Ga ngầm metro số 1 được thiết kế ra sao để chống chọi mưa lớn?

Cổng vào ga ngầm của tuyến metro số 1 được thiết kế ngăn nước lũ tràn vào hầm theo yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

Nhà ga ngầm Ba Son

Nhà ga ngầm Ba Son

Biến đổi khí hậu đang gây hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới, thách thức các cơ sở hạ tầng giao thông. Hồi cuối tháng 9, thành phố New York hứng chịu lượng mưa cao kỷ lục từ 15 đến 20 cm khiến phần lớn hệ thống giao thông công cộng của thành phố đã ngừng hoạt động và khoảng một nửa số đó là các tuyến tàu điện ngầm. Mạng xã hội đăng đầy video nước tràn vào ga tàu điện ngầm và dọc theo đường ray xe lửa.

Theo một báo cáo mới do Cơ quan Giao thông Đô thị (MTA), cơ quan điều hành tàu điện ngầm, xe buýt và đường sắt của New York, đây chỉ là phần mở đầu về tương lai của hệ thống giao thông lớn nhất đất nước do biến đổi khí hậu.

Trước biến đổi khí hậu, MTA đã công bố bản đánh giá nhu cầu 20 năm, trong đó đưa ra tất cả các nâng cấp mà họ cho là cần thiết để đảm bảo các đoàn tàu hoạt động bình thường. Có thể thấy dù nước Mỹ có cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới nhưng cũng đang phải tính cách đối phó với biến đổi khí hậu, nhất là với các công trình giao thông ngầm chịu rủi ro từ lượng mưa lớn bất thường.

Trong khi đó, giao thông Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cũng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Những trận mưa lịch sử và việc triều cường gia tăng đang gây khó khăn cho giao thông thành phố. Chuyện những tuyến đường dài hóa thành sông sau mưa lớn đã trở thành rất đỗi quen thuộc với người dân TP.HCM. Nhưng điều đáng quan tâm là hệ thống giao thông ngầm của TP.HCM sau này sẽ ra sao.

Tại TP.HCM, giao thông ngầm hiện chưa có nhiều nhưng trong tương lai thì sẽ dần xuất hiện. Sắp tới, các nhà ga ngầm của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên sắp đưa vào khai thác thương mại (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) là hạng mục công trình mới cần phải tính toán phương án chống ngập đặc biệt.

Theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) trả lời với truyền thông, cổng vào ga ngầm của tuyến metro số 1 được thiết kế ngăn nước lũ tràn vào hầm theo yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

Cụ thể, ngay từ quy định trong hợp đồng đã yêu cầu mỗi lối vào đoạn dốc hoặc các bậc bảo vệ có khả năng chống lại nước lũ và bão. Cao độ mặt đất thấp nhất phải cao hơn so với cao độ quốc gia NL+3,08m như chỉ ra trong báo cáo thủy văn. Phía trước cổng vào công trình sẽ được bảo vệ bằng các tấm nhôm ngăn lụt.

Trong trường hợp mực nước lũ tính toán lớn hơn mực nước (toàn quốc) 2,5m, vì những tấm tôn này dễ dàng lắp ráp và mang đi nên sẽ được trữ tại các kho chuyên biệt bố trí gần cổng vào. Đồng thời, việc kết nối các cấu trúc khác nhau và các công trình phát triển bên cạnh không được phép tạo thành đường cho nước lụt chảy vào nhà ga.

Căn cứ cao độ mực nước ngập tính toán thỏa mãn các điều kiện trên, các lối vào nhà ga ngầm metro số 1 hiện được thiết kế và xây dựng bao gồm hai bậc cấp và các tấm chống lũ có chiều cao tương ứng thay đổi từ 300mm đến 900mm.

Tại đoạn chuyển tiếp có lối vào hầm, cao độ thiết kế đỉnh tường tuân theo mực nước thiết kế cuối cùng. Ngoài ra, một mái che được cung cấp dọc theo toàn bộ chiều dài của cấu trúc mở để tránh mưa.

Trường hợp nước dâng cao vượt qua tấm ngăn nước, lúc này cần sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn hơn như sử dụng bao cát hoặc những máy bơm có công suất lớn để đưa nước ra ngoài. Trong lúc ngăn chặn nước xâm nhập vào nhà ga, cần tiến hành sơ tán khẩn cấp hành khách tại các tầng thấp hơn lên các tầng cao hơn và mặt đất để di chuyển đến khu vực cao hơn tại các lối thoát hiểm.

Hồ Đông

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ga-ngam-metro-so-1-duoc-thiet-ke-ra-sao-de-chong-choi-mua-lon-207939.html