Gần 400 triệu công dân EU đi bỏ phiếu

Từ ngày 6 đến 9/6 tới, gần 400 triệu công dân Liên minh châu Âu (EU) tiến hành bỏ phiếu để bầu ra các thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP), đánh dấu một trong những sự kiện bầu cử lớn nhất trên toàn cầu.

Các thành viên Nghị viện Châu Âu tham dự phiên họp cuối cùng trước cuộc bầu cử, vào ngày 25/4/2024 tại Strasbourg, Pháp. Ảnh: AP

Các thành viên Nghị viện Châu Âu tham dự phiên họp cuối cùng trước cuộc bầu cử, vào ngày 25/4/2024 tại Strasbourg, Pháp. Ảnh: AP

Trong khuôn khổ cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, các vấn đề khu vực được quan tâm hàng đầu bao gồm chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraine hay việc liệu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen có tiếp tục đảm nhiệm vai trò là đại diện của EU hay không .

Ở cấp độ quốc gia, các vấn đề nổi bật được quan tâm bao gồm kinh tế, việc làm, nghèo đói, y tế công cộng, biến đổi khí hậu và đặc biệt là tương lai của châu Âu.

Thời điểm bầu cử

Theo hãng tin AP, cuộc bầu cử này được tổ chức 5 năm một lần trên toàn khối 27 thành viên và sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9/6 năm nay. Kết quả sẽ chỉ được công bố vào tối 9/6, khi các điểm bỏ phiếu ở tất cả các nước thành viên đều đã đóng. Năm 2024 đánh dấu cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu lần thứ 10 kể từ năm 1979 khi nó diễn ra lần đầu và đồng thời cũng là lần đầu tiên sau Brexit.

Tại một số quốc gia EU như Bỉ, những người dưới 18 tuổi sẽ được phép tiến hành bỏ phiếu. Cụ thể, một đạo luật được thông qua vào năm 2022 đã hạ độ tuổi bầu cử tối thiểu xuống 16 tại Bỉ. Trong khi đó, Đức, Malta và Áo cũng đang cho phép thanh niên 16 tuổi được bầu cử. Ở Hy Lạp, độ tuổi bỏ phiếu tối thiểu là 17.

Các cuộc bầu cử ở Liên minh Châu Âu thường không ghi nhận số lượng cử tri đi bỏ phiếu lớn. Tuy nhiên kể từ năm 2019, mối quan tâm của công chúng đã tăng lên đáng kể. Trong năm 2014, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt mức 50,7%, thấp hơn so với ngưỡng 62% của năm 1979.

Tháng 4 vừa qua, kết quả cuộc khảo sát Eurobarometer của Nghị viện Châu Âu cho biết khoảng 71% người châu Âu tham gia trả lời cho biết họ có khả năng sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay.

Cơ chế bầu cử

Việc bỏ phiếu được thực hiện bằng hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp trong một lá phiếu duy nhất. Số lượng thành viên Nghị viện Châu Âu được bầu ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào quy mô dân số. Ví dụ, con số này là 6 đối với Malta, Luxembourg và Cyprus nhưng có thể lên đến 96 đối với Đức.

Trước đó trong năm 2019, người dân châu Âu đã bầu ra tổng cộng 751 nhà lập pháp. Sau khi Vương quốc Anh rời EU vào năm 2020, số lượng này đã được giảm xuống còn 705 với một số trong số 73 ghế trước đây do MEP của Anh nắm giữ được phân phối lại cho các quốc gia thành viên khác.

Tới ngày 16 – 19/7 trong khuôn khổ phiên họp toàn thể đầu tiên, các thành viên Nghị viện Châu Âu sẽ bầu chủ tịch tại phiên họp toàn thể đầu tiên. Sau đó, rất có thể vào tháng 9 sau nhiều tuần đàm phán, các nhà lập pháp sẽ đề cử chủ tịch Ủy ban Châu Âu theo đề xuất của các quốc gia thành viên.

Năm 2019, bà Ursula von der Leyen đã giành được đa số sít sao (383 phiếu ủng hộ, 327 phiếu chống, 22 phiếu trắng) để trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu tổ chức này. Các nghị sĩ cũng sẽ nghe ý kiến của các ủy viên châu Âu trước khi phê chuẩn trong một cuộc bỏ phiếu duy nhất.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đến dự buổi lễ kỷ niệm 20 năm Ngày mở rộng EU vào 24/4/2024 tại Strasbourg, miền đông nước Pháp. Ảnh: AP

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đến dự buổi lễ kỷ niệm 20 năm Ngày mở rộng EU vào 24/4/2024 tại Strasbourg, miền đông nước Pháp. Ảnh: AP

Các thành viên Nghị viện Châu Âu có vai trò gì?

Nghị viện châu Âu là cơ quan duy nhất của EU được bầu chọn bởi công dân châu Âu và là một đối trọng đối với cơ quan điều hành của EU là Ủy ban Châu Âu.

Nghị viện Châu Âu không có quyền chủ động đề xuất luật, nhưng quyền hạn của cơ quan này ngày càng được mở rộng. Hiện nay, Nghị viện Châu Âu có thẩm quyền về nhiều chủ đề, biểu quyết về các luật liên quan đến khí hậu, các quy định về ngân hàng, nông nghiệp, ngư nghiệp, an ninh hoặc công lý. Cơ quan lập pháp cũng bỏ phiếu về ngân sách EU, vốn rất quan trọng đối với việc thực hiện các chính sách của châu Âu, chẳng hạn như viện trợ cho Ukraine.

Các nhà lập pháp cũng là nhân tố then chốt của hệ thống kiểm tra và cân bằng vì họ cần phê chuẩn việc đề cử tất cả các ủy viên EU, những người tương đương với các bộ trưởng. Họ cũng có thể buộc toàn bộ ủy ban phải từ chức với số phiếu đa số 2/3.

Cơ cấu hiện tại của Nghị viện Châu Âu

Với 176 ghế trên tổng số 705 ghế tính đến cuối phiên họp toàn thể cuối cùng vào tháng 4, Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) trung hữu là nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện Châu Âu. Bà Von der Leyen là một thành viên của EPP. Nhóm lớn thứ hai là S&D, nhóm chính trị của Đảng Xã hội Châu Âu trung tả, hiện nắm giữ 139 ghế.

Hai nhóm với các đảng cực hữu là Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR) và Đảng Bản sắc và Dân chủ (ID) đang được các chuyên gia dự đoán có thể trở thành nhóm chính trị lớn thứ 3 và thứ 4 tại Nghị viện Châu Âu.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gan-400-trieu-cong-dan-eu-di-bo-phieu-post35469.html