Gắn bó với công tác dân số
Một trong những yếu tố làm nên thành công của công tác DS- KHHGĐ chính là nhờ sự hoạt động hiệu quả của đội ngũ viên chức dân số và cộng tác viên dân số cơ sở. Với sự năng động, lòng nhiệt huyết và bề dày kinh nghiệm, đội ngũ này đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách về DS-KHHGĐ.
Chu toàn với công việc
Chị Mai Thị Quỳnh Hoa ở Khu phố 7, Phường 1, thành phố Đông Hà là cộng tác viên dân số cơ sở tiêu biểu nhiều năm qua.
Được phân công phụ trách địa bàn có 355 hộ với 1.595 nhân khẩu, để làm tốt nhiệm vụ chị không ngừng học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu các văn bản để tham mưu Ban cán sự khu phố đưa công tác dân số vào kế hoạch hoạt động trọng tâm để thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát kịp thời. Địa bàn chị phụ trách khá rộng, dân cư đông, tương đối phức tạp, biến động dân cư khá nhiều, ý thức trách nhiệm, mối quan hệ trong cộng đồng dân cư của người dân không theo đặc điểm dòng tộc, nên sự chia sẻ trong nội bộ địa bàn dân cư còn nhiều hạn chế.
Trước thực tế đó chị luôn nỗ lực, dành nhiều thời gian đến với từng hộ gia đình, từng hoàn cảnh, tìm cách tiếp cận, không bỏ sót hộ, nhân khẩu nào trên địa bàn để đánh giá đúng sự việc, phân tích cho từng người mục đích của việc sinh đẻ có kế hoạch, đồng thời động viên họ thực hiện KHHGĐ; tuyên truyền vận động hiệu quả nhiều gia đình không sinh con thứ 3 trở lên.
Hơn 10 năm làm cộng tác viên dân số cơ sở chị đã phối hợp tổ chức được rất nhiều buổi chuyên đề các nghị quyết của Trung ương và địa phương về công tác dân số trong tình hình mới, chiến lược dân số, chính sách đối với khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên... Tập trung tuyên truyền các đề án về sức khỏe, sàng lọc giới tính.
Hôm gặp tôi, chị Hoa cho biết năm 2021 đã vận động được 71 cặp vợ chồng ở Khu phố 7 áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại; 12 cặp vợ chồng sinh con một bề là gái, 7 cặp vợ chồng kinh tế khá giả muốn có ý định sinh thêm con đã bỏ ý định không sinh con thứ 3 trở lên. Ngoài ra, chị cũng trực tiếp cung cấp bao cao su, thuốc uống tránh thai miễn phí đến hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách; tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai đến các hộ gia đình.
Nhờ đó công DS-KHHGĐ trên địa bàn khu phố luôn đạt hiệu quả cao, không có trẻ em gái mang thai ở tuổi vị thành niên, không có tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh, không có bạo lực gia đình. Được người dân yêu mến và bản thân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị Quỳnh Hoa nhiều năm liền được Chủ tịch UBND phường 1 và các cấp khen thưởng.
Am hiểu phong tục tập quán giúp công việc hiệu quả hơn
Chị Hồ Thị Tiêm, viên chức DSKHHGĐ tại Trạm Y tế xã Đakrông, huyện Đakrông chia sẻ, những năm đầu làm công tác này gặp không ít khó khăn do người dân giữ quan niệm “đông con hơn đông của”, chưa quan tâm đến việc tham gia thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình(CSSKSS/KHHGĐ). Đa số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẵn sàng thực hiện nội dung này, song nhiều nam giới thì không muốn vợ mình thực hiện bất cứ biện pháp nào. Vì vậy, rất nhiều gia đình vẫn có nhiều con, ăn uống thiếu thốn, học hành không tới nơi tới chốn, cuộc sống càng khó khăn hơn. Đặc biệt, tỉ lệ hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn trên địa bàn vẫn còn khá cao.
Với lợi thế là người địa phương, am hiểu sâu sắc phong tục tập quán cùng với sự tận tụy công việc và những kinh nghiệm, kỹ năng của người cán bộ dân số cần có, chị Tiêm đã quyết tâm tạo dựng thêm niềm tin cho người dân, tiếp cận, thuyết phục họ tham gia thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ ngày càng hiệu quả hơn.
Trong công tác vận động chị em thực hiện CSSKSS/KHHGĐ, chị Tiêm dành nhiều thời gian kiên trì vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3 trở lên, hướng dẫn họ dùng các biện pháp tránh thai hiện đại, hiệu quả. Nhờ đó, số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trong xã giảm nhiều, năm 2020 toàn xã có 48 cặp thì năm 2021 giảm còn 23 cặp. Để nâng cao chất lượng dân số, chị đã đề xuất với Trạm Y tế xã tham mưu chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể các phương pháp tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức và hành vi, đặc biệt hướng đến những người trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên; đẩy mạnh CSSKSS/KHHGĐ, xây dựng mô hình làng không sinh con thứ ba...
Quá trình vận động của chị giúp người dân xã Đakrông biết rõ hơn lợi ích thiết thực của việc CSSKSS/KHHGĐ như sinh đẻ ít con sẽ mang lại sức khỏe cho người phụ nữ và các thành viên trong gia đình, có thời gian phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc con cái và chất lượng cuộc sống sẽ được nâng cao. Có nhiều cặp vợ chồng trong xã đã tự giác thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, giữ vững mô hình ít con để nuôi dạy tốt. Điều đáng mừng trong các chiến dịch thực hiện CSSKSS/KHHGĐ được tổ chức tại xã, có đến hơn 90% phụ nữ/ cặp vợ chồng tham gia tư vấn, thăm khám. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của chị Tiêm với mạng lưới cộng tác viên dân số nên đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ của xã Đakrông phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách dân số hiệu quả.
Đến nay, Đakrông được đánh giá là một trong những xã vùng khó thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Qua đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Nhiều năm liền chị Hồ Thị Tiêm nhận được nhiều giấy khen từ các cấp. Đó là nguồn động viên, khích lệ để chị tiếp tục tham gia công tác hăng say, nhiệt tình, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dân số của xã vùng khó Đakrông.
Có phương pháp tuyên truyền hay
Hơn 10 năm không ngại khó khăn, gian khổ, viên chức DS-KHHGĐ Trạm y tế xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ Phan Thị Thu Trang luôn đi đầu trong công tác vận động người dân thực hiện tốt các chính sách về dân số và phát triển. Chị Trang chia sẻ, với người làm công tác dân số, quan trọng nhất là phải có phương pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả.
Xác định đó là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, chị thường xuyên tham mưu trạm y tế xã phối hợp với các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức nhiều loại hình truyền thông để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện về công tác DS-KHHGĐ.
Chị Trang cho biết, trước đây nhận thức về DS-KHHGĐ tại địa phương còn nhiều hạn chế, nếp nghĩ sinh con trai để “nối dõi tông đường” vẫn còn trong nhận thức của nhiều người dân. Vì vậy, công tác thực hiện chính sách DS-KHHGĐ gặp không ít khó khăn và thách thức.
Không nản lòng, chị vận dụng nhiều cách tuyên truyền khác nhau, nhất là tranh thủ vào các buổi trưa hoặc buổi tối đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do sinh đông con hay các cặp vợ chồng sinh con một bề để vừa trò chuyện, kết hợp với tư vấn, vận động họ không sinh nhiều con, không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh để đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dạy con thật tốt.
Ngoài ra, chị còn quan tâm triển khai các đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số, phối hợp với các đoàn thể tổ chức mô hình về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân góp phần nâng cao nhận thức cần thiết chuẩn bị cuộc sống gia đình cho thanh niên và những người chưa kết hôn. Giai đoạn năm 2011- 2021, công tác dân số xã Cam Thủy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2011 là 1,1% xuống còn 0,62 % năm 2021; tỉ lệ sinh con thứ 3 là 24,67% năm 2011 giảm còn 20 % năm 2021; tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn 98%; tỉ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại 73,40% năm 2011 tăng lên 83, 28% năm 2021…
Bằng tinh thần trách nhiệm, nỗ lực trong công tác, chị Phan Thị Thu Trang đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong xã về DS-KHHGĐ. Với những đóng góp tích cực trên, nhiều năm liền, chị vinh dự được nhận khen thưởng. Dịp này, chị được chọn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác DSKHHGĐ giai đoạn 2011-2021.