Gần 1,2 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc bị phát hiện tại Thái Nguyên: Cảnh báo từ thực phẩm không nhãn mác
Vụ việc gần 1,2 tấn hoa quả tươi không có hóa đơn, nhãn mác bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện tại TP. Thái Nguyên trong tháng 5 này không chỉ là trường hợp vi phạm đơn lẻ, mà là một hồi chuông cảnh báo về thực trạng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc đang âm thầm len lỏi trên thị trường toàn tỉnh. Thực trạng đó đang đặt ra nhiều nguy cơ lớn về sức khỏe cộng đồng, yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ, bền vững hơn từ các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp.

Lực lượng Quản lý thị trường Thái Nguyên buộc hộ kinh doanh tiêu hủy toàn bộ 1.184 kg hoa quả vi phạm nhằm đảm bảo không tái lưu thông ra thị trường.
Ngày 12-5, Đội Quản lý thị trướng (QLTT) số 2 kiểm tra một cơ sở kinh doanh hoa quả tại TP. Thái Nguyên và phát hiện số lượng lớn gồm 384kg nho tươi và 800kg lê tươi được chứa trong các thùng carton, không nhãn mác, không có hóa đơn chứng từ hay bất cứ thông tin nào cho phép truy xuất nguồn gốc. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính 12 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 2, nhấn mạnh: “Đây là mặt hàng được tiêu thụ trực tiếp, không qua chế biến, tiềm ẩn nguy cơ lớn nếu có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản hoặc vi sinh vật gây hại.”
Không dừng lại ở vụ việc lẻ tẻ, thực tế thống kê của lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên trong 4 tháng đầu năm 2025 cho thấy mức độ vi phạm đang ở mức đáng báo động. Các đội QLTT đã kiểm tra và xử lý 176 vụ vi phạm hành chính, trong đó: 37 vụ liên quan đến hàng lậu, chủ yếu là thực phẩm không hóa đơn chứng từ, vận chuyển từ các tỉnh biên giới. 15 vụ liên quan đến an toàn thực phẩm, tập trung vào nhóm thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn. 27 vụ vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ, phần lớn tại các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ. 15 vụ vi phạm trên thương mại điện tử, nơi các loại thực phẩm “xách tay”, “đặc sản vùng miền” được rao bán tràn lan mà không qua kiểm soát. Tổng số tiền xử phạt hành chính gần 2 tỷ đồng, các sản phẩm không đạt chất lượng đã bị buộc tiêu hủy, ngăn chặn tái lưu thông ra thị trường.

Ngày 8/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm Đ.N.D trên địa bàn quản lý.
Dạo quanh một số chợ dân sinh tại TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, huyện Đại Từ…, chúng tôi nhận thấy hoa quả, rau củ không nhãn mác được bày bán công khai. Không bao bì, không hóa đơn, không tem truy xuất - nhưng vẫn được người dân tiêu thụ hằng ngày. Chị Nguyễn Thị Q., tiểu thương tại chợ Thái, thừa nhận: “Chúng tôi lấy hàng từ các xe tải chở từ Hưng Yên, Hải Dương về mỗi sáng. Không có giấy tờ gì, chủ yếu là hàng nhìn tươi, giá rẻ thì nhập bán”.
Không chỉ ở chợ, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử cũng đang trở thành “chợ trời online” với hàng loạt sản phẩm trôi nổi: nước ép giảm cân, thịt ngoại xách tay, kẹo không rõ nguồn gốc… Phần lớn người bán không đăng ký kinh doanh, không ghi chép sổ sách, vận chuyển qua nhiều trung gian nên khó truy vết. Trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng, chủ yếu kiểm tra đột xuất, chưa thể kiểm tra định kỳ tại tất cả điểm bán. Chính sự lỏng lẻo trong khâu đầu vào, cộng với việc người tiêu dùng còn dễ dãi và thiếu kỹ năng phân biệt thực phẩm an toàn, đã tạo “đất sống” cho hàng hóa mù mờ thông tin.
Thực trạng trên cho thấy cần có giải pháp tổng thể, liên tục và có chiều sâu - thay vì chỉ dừng lại ở các chiến dịch cao điểm như “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh: Trước hết, việc thiết lập hệ thống giám sát thường xuyên tại các chợ dân sinh và trung tâm phân phối lớn là điều cần thiết. Việc này nên được thực hiện song song với thí điểm áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc tại các điểm bán cố định để người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra xuất xứ sản phẩm.

Nhiều hàng quán bán hoa quả không nhãn mác, không nơi sản xuất tại chợ Thái.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh thực phẩm trên các sàn trực tuyến. Việc kết nối dữ liệu giữa lực lượng QLTT và các nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp sàng lọc, xử lý kịp thời các tài khoản vi phạm, ngăn chặn thực phẩm bẩn len lỏi vào từng hộ gia đình.
Vai trò của chính quyền cơ sở cũng cần được nâng cao, nhất là trong việc giám sát hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn. Các tổ kiểm tra liên ngành cấp xã, phường cần được duy trì thường xuyên, chứ không chỉ hoạt động theo phong trào hoặc khi có sự vụ. Cùng với đó, truyền thông và giáo dục ý thức người tiêu dùng là yếu tố then chốt. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến những nhóm đối tượng như công nhân, học sinh, người cao tuổi. Các tổ chức như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội có thể đóng vai trò tích cực trong việc lan tỏa thông tin, giúp người dân nhận biết và cảnh giác với thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Để giảm sức ép từ thực phẩm trôi nổi, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các chuỗi thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn cần được hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối vào siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học, từ đó tạo ra dòng chảy hàng hóa an toàn, bền vững...
Hoa quả không rõ nguồn gốc có thể gây hại gì?
Nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản vượt mức;
Nguy cơ nhiễm nấm độc, nấm mốc chứa aflatoxin - chất có khả năng gây ung thư;
Gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau bụng, dị ứng…
Người tiêu dùng nên làm gì?
Mua hàng có bao bì, nhãn mác rõ ràng, tại địa điểm tin cậy;
Không tiêu thụ hàng hóa trôi nổi, không có chứng nhận an toàn thực phẩm;
Phản ánh với cơ quan chức năng nếu phát hiện điểm bán hàng vi phạm.