Gần 200 sản phẩm tiêu biểu tham gia kết nối cung cầu tại Quảng Bình

Sáng 9/7, tại tỉnh Quảng Bình đã diễn ra Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước với sự tham gia của hơn 190 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các địa phương Khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020. Sự kiện do Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương Quảng Bình tổ chức.

Tham dự hội nghị có đại diện Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp của 15 tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam thị trường trong nước

Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam thị trường trong nước

Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực, góp phần phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình - đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị lần này cho hay, hy vọng rằng qua các nội dung trao đổi, thảo luận tại hội nghị của các khách mời, các doanh nghiệp sẽ tìm hiểu, khai thác được các sản phẩm hàng hóa có lợi thế, đặc trưng của các địa phương để đi đến ký kết các biên bản ghi nhớ các hợp đồng mua bán, trao đổi đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.

Sự kiện có sự tham gia của hơn 190 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các địa phương Khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Sự kiện có sự tham gia của hơn 190 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các địa phương Khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương - cho rằng, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội đòi hỏi chúng ta phải tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để sớm phục hồi và đầy mạnh sản xuất.

Sản phẩm Sâm Bố Chính Tuệ Lâm - Quảng Bình tại gian trưng bày hội nghị

Sản phẩm Sâm Bố Chính Tuệ Lâm - Quảng Bình tại gian trưng bày hội nghị

“Hội nghị lần này sẽ giúp việc kinh doanh hàng Việt Nam kích cầu tiêu dùng hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, giúp các doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước” - ông Tuấn cho biết thêm.

Anh Cao Sỹ Mạnh - Phụ trách kinh doanh sản phẩm Sâm Bố Chính Tuệ Lâm Quảng Bình - cho hay, là đơn vị nhiều lần góp mặt trong các hội nghị xúc tiến thương mại, kích cầu hàng hóa, hội chợ hàng Việt, chúng tôi thấy mỗi sản phẩm có mặt ngày hôm nay đều là sản phẩm có giá trị về chất lượng, mẫu mã đẹp, các mặt hàng truyền thống mang nhiều ý nghĩa và đặc trưng vùng miền.

Sản phẩm nước mắm từ làng nghề nước mắm Nam Ô vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Sản phẩm nước mắm từ làng nghề nước mắm Nam Ô vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức lần này là một trong những hoạt động thuộc đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam yêu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gan-200-san-pham-tieu-bieu-tham-gia-ket-noi-cung-cau-tai-quang-binh-140168.html