Gắn biển tên phố Nguyễn Xuân Nham và phố Thâm Tâm
Tên của hai danh nhân xưa và nay vừa được xướng lên trong lễ gắn biển tên phố diễn ra tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đó là tiến sĩ Nguyễn Xuân Nham và nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm.
Sáng 20/1, với sự tham dự của đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngành văn hóa Thủ đô, Hội nhà văn Việt Nam, nhiều cơ quan, đơn vị và dòng họ, gia đình các danh nhân, lễ gắn biển tên phố Nguyễn Xuân Nham, phố Thâm Tâm đã diễn ra trang trọng.
Cùng với phần công bố quyết định đặt tên đường, phố và tóm tắt thân thế, sự nghiệp của các danh nhân, còn có việc trao giấy chứng nhận gắn biển số nhà cho các tập thể, cá nhân như một hình thức tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa của tên phố nơi nhiều người làm việc, sinh sống.
Phố Nguyễn Xuân Nham dài 650m, tính từ vị trí giao cắt phố Dương Đình Nghệ đến ngã ba giao cắt tại Trường THCS Cầu Giấy, thuộc phường Yên Hòa.
Cụ Nguyễn Xuân Nham là cháu gọi tiến sĩ Nguyễn Như Uyên bằng bác hoặc bằng chú, người làng Hạ Yên Quyết (tên Nôm là làng Cót). Cụ thuộc đời thứ hai của dòng họ Nguyễn Vân Sơn ở phường Yên Hòa, từng đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi năm thứ hai (Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân), đời vua Lê Hiến Tông (năm 1499).
Theo tài liệu nghiên cứu, từng được triều đình giao trọng trách, cụ làm quan đến chức Thừa Chính Sứ (tương đương Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ngày nay), là vị quan thanh liêm, có công với dân, với nước. Được biết, nhà thờ dòng họ Nguyễn Vân Sơn đã được thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa năm 2006.
Phố Thâm Tâm dài 595m, từ ngã ba giao cắt phố Trung Kính đến ngã ba giao cắt tại Tổ dân phố 22, phường Yên Hòa.
Đại diện Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy thông tin, nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm (1917-1950) tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, quê ở thành phố Hải Dương, xuất thân trong gia đình nhà giáo nề nếp. Từ những năm 1940, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ…
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Thâm Tâm đã tham gia Văn hóa Cứu quốc, sau đó vào Ban biên tập báo Tiên Phong (1945-1946), ông nhập ngũ và làm thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (sau là báo Quân đội nhân dân). Ông mất vì bệnh nặng trên đường công tác trong chiến dịch Biên giới.
Từ trước cách mạng, bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm đã nổi tiếng, sau này được đưa vào sách giáo khoa. Tiếp đến là bài thơ “Chiều mưa đường số 5” trong kháng chiến chống Pháp. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Hàng loạt truyện ngắn, kịch, truyện dài, tiểu thuyết, tranh minh họa, thơ ca kháng chiến… của Thâm Tâm được gia đình tìm kiếm, sưu tầm hàng chục năm qua với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu, đã làm rõ hơn sự nghiệp sáng tác của ông.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gan-bien-ten-pho-nguyen-xuan-nham-va-pho-tham-tam-post792926.html