Gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường

Với phương châm 'Không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế', việc bảo vệ môi trường đang được cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sơn La triển khai, thực hiện với nhiều giải pháp, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và địa phương.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh lấy mẫu nước quan trắc tại Nhà máy chế biến đường Sơn La.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh lấy mẫu nước quan trắc tại Nhà máy chế biến đường Sơn La.

oàn tỉnh hiện có trên 3.500 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký khoảng 54.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 110.000 lao động. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp chú trọng sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng dây chuyền chế biến đảm bảo sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế phát sinh rác thải, nước thải và khí thải.

Là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp, có trên 84.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra; nhiều loại cây công nghiệp, như chè, cà phê, mía, sắn có quy mô diện tích lớn, vừa là thế mạnh nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ tới môi trường. Tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, có 2.500 cơ sở sấy long nhãn, lò sấy hoa quả.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản của tỉnh, với dây chuyền sản xuất đường RS, công suất thiết kế trên 5.000 tấn mía/ngày và 1 dây chuyền sản xuất đường RE, công suất 500 tấn đường/ngày. Hằng năm, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã liên kết với trên 10.500 hộ dân trồng gần 10.000 ha mía. Công ty luôn chú trọng đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để bảo vệ môi trường. Đặc biệt, với giải pháp xử lý tro bụi đầu tư bài bản phun qua hệ thống tháp đá dập bụi và lọc qua hệ thống lọc chân không tiên tiến đã lọc được 95 -97% bụi mịn. Khí thải sau khi xử lý sẽ thải ra môi trường qua ống khói cao 30m. Kết quả các đợt quan trắc khí thải từ năm 2022 đến nay cho thấy, tại vị trí quan trắc mẫu khí thải, các thông số phân tích nằm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Nhà máy chế biến có 2 hệ thống xử lý nước thải công suất 900m³/ngày đêm và 2.000m³/ngày đêm được tuần hoàn tái sử dụng hoàn toàn, gắn với lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động; camera giám sát và thực hiện truyền dữ liệu quan trắc tự động. Chất thải rắn sản xuất, bã mía được sử dụng làm nguyên liệu đốt lò hơi; phần tro và bã bùn được thu gom để sản xuất phân bón.

Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu có quy mô 206.150 ha bao gồm địa giới hành chính của huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ. Phát huy thương hiệu du lịch “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới”, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch nơi đây đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt lấy tiêu chí “xanh” để phát triển. Tiêu biểu trong thực hiện tiêu chí này là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Mộc Châu (Thảo nguyên Hotel & Resort Mộc Châu) được thiết kế với không gian rộng rãi, thoáng đãng phủ kín cây xanh, gần gũi với thiên nhiên, mang đến cho du khách cảm nhận không khí trong lành của vùng cao nguyên Mộc Châu. Khu nghỉ dưỡng hiện có 102 phòng ngủ theo tiêu chuẩn 4 sao hiện đại với các khu villas, biệt thự và căn hộ riêng, cung cấp không gian nghỉ dưỡng xanh, sạch, thoáng mát.

Ông Lê Việt Ánh, Giám đốc Thảo nguyên Hotel & Resort Mộc Châu, chia sẻ: Tại diễn đàn kinh tế quốc tế Asia 2023, Thảo Nguyên Hotel & Resort ghi dấu ấn với danh hiệu “Asia's Leading Nature Resort 2023” (Khu nghỉ dưỡng thiên nhiên hàng đầu châu Á). Đây là sự ghi nhận của quốc tế đối với sự nỗ lực, cố gắng trong việc bảo vệ, phát triển bền vững thiên nhiên tại Thảo Nguyên Resort. Mỗi căn villa tại khu nghỉ dưỡng được thiết kế với hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các loại hoa theo mùa, tạo không gian thoáng mát, gần gũi thiên nhiên.

Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững. Từ năm 2018 trở về đây, hằng năm, tỉnh tổ chức ký cam kết việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường của chủ giấy phép hoạt động khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh. Trong 5 nội dung cam kết, có nội dung thứ 4, chủ giấy phép khoáng sản cam kết thực hiện đúng, đủ các văn bản được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong lĩnh vực môi trường. Sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo quy định, vật liệu thân thiện với môi trường; quan trắc, giám sát môi trường đầy đủ, ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; chủ động cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất vật liệu và xây dựng Hùng An Mai, huyện Mai Sơn, cho biết: Thực hiện cam kết, công ty đã tuân thủ đúng thời gian khai thác, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun sương tại khu vực khai thác đá và bố trí xe tưới nước từ chân mỏ dọc theo tuyến đường chở đá, bê tông và gạch ra đến quốc lộ 6, giảm việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu đến môi trường xung quanh; có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.

Có thể thấy, mỗi doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khác nhau nhưng đã và đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững bằng cách gắn sản xuất với bảo vệ môi trường theo đúng phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Sơn La phát triển”.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/gan-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-voi-bao-ve-moi-truong-KnGTsLySR.html