'Gắn sao' sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng

Toàn tỉnh hiện có 56 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 30 sản phẩm OCOP 3 sao và 26 sản phẩm OCOP 4 sao. Ðể những sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không chỉ được công nhận sao OCOP mà việc làm cũng không kém phần quan trọng là đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

New Page 1

Trăn trở khâu quảng bá sản phẩm

Một ngày cuối tháng 10, Hợp tác xã (HTX) thanh long Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc) bận rộn sản xuất rượu vang thanh long đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh trở lại. Năm nay, sản lượng sản xuất thêm mới cũng không nhiều như mọi năm chỉ khoảng 10.000 lít. Trung bình doanh thu từ sản phẩm rượu vang của HTX đạt trên 2 tỷ đồng, nhưng liên tục 2 năm gần đây giảm hẳn xuống còn 950 tỷ đồng vào năm 2020, chỉ khoảng 400 triệu đồng trong năm 2021. Bà Lê Nguyện – Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX thanh long Hàm Đức cho hay: “Ảnh hưởng của dịch Covid - 19, sức tiêu thụ rượu vang thanh long bị chậm lại. Có mặt trên thị trường từ năm 2016, rượu vang thanh long đã có tên tuổi được nhiều người trong, ngoài tỉnh biết đến và còn xuất khẩu đi Campuchia, Trung Quốc; trong đó tiêu thụ nhiều vào các dịp lễ, tết và nương theo các mùa du lịch cao điểm của tỉnh”.

HTX thanh long Hàm Đức đầu tư nhà xưởng, khu đóng gói sản xuất hiện đại diện tích trên 1.600 m2, dung lượng sức chứa lên 600.000 lít. Bà Nguyện cho biết thêm: “HTX luôn có trữ lượng rượu vang thanh long 300.000 lít để phục vụ khách hàng, bởi rượu thanh long để càng lâu càng ngon. HTX vừa nhận đơn 1.000 phần rượu vang thanh long do Siêu thị Big C TP. Hồ Chí Minh đặt hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Hy vọng trong tháng 11 này tình hình khởi sắc hơn, du lịch ở tỉnh phục hồi trở lại trong trạng thái “bình thường mới”, chúng tôi lên kế hoạch phục vụ thị trường tiêu thụ tết, làm việc với các điểm dừng chân phục vụ rượu vang thanh long trở lại cho khách du lịch đến Bình Thuận”. Thời gian qua, thông qua sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan nhà nước, HTX có tham gia bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát việc gửi hàng mẫu đi cho các đối tác gặp khó khăn nên chưa bán sản phẩm được nhiều.

Rượu vang thanh long HTX thanh long Hàm Đức

Tương tự, các sản phẩm OCOP khác của tỉnh như: Trái thanh long, nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải, bưởi da xanh Ba Cây Đông Hà… thời gian qua việc tiêu thụ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Mong muốn chung của HTX, doanh nghiệp chính là được hỗ trợ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh để người tiêu dùng có thói quen lựa chọn; mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây là cơ hội để quảng bá rộng rãi sản phẩm đặc trưng, chất lượng của tỉnh.

Ða dạng các phương án tiêu thụ sản phẩm

Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cơ quan, ban ngành tỉnh tích cực hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các sàn TMĐT. Đây là kênh bán hàng tốt và là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch. Vấn đề này sau đó đã nhanh chóng được các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP hưởng ứng do phù hợp với xu thế thị trường và một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến việc bán hàng trực tiếp bị ảnh hưởng. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh là đơn vị trực tiếp đứng ra hỗ trợ các chủ thể kết nối để đưa sản phẩm OCOP địa phương lên sàn thương mại điện tử: Kết nối cung cầu của Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và PTNT chia sẻ thông tin các đầu mối thu mua, các đơn hàng của các doanh nghiệp, đơn vị trong nước và xuất khẩu đến các HTX, chủ thể OCOP của tỉnh. Các sản phẩm của chủ thể OCOP đã được đưa lên sàn TMĐT sanphamdiaphuong.com.vn; đồng thời các chủ thể cũng chủ động đăng tin trên các sàn TMĐT khác. Sản phẩm nước mắm Cá Đen đạt chuẩn OCOP 4 sao, trong thời điểm dịch bệnh đã được doanh nghiệp tham gia bán sản phẩm trên sàn TMĐT đạt được kết quả nhất định. “Dù mới đưa sản phẩm lên sàn TMĐT được 3 tháng nhưng công ty bán được từ 100 - 200 lít nước mắm/tháng, đây là sự khởi đầu rất thuận lợi”, ông Huỳnh Văn Dung – Giám đốc Công ty TNHH Cá Đen cho biết.

Ông Ngô Minh Trang – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Thời gian đến, để tiếp tục hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục tham mưu, phối hợp với các địa phương nắm lại tình hình sản xuất, tiêu thụ của các hợp tác xã, chủ thể OCOP kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hướng dẫn các chủ thể đẩy mạnh tham gia các sàn TMĐT, các chương trình kết nối tiêu thụ”. Sắp tới đây, tỉnh sẽ hỗ trợ thành lập 1 trung tâm giới thiệu và mua bán các sản phẩm OCOP tại TP. Phan Thiết, tổ chức các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp Sở Công Thương sớm đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại để người dân và khách du lịch biết và sử dụng; đưa các sản phẩm OCOP tham gia trưng bày và giới thiệu tại các sự kiện quốc tế…

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/gan-sao-san-pham-ocop-trong-long-nguoi-tieu-dung-142700.html