Gắn chip định danh cho hình tượng 'Nghê nơi cửa Khổng sân Trình'
Linh vật Nghê trong văn hóa Việt sẽ trở nên gần gũi, sống động hơn nhờ cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam mang tên 'Nghê nơi cửa Khổng sân Trình'.
Ngày 18/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức công bố dự án hợp tác "Ứng dụng công nghệ vật lý số nâng tầm giá trị di sản".
Đây là thành quả của chiến dịch “Tầm Chân” trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng công nghệ vật lý số nâng tầm giá trị di sản” do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam chủ trì.
Theo đó, “Tầm Chân” được tạo thành từ hai từ Hán Việt: Tầm - tìm kiếm và Chân - cái thực.
Mạng lưới các học giả của dự án sẽ tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một và đội ngũ chuyên gia văn hóa do Trung tâm thông tin UNESCO (UNET) sẽ tập hợp, thực hiện các nghiên cứu hiện vật hay những giá trị văn hóa.
Từ đây, các giá trị này được lưu giữ và phát huy nhờ ứng dụng công nghệ Nomion (định danh số vạn vật) do Phygital Labs cung cấp. Các nghiên cứu kết hợp giữa công nghệ và văn hóa truyền thống này sẽ được phát triển thành các sản phẩm vật lý số, được định danh số trên nền tảng blockchain và truyền tải thông tin qua chip NFC…
Dự án về Nghê Văn Miếu đánh dấu sự hợp tác sáng tạo giữa UNET, Phygital Labs cùng với Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Tiến sĩ mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, người có công trình nghiên cứu sâu sắc về Nghê Việt. Tiến sĩ Yên Thế đã ra mắt cuốn sách mang tên “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình”.
Trong dự án, công nghệ Nomion chuyển đổi cuốn sách “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình” thành sách điện tử, được lưu giữ và bảo mật bằng công nghệ chuỗi khối cùng chip RFID (nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến).
Bằng việc dùng smartphone tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê Văn Miếu, người tương tác sẽ được trải nghiệm sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam. Để gia tăng tính trải nghiệm, thể hiện tính độc bản, nội dung sách này chỉ truy cập được khi tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê Văn Miếu.
Ông Huy Nguyễn, CEO Phygital Labs cho rằng, công nghệ định danh số thích hợp cho việc chứng thực độc bản và lan tỏa thông tin kiến thức, là một điểm chạm rất tự nhiên với các di tích di sản văn hóa. Sự kết hợp này không chỉ là chìa khóa kết nối các giá trị di sản, văn hóa Việt Nam mà còn phát huy được hết các tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của một nền công nghiệp văn hóa Việt.
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, văn hóa càng cần được chú trọng phát triển nhiều hơn để không bị đi sau nhiều lĩnh vực hiện đại khác. Do đó, việc ứng dụng công nghệ mới là bước chuyển để nâng tầm giá trị nền văn hóa Việt Nam.