhất trong hơn 10 năm.
Nhưng việc đổ xô vào đồng franc của các nhà đầu tư khiến mục tiêu lạm phát 0-2% của SNB gặp rủi ro khi làm giảm chi phí nhập khẩu vào thời điểm lạm phát đã gần bằng 0. Việc đồng franc tăng giá mạnh cũng gây tổn hại đến các nhà xuất khẩu Thụy Sĩ, trong khi họ cũng đang phải đối mặt với mức thuế 31% của Mỹ.
“Sự gia tăng của đồng franc Thụy Sĩ là thành phần cuối cùng trong một ly cocktail độc hại đối với ngành công nghiệp Thụy Sĩ”, Jean-Philippe Kohl - Phó giám đốc Hiệp hội các ngành công nghiệp cơ khí và điện của Thụy Sĩ (Swissmem) cho biết và nói thêm: “Các công ty đã phải vật lộn với nhu cầu yếu ở nước ngoài, mối đe dọa về mức thuế quan lớn của Mỹ đối với Thụy Sĩ và sự bất ổn do chính sách thương mại của Tổng thống Trump gây ra”.
Ông cũng cho biết, mặc dù cho đến nay Swissmem đã kiềm chế không yêu cầu SNB hành động, nhưng sẽ hoan nghênh bất kỳ động thái nào của cơ quan này nhằm giảm thiểu sự gia tăng của đồng franc.
Bài toán khó của SNB
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, việc giảm giá đồng franc đang là một bài toán khó đối với SNB, bởi các biện pháp can thiệp đều có những hạn chế.
Biện pháp đầu tiên có thể và dễ dàng thực hiện với SNB là cắt giảm lãi suất. Thông thường việc cắt giảm lãi suất của một NHTW sẽ khiến đồng nội tệ giảm giá do chênh lệch lãi suất với đồng USD.
Tuy nhiên với trường hợp của SNB, điều đó cũng có thể không mang lại hiệu quả bởi hiện lãi suất chính sách của SNB đang ở mức 0,25% nên dư địa cắt giảm không còn nhiều. Ngay cả khi cắt giảm lãi suất, thậm chí SNB cho biết họ có thể quay lại lãi suất âm, hiệu ứng cũng không có thể không như mong đợi.
“Nếu mọi người đều sợ hãi và bất ổn gia tăng, thì không ai thực sự quan tâm đến lãi suất ở Thụy Sĩ”, Thomas Stucki - Cựu giám đốc quản lý tài sản tại SNB và Giám đốc đầu tư tại St Galler Kantonalbank cho biết.
Chưa kể lãi suất âm sẽ gặp nhiều phản ứng khi nó bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng và cũng không được người tiết kiệm và quỹ hưu trí ưa chuộng khi SNB áp dụng chúng từ cuối năm 2014 đến năm 2022.
Một giải pháp khác để SNB có thể làm suy yếu đồng nội tệ là can thiệp thị trường ngoại hối bằng cách bán đồng franc để mua vào đồng USD. Bởi trước đó SNB cũng đã từng ra tay can thiệp, khi cơ quan này đã mua 1,2 tỷ franc vào năm ngoái và bán các loại ngoại tệ trị giá gần 133 tỷ franc vào năm 2023 để hỗ trợ đồng frnac nhằm kéo giảm lạm phát.
Theo Chris Turner - Giám đốc thị trường toàn cầu của ING cho biết, bên cạnh việc xem franc là tài sản an toàn thì một yếu tố cũng thúc đẩy sự tăng giá của đồng tiền này là thị trường đặt câu hỏi “liệu SNB có thể thực hiện mua ngoại hối quy mô lớn như trước đây hay không”.
Nhà kinh tế Maxime Botteron của UBS cũng không loại trừ khả năng SNB đã bán franc hạn chế, nhưng ông không mong đợi các biện pháp can thiệp có hệ thống. “Các biện pháp can thiệp linh hoạt hơn so với việc cắt giảm lãi suất - SNB có thể tham gia vào thị trường, bán một số franc để làm giảm sự tăng giá, rồi dừng lại”, ông nói.
Tuy nhiên việc can thiệp thị trường ngoại hối cũng có rủi ro, nhất là khi Mỹ đã từng cáo buộc Thụy Sĩ là nước thao túng tiền tệ. Điều này xảy ra vào năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Hiện SNB vẫn từ chối bình luận về giá trị của franc hoặc cách thức phản ứng của họ. SNB cũng cho biết họ không xem xét các cặp tiền tệ cụ thể mà là một rổ tiền tệ khi quyết định chính sách và sẽ hành động để đạt được mục tiêu lạm phát.
Theo các nhà phân tích, SNB có thể theo dõi nhiều nhất sự phục hồi của đồng tiền này so với đồng euro vì phần lớn hoạt động thương mại của Thụy Sĩ là với các thành viên khu vực đồng euro và đa phần hàng nhập khẩu được định giá bằng đồng euro. Năm 2023, 57% lượng hàng nhập khẩu của Thụy Sĩ được lập hóa đơn bằng euro, trong khi chỉ 13% được định giá bằng USD.
Patrick Saner - Trưởng phòng Chiến lược vĩ mô của Swiss Re cho biết, khả năng can thiệp là có thể, đặc biệt là khi tỷ giá hối đoái thực tế của đồng franc đạt mức cao nhất sau năm 2015. “Tốc độ và quy mô của đợt tăng giá gần đây của đồng franc Thụy Sĩ, đặc biệt là kể từ ngày 2/4, làm tăng đáng kể khả năng SNB đang tiến gần đến việc coi đây là “thời điểm ngưỡng” để can thiệp”, ông nói.
“Mặc dù quan điểm chính trị rất quan trọng.... nhưng khả năng can thiệp vẫn có thể xảy ra nếu sự ổn định giá cả bị đe dọa”, ông nói thêm.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/franc-tang-gia-va-bai-toan-kho-cho-nhtw-thuy-si-163229.html