G7 và EU tiếp tục tăng cường trừng phạt Nga

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận biện pháp nhằm vào những ngân hàng của nước thứ ba được cho là giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt.

Các biện pháp này sẽ nhắm vào những tổ chức tài chính của nước thứ ba sử dụng Hệ thống tin nhắn tài chính (SPFS) do Ngân hàng Trung ương Nga phát triển để thay thế dịch vụ của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng thế giới (SWIFT).

Các cuộc thảo luận đang diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Italia trong tháng 6, nơi “một loạt biện pháp nhằm thực thi tốt hơn các biện pháp trừng phạt đối với Nga” sẽ được xem xét.

Theo TASS, EU đang soạn thảo một gói hạn chế mới nhằm vào Nga, trong đó sẽ bao gồm lệnh cấm các quốc gia thành viên khối này sử dụng SPFS - hệ thống đã hoạt động ở khoảng 20 quốc gia, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Trung Quốc, và Tajikistan.

Liên minh châu Âu tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: Reuters

Liên minh châu Âu tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: Reuters

EU đặt mục tiêu đạt thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 14 trước hội nghị ở Italia nhưng một số quốc gia châu Âu “đã phản đối lệnh cấm toàn diện đối với SPFS vì lo ngại động thái này có thể ảnh hưởng đến các giao dịch hợp pháp và gây tổn hại đến mối quan hệ với các nước thứ ba”.

Những hạn chế cụ thể có thể được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp tới “vẫn còn thay đổi” và mỗi quốc gia có thể áp dụng các biện pháp của riêng mình.

Năm 2014, Ngân hàng Trung ương Nga đã ra mắt SPFS ở chế độ thử nghiệm, có thể truyền dữ liệu theo định dạng SWIFT nhưng không phụ thuộc vào các kênh của hệ thống thanh toán điện tử lớn nhất thế giới có trụ sở tại Brussels (Bỉ).

Năm 2017, SPFS bắt đầu hoạt động hoàn chỉnh, cung cấp thông tin về các giao dịch tài chính bằng mọi loại tiền tệ. Ban đầu, hệ thống này chỉ dành cho người dùng ở Nga nhưng đến tháng 2-2022 đã thu hút sự tham gia của hơn 20 ngân hàng Belarus, tổ chức tín dụng từ Armenia, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Cuba và nhiều quốc gia.

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 3, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, SPFS có 556 thành viên tham gia từ 20 quốc gia tính đến cuối năm 2023.

Theo Russia Today, EU cũng đang cân nhắc áp thuế hàng nhập khẩu từ Nga với tổng trị giá lên đến 42 tỷ euro. Đến nay, những mặt hàng này vẫn thuộc diện được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt của EU. Nguyên nhân là một số mặt hàng nhập khẩu từ Nga không có nguồn cung thay thế hoặc có thể gây gián đoạn thị trường toàn cầu nếu bị cấm.

Trước đó, EU đã đồng thuận về tăng thuế nhập khẩu đối với ngũ cốc Nga và Belarus. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7.

Một số quốc gia EU cũng đề xuất mở rộng các lệnh trừng phạt của khối, bao gồm cả nhiên liệu hạt nhân nhập khẩu từ Nga.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/g7-va-eu-tiep-tuc-tang-cuong-trung-phat-nga-668073.html