Gánh nặng giá sách giáo khoa - Bài 2: Cấm nhưng khó quản
Năm nào Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo: 'Nghiêm cấm hiệu trưởng, giáo viên ép buộc, gợi ý phụ huynh mua các loại sách không thuộc danh mục sách giáo khoa (SGK) dưới bất kỳ hình thức nào'. Tuy nhiên, câu chuyện trường học cung ứng SGK kèm tài liệu chưa từng có hồi kết.
Cần thông báo, hướng dẫn cụ thể
Trao đổi với PV, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) Phạm Văn Ngát nói: “Nhà trường có trách nhiệm giới thiệu danh mục SGK được phê duyệt và tài liệu được phép sử dụng trong trường học đến cha mẹ học sinh nhưng quyết định mua hay không là quyền của họ”. Tuy nhiên, ông Ngát khẳng định, nhà trường thông báo một cách chung chung các đầu SGK, sách bài tập, thiết bị giáo dục tối thiểu là không phù hợp. Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường phải hướng dẫn chi tiết hơn để tránh bị hiểu lầm và gây khó khăn cho cha mẹ học sinh.
Trường Tiểu học Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (đơn vị thông báo trọn bộ sách lớp 3 có giá 717.000 đồng) đã lập lại phiếu đăng ký mua SGK với 3 đầu mục rõ ràng gồm: SGK, sách tham khảo và thiết bị học tập tối thiểu gửi lại cho phụ huynh. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng, cách làm như vậy không “tôn trọng phụ huynh” vì trước đó họ đã chuyển tiền mua trọn bộ.
“Đối với thu nhập trung bình của người dân hiện nay, giá bán một bộ SGK, sách bài tập đi kèm thiết bị dạy học tối thiểu như hiện nay là quá cao, chắc chắn khó khăn cho nhiều người có thu nhập thấp. Trong đó, chiếm hơn nửa giá là sách Tiếng Anh và bộ đồ dùng thiết bị học tập tối thiểu”.
Một lãnh đạo Phòng GD&ĐT tại Hà Nội
Theo tìm hiểu của PV, để quán triệt việc cung ứng SGK trong trường học, ngày 15/4, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản số 867 về việc phát hành SGK, trong đó thông báo, Sở nhận được văn bản của NXB Giáo dục Việt Nam (đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT) về việc phát hành sách và sản phẩm giáo dục ở Hà Nội. Theo đó, năm học 2022-2023, NXB Giáo dục Việt Nam tiếp tục lựa chọn Công ty Cổ phần Sách và thiết bị trường học Hà Tây chịu trách nhiệm cung ứng sách và các sản phẩm giáo dục của NXB tại Hà Nội.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu hiệu trưởng các trường thông báo danh mục SGK đã được phê duyệt đến giáo viên, học sinh, phụ huynh công khai, minh bạch. Thông báo nêu rõ: “Không được tổ chức để bắt buộc học sinh phải mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo, các loại vở và học liệu khác”.
Trưởng Phòng GD&ĐT một huyện tại Hà Nội cho biết, sau khi có văn bản của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tiếp tục có thêm hướng dẫn, quán triệt các trường tiểu học, THCS, trong đó nhấn mạnh: “Ngoài SGK, nhà trường không được tổ chức để bắt học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo khác”. Theo vị trưởng phòng này, nếu thực hiện chính xác, các trường nên giới thiệu tới phụ huynh 2 danh mục gồm: SGK cần thiết và sách không bắt buộc, đồng thời tuyên truyền để phụ huynh hiểu những loại sách không bắt buộc chỉ mang tính chất tham khảo, học sinh không cần thiết phải mua.
Bà Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), nói rằng, hằng năm căn cứ danh mục SGK được UBND TP Hà Nội phê duyệt, nhà trường chỉ thông báo tới phụ huynh danh mục bao gồm các loại sách cần thiết cho các môn học để ai có nhu cầu thì đăng ký mua. “Ngoài SGK, nhà trường không bán kèm bất kỳ loại sách tham khảo nào bởi việc sử dụng sách tham khảo là nhu cầu của học sinh. Các em có thể tham khảo ở nhiều nguồn khác nhau như: thư viện, nhà sách, học liệu trên mạng Internet, tài liệu của giáo viên… Do đó, học sinh không cần thiết phải mua ngay từ đầu năm học”, bà Hiền nói.
Cấm bán sách kèm tài liệu tham khảo
Năm học 2022-2023, chương trình Giáo dục phổ thông mới áp dụng năm thứ 3 với giá sách tăng cao đồng nghĩa năm học tới là năm thứ 3 phụ huynh chịu mức giá sách cao gấp nhiều lần chương trình hiện hành. Với cách làm nhập nhèm ở một số trường, học sinh phải mua kèm đủ loại sách bài tập, tài liệu giáo dục với giá cao.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói: “Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT Quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, quy định nghiêm cấm hiệu trưởng, giáo viên không được ép buộc, gợi ý phụ huynh mua các loại sách không thuộc danh mục SGK dưới bất kỳ hình thức nào”. Danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký duyệt và ông đề nghị các địa phương kiểm soát việc này trong các trường học, tránh gây bức xúc dư luận.
Ngoài ra, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học hằng năm, Bộ GD&ĐT luôn có đoạn: “Cấm ép phụ huynh mua sách tham khảo trong các nhà trường”. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng từng khuyến nghị phụ huynh “thông minh, tỉnh táo để có lựa chọn đúng” các đầu sách cho con học. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ đạo là chuyện của Bộ, thực hiện ra sao là việc của các cơ sở giáo dục. Từ năm học này đến năm học khác, SGK và sách bài tập được các trường đưa vào dạy học như một cặp không thể tách rời.
Lãnh đạo một Phòng GD&ĐT tại Hà Nội tiết lộ, theo nguyên tắc, các trường chỉ giới thiệu cho phụ huynh bộ SGK do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt cho năm học mới. Ngoài ra, các sách tham khảo được phép đưa vào các nhà trường là nhằm trang bị cho thư viện, giáo viên để họ nghiên cứu, làm phong phú bài giảng. Trong trường hợp nhà trường giới thiệu danh mục sách bài tập, sách tham khảo, tài liệu giáo dục đạo đức, kỹ năng sống… tới phụ huynh học sinh cần phải thông báo rõ loại sách “bắt buộc có” và “sách tham khảo” ai có điều kiện, nhu cầu mới mua và chỉ mua quyển thực sự cần thiết. Nhưng thực tế, nhiều năm nay, không ít giáo viên yêu cầu học sinh làm bài tập các môn trực tiếp trong sách bài tập. Do đó, từ đầu năm học, phụ huynh không đăng ký mua ở trường cũng sẽ phải bằng mọi giá săn lùng ở các nhà sách mua cho con. “Tâm lý của phụ huynh là muốn con cũng phải có bộ sách đầy đủ các loại để không bị thua bạn kém bè”, vị này nói.
Theo vị này, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đi kèm SGK mới sẽ có rất nhiều dòng sách tham khảo đi kèm để giáo viên, học sinh nghiên cứu và học tập, từ đó sẽ phát sinh thêm nhiều loại sách tham khảo khác.
Bộ trưởng chỉ đạo
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ra chỉ thị yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường không được vận động học sinh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt để học sinh mua và sử dụng. Sở GD&ĐT phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng SGK và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Địa phương bố trí kinh phí để mua SGK cho các thư viện trường học, cho học sinh mượn sách học tập đồng thời tuyên truyền để học sinh bảo quản SGK, không viết, vẽ vào SGK để sách được sử dụng lại lâu bền. Một số ý kiến cho rằng, với chỉ đạo không mới nhưng có phần quyết liệt của Bộ GD&ĐT, liệu các trường đã thu tiền trọn gói SGK và tài liệu có hoàn tiền lại cho phụ huynh hay không?