Gặp chị ở Mátxcơva

Sau tháng nghỉ dưỡng và tham quan ở Budapest và Balatonlelle (Hungary), chúng tôi về Hà Nội tham quan miền Bắc. Ngày cuối cùng ở siêu thị Balatonlelle, tôi tình cờ gặp sếp Trần Bạch Đằng.

Ảnh (anh ấy - BTV) phát hiện tôi trước, hỏi chú mày đi đâu đây. Tôi mừng quá chưa kịp nói gì thì nhân viên siêu thị đến xin lỗi anh cho gỡ tem cái kiếng anh mới đeo. Anh “pardon” nhân viên bảo vệ và nói chú mày về trước nhé, gặp lại sau. Anh là người tôi cần gặp nhất để hỏi vài câu mở mang tầm mắt sau gần một tháng ở Hungary thì anh lại đi. Thế là tôi bị hụt hẫng.

Đúng chiều hôm đó đoàn chúng tôi về Budapest, ở một ga tàu điện, nhiều người đọc tờ báo buổi chiều đang reo mừng. Ông Janos, người lái xe và hướng dẫn cho biết Mao Trạch Đông qua đời. Sự kiện gây chấn động Budapest làm tôi nhớ có lần anh Trần Bạch Đằng nói sau sự kiện Hoàng Sa tháng 1.1974. Anh nói, muốn thoát cảnh “núi liền núi sông liền sông” thì phải lấy xà beng xắn cái dải đất hình chữ S cho xà lan kéo đi chỗ khác. Hôm đó anh đến thăm báo Giải Phóng nhân dịp kỷ niệm 10 năm ra báo.

Bay từ Budapest quá cảnh ở Mátxcơva (Moscow) chờ chuyến bay về Hà Nội, với riêng mình, tôi coi như được thăm thêm một nước. Cả tuần lễ để đi metro, thăm quảng trường điện Kremlin, bức tranh tròn Borodino, đi thuyền trên sông Mátxcơva, xem triển lãm kinh tế quốc dân ở Mátxcơva uống nước vòi miễn phí, ăn bánh mì, đi xe bus đều một giá 5 kopek, tôi thích quá, viết thư ngay về cho Minh Hiền[1]. Hình ảnh đẹp nhứt tôi thu nhận vào lòng mình là sách và người đọc sách ở xứ người. Ở đâu cũng thấy người dán mắt vào sách, ưu tư với nó trên xe bus, trong toa tàu điện, trên ghế đá công viên.

Viết xong chưa gửi đi thì phải đi bách hóa tổng hợp GUM mua ít đồ lưu niệm. Trong túi chỉ có mấy chục đồng ruble đoàn cho. Đi mãi không biết mua gì. Hàng công nghiệp tiêu dùng khá thô và hiếm không tốt bằng hàng chợ trời Sài Gòn. Cô sinh viên, con gái của vị Bộ trưởng trong nước xếp hàng mua giúp cho cả đoàn mấy thứ. Đó là cái máy mài lưỡi dao lam rất thiết thực lúc bấy giờ và một con rỏ rẻ đồ chơi… cho vui! Tất cả các thứ hàng tiêu dùng đem về nước bán chạy đều bị vét sạch, quầy nào cũng có biển báo hết hàng.

Chỉ với mấy ngày nhìn ngắm lướt qua thị trường ở Mátxcơva tôi không sao yên lòng, hàng tiêu dùng thiết yếu hiếm quá. Hàng điện tử khá đơn giản và nghèo nàn so với thị trường Hungary. Chỉ có quán bia thì đặc quánh người nhấp nhô trong khói thuốc lá mù mịt. Người nhậu say ngủ vỉa hè nhiều quá mà đa số là các cụ già hưu trí cô đơn. Có cụ già ngủ hè đường bị máy xúc mang về đồn công an. Người Digan bị tuýt còi ở khu trung tâm nhà hát lớn và Quảng trường Đỏ. Hình như họ bị kỳ thị. Đất nước không có chiến tranh, lại là nước xã hội chủ nghĩa mà người vô gia cư cơ nhỡ khá nhiều làm tôi khá bâng khuâng.

Tác giả Nguyễn Hồ gặp bà Đỗ Duy Liên ở tòa nhà 22 của Đại sứ quán Việt Nam ở Mátxcơva, 9.1976. Ảnh tư liệu gia đình

Tác giả Nguyễn Hồ gặp bà Đỗ Duy Liên ở tòa nhà 22 của Đại sứ quán Việt Nam ở Mátxcơva, 9.1976. Ảnh tư liệu gia đình

Ngày cuối cùng ở tòa cao ốc 22 của Đại sứ quán Việt Nam, tình cờ tôi gặp chị Đỗ Duy Liên cũng như tình cờ gặp anh Trần Bạch Đằng ở Budapest và cả hai đều là sếp tôi hồi năm 1965. Anh là người duyệt bài, chị Duy Liên là người phụ trách, còn tôi là lính cầm bút. Nhưng với chị, tôi đã gặp may, cùng một chuyến bay từ Mátxcơva về Hà Nội. Một chuyến bay nhiều tiếng đồng hồ. Từ rừng về thành, bao nhiêu chuyện cả hai chị em muốn nói với nhau mà không được. Hầu như mỗi năm chỉ có ngày giỗ anh Tư là gặp nhau thôi, mà ngày đó thì không chỉ của riêng ai. Trong kháng chiến, trừ lúc công tác chung cơ quan, hai chị em chỉ gặp nhau vài lần trong thoáng chốc, lần nào cũng vội vã khẩn trương không có chỗ cho riêng tư.

Năm 1964, từ báo Chiến Thắng Bến Tre tôi lên miền Đông học báo chí, chị là hiệu phó của trường. Học xong, Ban Tuyên huấn giữ lại đưa tôi về tiểu ban do chị làm sếp, lúc này vừa ra báo Nhân dân miền Nam. Ít lâu sau thì tiểu ban này nhập về B1 (tiểu ban tuyên truyền) do anh Tư Lê Hỷ Hoan (chồng chị) làm trưởng tiểu ban. Chị và chúng tôi phát hành báo bằng cách đọc chậm trên đài, ở tờ Cờ Giải Phóng, tôi làm phó cho chị.

“Tòa soạn” báo Cờ Giải Phóng chỉ có 5 biên tập, chị Tuyết, Đạt Vân và tôi, sau có thêm Năm Nh. Báo ra hàng tuần. Mỗi số báo 2.500 chữ, xã luận, bình luận bốn, năm trăm chữ do chị và tôi viết. Đạt Vân lo tư liệu và viết mẩu chuyện đấu tranh, chị Tuyết lo tòa soạn, in ấn gửi qua Thông tấn xã và đài đọc chậm. Phải nói đây là tờ báo nối mạng qua làn sóng phát thanh độc đáo của một thời chưa có mạng Internet như bây giờ. Anh Năm Quang (Trần Bạch Đằng) là người chủ trương và duyệt cuối cùng.

Tôi chứng kiến một cuộc họp giao ban hàng ngày của Ban Tuyên huấn có nhà báo Úc Wilfred Burchett và Madeleine Riffaud dự. Hai nhà báo quốc tế được nghe giới thiệu về tờ báo đọc chậm đã ồ lên cho là một sáng tạo rất độc đáo. Với 2.500 chữ, đến với mọi miền đất nước chỉ sau một tiếng đồng hồ, các thành thị chép bài đọc chậm rồi cộng thêm bài của địa phương mình để trở thành một tờ báo của địa phương. Hôm diễn ra câu chuyện này, tòa soạn chúng tôi có khoảng 30 phiên bản Cờ Giải Phóng từ các thành thị gửi về, mỗi tờ một vẻ rất phong phú về nội dung và hình thức.

Về sau, chị có nhắc lại giai đoạn làm báo đọc chậm này trên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Chị viết: “Lúc này hoạt động nội thành đang phát triển, địch bố trí lực lượng mật vụ công an dày đặc khắp nơi, đặc biệt ở các hướng ra vào vùng giải phóng. Do đó việc đưa được một tờ báo cách mạng vào nội thành là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Lúc đó Ban Tuyên huấn Trung ương cục có sáng kiến ra một tờ báo cho nội thành mà hình thức phát hành nhanh nhứt mà lại bảo đảm an toàn”. Trong bài báo chị chỉ đề cập ở địa bàn Sài Gòn chớ chưa kể sức lan tỏa của nó trên toàn miền Nam qua các phiên bản có sự gia công của các địa phương.

Tuy viết những bài tác chiến chánh trị thì không dễ nhưng tôi cố gắng đáp ứng. Anh Năm Quang là người tổng duyệt cuối cùng. Sức làm việc của anh thật kinh khủng. Có một bài bình luận của tôi về sự lục đục của bộ máy cầm quyền đệ nhị cộng hòa 500 chữ, anh duyệt nhanh trong vài phút, bản thảo còn được hơn phân nửa số chữ của tôi viết, anh viết thêm phân nửa còn lại bên lề giấy. Viết nghị luận hàng tuần, trong tình hình đảo chánh liên miên ở Sài Gòn khá vất vả. Tôi viết mấy tháng chưa kịp quen tay thì bị tâm lý lo sợ sai sót ám ảnh nên muốn xin đi chiến trường viết tự do.

May đâu cùng lúc đó, có chủ trương tờ báo cũng theo anh Năm Quang về Sài Gòn chuẩn bị cho giai đoạn mới. Cả hai anh chị Đỗ Duy Liên, Năm Nh., chị Tuyết cùng đi, tôi và Đạt Vân ở lại. Đạt Vân lo nhà xuất bản Giải Phóng, còn tôi bổ sung cho Tạp chí Thời Sự nhân dân. (Sau này Năm Nh. bị bắt, địch phăng ra bắt chị, chị Tuyết và nhiều người người khác). Một tháng sau, từ Ban Tuyên huấn Sài Gòn-Gia Định, anh Tư gửi thư cho tôi, bức thư ngắn 50 chữ, có kèm chiếc võng đôi của chị.

Thư anh Tư Lê Hỷ Hoan gửi Nguyễn Hồ. Ảnh tư liệu gia đình

Thư anh Tư Lê Hỷ Hoan gửi Nguyễn Hồ. Ảnh tư liệu gia đình

“Nguyễn Hồ thân,

Chị Tư gởi cho em cái võng để em xài đỡ. Lúc này em có mạnh không? Hiện em viết gì? Đã tiến bộ về những phương diện gì?

Thăm em và thăm tất cả các đồng chí trong B1, nhất là các đồng chí trong bộ phận tuyên truyền báo chí.

10/7/65

Tư Hoan”

Năm 1966, tôi đi viết ký sự về vành đai diệt Mỹ Củ Chi cho tạp chí Thời sự nhân dân. Tôi theo Viễn Phương và Minh Lê bám sát trận địa vành đai diệt Mỹ của các dũng sĩ diệt Mỹ Phạm Văn Cội, Trần Văn Suông, Út Nhỡ, Bảy Nê, Tư Gừng, Bảy Mô lấy tài liệu viết ký sự. Đang tự nhốt mình ngồi viết ở căn hầm tầng 2 âm, địa đạo của anh Tư (Ban Tuyên huấn Sài Gòn-Gia Định) thì nghe tiếng chị. Chị lần từng bậc thang xuống dưới lòng đất thăm tôi.

Thì ra chị được anh Tư báo tin, từ nội thành về căn cứ thăm em. Hỏi chị làm công tác gì trong đó, chị bảo chị bám vô nhân dân lao động nghèo. Chị nhìn cái võng ny lông tôi giăng trong hầm, chị nói, chị mua đủ thứ nhưng lại quên mua võng mới cho em rồi. Để chị trở ra sẽ mua liền cho em.

Chị trở ra Sài Gòn ít lâu thì bị địch bắn bỏ tù. Cùng với chị Nguyễn Thị Chơn (phu nhân của anh Năm Quang), chị được trao đổi với hai tù binh Mỹ. Hai chị qua dự Hội nghị Paris trong phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Khi trở về R, nghe tin tôi lập gia đình với Hiền, lập tức chị đạp xe đi từ đông sang tây lộ 22 tìm gặp hai đứa chúc mừng. Từ đó hai chị em kết phe với nhau viết cho nhau nhiều thư. Bức thư đầu tiên chị xác định ngay Hiền “cùng phe” với chị. Chị dặn Hiền “Phải cương quyết khi cần thiết” và “Có gì phải mách chị”. Nguyên văn:

...“Hai em. Chị đi mấy bữa nay rồi mà vẫn còn giữ cái cảm giác vui, quá ngắn ngủi cạnh các em. Hiền ạ. Chị mới biết em, nhưng biết em thương chị qua Hồ, và tất nhiên, về phía chị, chị cũng vậy. Chị tin em sẽ ở cạnh Hồ, giúp được Hồ rất nhiều cái hay. Chị có phát biểu cảm tưởng với Châu (Nguyễn Thị Châu-Chị X trong Sống như Anh của Trần Đình Vân): Hồ chọn người yêu như thế là vừa ý chị. Nhưng chị dặn, phải cương quyết khi cần thiết nghe không? Có gì phải mách chị…”

Chị em vừa yên chỗ, câu đầu tiên chị hỏi về Hiền. Chị nói, tất cả thư Hiền viết cho chị từ trong rừng, chị đều đọc kỹ và viết hồi âm. Em biết tại sao không? Tại vì qua Hiền chị sẽ hiểu em hơn. Chị có đứa em dâu quý, em nhớ chăm sóc Hiền, không được ăn hiếp nó, chị giận.

Thư chị Tư Duy Liên gửi Minh Hiền. Ảnh tư liệu gia đình

Thư chị Tư Duy Liên gửi Minh Hiền. Ảnh tư liệu gia đình

Bài báo của chị Đỗ Duy Liên về tờ báo Cờ Giải Phóng. Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, 24.6.1998. Ảnh tư liệu

Gặp nhau ở Mátxcơva, chị bảo kể chuyện đứa em dâu cho chị nghe, nó về Sài Gòn nhập cuộc ra sao. Từ trong rừng, thấy nét chữ trong thư Minh Hiền cứng cỏi chị cảnh báo: chị lo cho ai có nét chữ mạnh mẽ lắm, đừng giống chị mà khổ thân. Rồi chị dặn, đời sống tập thể ăn cơm chị nuôi trong kháng chiến qua rồi, bây giờ phải biết sống đời thường. Con cái, nhà cửa, bếp núc không còn là chuyện nhỏ nữa. Chị biết con Hiền là đứa giỏi giang nhưng nếu nó giống em ở cái lãng mạn thì không tốt đâu. Bây giờ phải biết sống thực em ạ. Phải biết tương cà mắm muối em ạ. Sau chiến tranh, phải biết sống trong hòa bình, sống đời thường, cái gì cũng lý tưởng hóa, cũng tuyệt đối hóa coi chừng bị phô đó nghe em. Chị sợ Hiền nghe theo em… cứ sống trên mây không thực tế thì khổ.

Lúc anh Tư gửi em chiếc võng, thư gửi đi rồi chị mới ân hận. Võng sắp mục rồi. Chị không biết vô Sài Gòn còn trở ra nữa hay không, nên gửi em xài tạm. Khi anh Tư kêu chị về thăm em ở Củ Chi, chị lại quên mất chuyện cái võng. Tôi nói chiếc võng màu tím hoa cà của chị bị chôn theo Minh rồi. Chị ngạc nhiên bắt tôi giải thích. Tôi kể: Tổ du kích báo Giải Phóng chống càn Junction City của em có 5 người, Minh nhỏ tuổi nhất, nó từ Nam Vang về tham gia cách mạng. Mỹ càn vào căn cứ em đang đi lấy tài liệu về trận đánh mới nhứt của Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9), trận đánh xe tăng M48 ở Đồi Thơ bên sông Vàm Cỏ Đông thì được biết tin địch sắp đánh vào căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục nên vội chạy về thăm cơ quan, rồi bị bắt làm chỉ huy bất đắc dĩ. Em tự nguyện, chủ yếu là để bảo vệ cơ quan tòa soạn thôi. Tuy muốn vậy nhưng không đánh cũng không được.

Sáng hôm đó anh em chứng kiến từ trảng Cố vấn, quân Mỹ ném bom, đổ quân đánh vào nhà in Trần Phú, nơi duy nhứt có máy in in báo Giải Phóng khổ rộng. Anh em bàn với nhau tìm mọi cách nổ súng đánh xe tăng địch chạy ngang chiến hào dọc theo rìa trảng Cố vấn, coi như lên tiếng để chia lửa với nhà in. Nhưng làm sao đánh được xe tăng bằng súng bắn đạn AT với cự ly cả hơn trăm mét? Phục kích trên đường rừng nát dấu xích xe tăng trật vuột tới 9 giờ đêm mới trở về cơ quan ai cũng khát, đói. Em chạy đi lấy sữa đường bồi dưỡng cho anh em. Vừa xuống tới hầm thư viện thì nghe tiếng nổ lớn phía nhà bếp. Thành quên gài chốt trái AT còn gắn trên đầu súng, lại dựng khẩu AT tựa vào cái bàn ăn chân tréo hầm hinh. Súng ngã xuống, trái AT nổ tung. 4 chiến sĩ bị thương, nằm la liệt. Nặng nhất là Nguyễn An Liêu và Bùi Dũng Thành.

Đội du kích xưởng phim Giải Phóng đến liên hệ phối hợp chiến đấu, tự nguyện làm dân công tải thương giúp chúng tôi, nhưng cũng chỉ đủ sức cáng hai thương binh nặng nhứt. Trên đường chuyển cáng thương, Thành hy sinh bờ bên này đoạn sông biên giới Vàm Cỏ Đông. Liêu hy sinh tại quân y dã chiến ở bờ bên kia sông trên đất Campuchia. Chỉ còn lại Minh, em tính nó bị thương nhẹ nên để lại chờ chuyến sau. Băng bó xong, em đưa Minh lên võng của chị. Nó nghiến răng chịu đau. Nó hỏi anh Hai ơi em đau quá, làm sao hết đau. Em bảo nó hát thì hết đau. Nó mấp máy môi hát bài Trừ Văn Thố “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”[2]. Chừng mấy phút sau Minh hát, thấy nó nhắm mắt lim dim, em tưởng nó ngủ. Bỗng nghe chiếc võng kêu xoạc một tiếng như bị ai xé. Minh rơi xuống đất, Đông và em kịp đỡ lưng Minh. Máu chảy thấm ướt cả cánh tay tụi em. Thì ra Minh có một vết thương khác ở lưng, máu âm ỉ chảy mà tụi em không hay. Chính máu đã xé toạc lưng võng ra làm đôi.

Chờ mãi anh em du kích điện ảnh không trở lại, em và Đông liệm Minh trong mấy lớp võng của chị, quấn thêm mấy lớp vải đi mưa bó chặt lại bằng dây dù. Hai sợi dây dù trắng căng võng trở thành dây néo chặt thi thể Minh. Đông bị thương đầu gối không cùng khiêng được nên em phải cõng Minh ra hầm chông bảo vệ cổng sau cơ quan, nhổ hết chông để đặt Minh xuống hầm sâu. Trước khi lấp đất, em sực nhớ ra phải xoay Minh quay đầu về hướng Tây, hướng Nam Vang, nơi từ đó em đi kháng chiến. Nhà Minh ở đại lộ Monivong, mấy hôm phục kích đánh xe tăng Minh nói nhỏ cho mình em nghe, em nằm mơ thấy được cắn nguyên một khúc chả lụa… Truyện Đêm Kỷ niệm, em viết về Minh đó, chị đọc chưa. Chị nói, chị đã đọc, biết chuyện tụi em hy sinh rồi nhưng không nhớ những chi tiết như em kể. Chị lặng đi hồi lâu rồi nói: bây giờ chị mới biết, thì ra chiếc võng của chị cũng tham gia chống càn với em.

Có lẽ câu chuyện dài trong nhiều giờ làm chị mệt. Chị kéo chăn đắp, mắt khép lại ngủ ngon. Tôi ngồi cố nhớ những bức thư chị viết kháng chiến, lúc tôi đi chiến trường, Hiền cất giữ kỹ sau này tôi mới tìm thấy. Chị viết: “Cái gì cần nhớ thì chị quên. Em có biết rằng tuýp kem Leyna chị mua, chị không gửi được, chị đem ra xài rồi mua cái khác, lại xài và cho đến bây giờ không biết thằng em trai của chị hút thuốc đã vàng răng chưa và đã có cái gì chà răng chưa?”

Trong các bức thư chị còn huyên thuyên nhiều chuyện khác nữa, có chuyện rất cảm động. Chị viết: “Quên kể em nghe, có hơn một năm, hay cũng gần hai năm rồi, có một tối chị nghe đài, thường bữa đi công tác về, nghe tóm tắt tin tức trong ngày rồi ngủ, tối hôm ấy sao chị lại nghe buổi phát thanh văn nghệ, cũng lạ thật, nhằm ngay bài phóng sự của Nguyễn Hồ, một phóng sự mặt trận. Thế rồi sau đó chị không buồn ngủ nữa”. Một đoạn trong lá thư khác, chị viết: “Vào tù, gặp chị em Bến Tre cũng nhiều. Gặp ai chị cũng hỏi có phải huyện Giồng Trôm không. Khi người ta nói phải và hỏi thêm tên xã thì lại không nhớ cái xã gì. Nghĩ cũng tức cười. Thôi, miễn Giồng Trôm là được rồi phải không em”.

Tấm ảnh duy nhứt chụp trên đường rừng năm 1965. Ảnh tư liệu gia đình

Tấm ảnh duy nhứt chụp trên đường rừng năm 1965. Ảnh tư liệu gia đình

Ngày 28.8.2013, chị cho xem tất cả hình ảnh hoạt động của chị ở R và Paris. Ảnh tư liệu gia đình

Ngày 28.8.2013, chị cho xem tất cả hình ảnh hoạt động của chị ở R và Paris. Ảnh tư liệu gia đình

Máy bay hạ độ cao chuẩn bị đáp xuống sân bay Vạn Tượng. Câu chuyện dài của hai chị em tới đây cũng kết thúc. Khi trở lên máy bay để về Hà Nội, chị về với đoàn đi Liên Xô của chị. Tôi là phó đoàn đi nghỉ dưỡng ở Hungary phụ trách việc dẫn dắt các cụ già du kích nên phải ngồi chung với đoàn. Tình cờ, lúc ở phòng chờ, gặp anh Tân Đức trên đường đi dự hội nghị nhà báo quốc tế OIJ tại Praha, Tiệp Khắc. Anh hỏi ai có tiền đô cho anh với. Chế độ chỉ có mấy chục đồng thôi không biết xài gì. Chị Tư móc bóp đưa tặng anh mấy tờ ruble. Chị nói: tiền thù lao trả lời phỏng vấn đài của Mátxcơva…

Nhờ gặp thủ trưởng Tân Đức ở đây mà tôi nhớ đến Hiền sắp học xong bổ túc. Học xong chưa biết sẽ về đâu làm việc có lương để tiếp tục học đại học. Trở lên máy bay về Hà Nội, chị nói, anh Tân Đức, sau thời quân quản sẽ nhận nhiệm vụ mới: Giám đốc nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, sau này Hiền tìm anh để xin về nhà xuất bản.

Nguyễn Hồ

____________

* Bài viết này đã đăng trong cuốn sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ, Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Trẻ.

[1] Nhà báo Nguyễn Minh Hiền, vợ của tác giả Nguyễn Hồ.

[2] Bài hát Ngợi ca anh hùng Trừ Văn Thố do Lưu Nhất Vũ sáng tác (BTV).

Bà Đỗ Duy Liên từ trần

Bà Đỗ Duy Liên, sinh năm 1927, quê quán xã Quốc Oai, huyện Sơn Tây, TP Hà Nội. Nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM, là một trong những người đã góp phần khai sinh Báo Phụ nữ Sài Gòn (nay là Báo Phụ nữ TP.HCM).

Do tuổi cao sức yếu đã từ trần lúc 10g30, ngày 26.5.2024.

Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Quốc Gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Lễ viếng lúc 9g, ngày 27.5.2024.

Lễ truy điệu lúc 7g, ngày 29.5.2024.

Lễ động quan lúc 7g30, ngày 29.5.2024.

An táng tại Nghĩa trang Thành phố (Nghĩa trang Lạc Cảnh), đường số 13, khu phố 4, phường Linh Trung, TP Thủ Đức.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gap-chi-o-matxcova-43827.html