Gần 3.000 thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tiên năm 2024
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) đầu tiên của mùa tuyển sinh 2024 tại 16 điểm thi ở 8 tỉnh/thành phố trên cả nước với gần 3.000 thí sinh tham gia. Hơn 30 trường đại học đăng ký kết quả kỳ thi để xét tuyển.
Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố lịch 6 đợt thi TSA năm 2024. Đây là đợt thi đầu tiên trong tổng số 6 đợt thi của mùa tuyển sinh 2024. Các đợt thi còn lại sẽ được tổ chức vào các ngày: 20-21/1/2024; 9-10/3/2024, 27-28/4/2024; 8-9/6/2024 và15-16/6/2024 tại các điểm thi: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng.
Nội dung và hình thức thi năm 2024 sẽ được giữ nguyên như năm 2023. Bài thi TSA năm 2023 gồm ba phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với ba mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao). Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với bốn dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn. Đặc biệt, phần Tư duy Khoa học không còn tồn tại khái niệm tổ hợp môn học, phù hợp với nội dung của chương trình THPT mới.
Khác với các kỳ thi khác, kỳ thi TSA không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học. Thí sinh tham gia kỳ thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong hai năm và có thể sử dụng điểm số TSA để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả này.
PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá tư duy được thiết kế chuẩn hóa, vậy nên thí sinh nên cân nhắc khi thi 2 kỳ thi quá gần nhau. “Các thí sinh lưu ý học kiến thức nền tảng rất quan trọng. Đề thi đánh giá tư duy hỏi kiến thức khá rộng. Đặc biệt, với số lượng câu hỏi và mức độ tư duy ở 3 cấp độ, các thí sinh phải rất khẩn trương và cần có chiến lược làm bài tốt. Nhà trường đã cung cấp một số tư liệu ôn tập để các thí sinh làm quen trước; có những kỳ thi thử để thí sinh tìm hiểu định dạng đề thi” – PGS. Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.
Theo ông Điền, thí sinh cần đọc kỹ đề bài vì đôi khi, chính trong câu hỏi đã lộ diện kiến thức để trả lời cho các thí sinh. Ví dụ như một bài thi liên quan đến môn Vật lý, thực chất, ngay trong đề thi đã lồng ghép khối kiến thức liên quan đến chuyển động hay mối quan hệ vận tốc, quãng đường và thời gian, không cần thiết thí sinh phải ghi nhớ những nội dung này.
“Tuy nhiên, các em cần đọc kỹ câu hỏi. Có thể có những câu hỏi dễ nhưng cấp độ suy luận tư duy lại khó và ngược lại, kiến thức đề cập tới theo thí sinh là khó nhưng chúng tôi đánh giá theo cấp độ tư duy thấp”, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý.
Hiện đã có hơn 30 trường đại học đăng ký kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.