Gần 500 phụ nữ bị mua bán, di cư hồi hương được hỗ trợ dạy nghề và giới thiệu việc làm
Với chủ đề 'Phụ nữ làm chủ kinh tế - làm chủ cuộc đời', Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động 'Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ di cư hồi hương'.
Chia sẻ tại chương trình Bữa sáng Ruy băng trắng - Tăng cường kết nối nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về vào ngày 22/11, bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, mặc dù được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm nạn mua bán người.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng chống mua bán người của Bộ Công an, tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 2/2023, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó, xác định gần 8.000 người là nạn nhân mua bán người; phần lớn nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và đa số thuộc các dân tộc ít người, tập trung ở những vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, theo báo cáo của Bộ Công an, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người với 103 nạn nhân.
Theo bà Linh, Nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã trở thành điểm tựa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm bị mua bán trở về. Sau 17 năm hoạt động, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận hơn 1.700 phụ nữ, trẻ em, trong đó có gần 500 nạn nhân mua bán người.
“Trong quá trình hỗ trợ các chị em bị mua bán trở về chúng tôi nhận thấy việc hỗ trợ học nghề và tạo việc làm, tạo sinh kế hay trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một giải pháp căn cơ, vừa góp phần ngăn ngừa vấn đề lao động di cư mất an toàn mà còn giúp đỡ những nạn nhân của mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững”, bà Linh cho biết.
Trong những năm gần đây, Trung tâm không chỉ hỗ trợ tạm lánh an toàn, bình ổn tâm lý, hỗ trợ về y tế, pháp lý...cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán, mà còn tích cực hỗ trợ tạo việc làm cho các chị em thông qua việc đánh giá năng lực, tư vấn nghề nghiệp, kết nối đưa chị em đi học nghề, tạo việc làm hoặc hỗ trợ khởi sự - khởi nghiệp kinh doanh. Với sự hỗ trợ của Trung tâm, nhiều chị em đã có việc làm với thu nhập cao và họ chính là những nhân tố tiếp tục lan tỏa, hỗ trợ nghề nghiệp cho các chị em yếu thế khác trong cộng đồng.
Theo chia sẻ của chị Trần Thị Phương, cửa hàng trưởng của “Gian hàng Bình yên”, các sản phẩm được bán tại chương trình là của những doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ, tất cả lợi nhuận được ủng hộ vào quỹ từ thiện dành cho phụ nữ yếu thế, trong đó có quỹ phụ nữ bị mua bán trở về, nhằm giúp đỡ họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Để giúp chị em phụ nữ bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cũng cho biết thêm, Trung tâm đã tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về quyền năng kinh tế của phụ nữ như: Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối, giới thiệu mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; tổ chức Hội thảo, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; tổ chức các khóa tập huấn kiến thức về kinh doanh, tài chính, khởi sự doanh nghiệp, đi kèm với chương trình cố vấn kèm cặp bởi các chuyên gia.
Ngoài ra, Trung tâm đã thiết lập và vận hành gian hàng thương mại điện tử trên nền tảng Shoopee, cửa hàng giới thiệu các sản phẩm của phụ nữ tại 20 Thụy Khuê để tạo điều kiện giúp chị em bị mua bán có kiến thức, kinh tế hòa nhập cộng đồng.
Tại chương trình, bằng ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng do các các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp thể hiện, đã chuyển tải thông điệp, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ tăng quyền năng kinh tế, tạo sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ có nguy cơ bị mua bán.
Đặc biệt, vở nhạc kịch “Câu chuyện của tôi” dựa trên câu chuyện có thật về những biến cố cuộc đời dẫn đến việc bị mua bán và hành trình phục hồi một cách đầy nỗ lực với sự hỗ trợ của Ngôi nhà Bình yên. Hay phần trình diễn áo dài là bộ sưu tập gồm 10 thiết kế khắc họa các mô hình sinh kế tiêu biểu, thành công do phụ nữ làm chủ đến từ các vùng, miền trên đất nước…
Đây chính là cầu nối hiệu quả để chạm tới trái tim của các đại biểu tham dự, từ sự thấu hiểu đến sự đồng hành, cam kết tham gia hành động cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em nói chung và tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ di cư hồi hương nói riêng.
150 đại biểu tham dự chương trình đã cùng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phối hợp, hỗ trợ nạn nhân mua bán người, đặc biệt trong lĩnh vực tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ.