Gặp 'cô Đủ' hỏi đủ chuyện
Tôi được 'làm quen' với ca sĩ Trinh Tuyết Hương trong trường hợp khá tình cờ. Hôm đó, đoàn nghệ sĩ của Hội Điện ảnh Việt Nam đang có cuộc giao lưu với Câu lạc bộ đờn ca tài tử huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu thì Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội Văn nghệ Bạc Liêu kéo tay tôi đưa tới giới thiệu: 'Đây là cô Đủ trong Cát đỏ, giải Cánh diều năm 2022, dành cho vai nữ phụ'.
Tôi “mừng quýnh” vì không ngờ được hiện diện với “cô Đủ” với câu chuyện tình éo le của bộ phim truyền hình dài 30 tập, ở nơi không ngờ tới. Ca sĩ Trinh Tuyết Hương bữa nay xuống Bạc Liêu tham dự “Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ và Lễ hội Dạ cổ hoài lang Bạc Liêu 2022”, nghe tin có đoàn Hội Điện ảnh Việt Nam nên tới chào. Sau khi anh em đã quen quen tôi bèn hỏi: “Như thế nào mà một ca sĩ lại được mời đóng phim?”. Trinh Tuyết Hương lại cười, cô bảo: “Cũng nhờ duyên với điện ảnh mà anh”.
“Cô Đủ” ở ngoài đời thật dường như không khác mấy trong phim, cô vẫn còn mập, còn hơi rám nắng, có khác chăng là cách ăn mặc quê quê không thấy nữa. Ca sĩ Trinh Tuyết Hương đã trở lại duyên dáng và xinh đẹp như hồi cô chưa vào vai Đủ. Chúng tôi trò chuyện khá cởi mở và thân thiện. Thì ra Trinh Tuyết Hương là nghệ danh còn tên chính thức của cô là Lê Thị Trinh. Cô gái người quê huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An này tuổi Giáp Tý. Tôi đùa: “Con chuột tuy bé nhất trong 12 con giáp nhưng nó lại đứng đầu đấy”. Trinh Tuyết Hương khiêm tốn cười ngượng, mặt cô chợt đỏ hồng. Tôi “tán” thêm: “Con gái miền Tây cô nào cũng đẹp, da lại trắng hồng nữa”.
Thực ra, ca sĩ Trinh Tuyết Hương không phải là gương mặt mới của giới giải trí. Trước đó cô từng tham gia một số phim truyền hình nhưng hoạt động chủ yếu với tư cách ca sĩ. Nhưng trước đó, năm 2008, cô gái Lê Thị Trinh theo học Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Những tưởng cô sẽ theo nghề đã học để sẽ trở thành một nhà quản lý hay một nữ đại gia nào đó ấy vậy mà như người ta đã nói: “Ở miền Tây cứ 10 người thì có tới 9 người rưỡi mê cải lương, say vọng cổ”. Lê Thị Trinh cũng vậy, “đang yên đang lành” thì cô chuyển sang hoạt động nghệ thuật, làm ca sĩ cải lương và Bolero tự do.
Tôi gặng thêm: “Tự dưng thế à hay Trinh thích hát đờn ca tài tử từ trước?”. Trinh Tuyết Hương gật đầu, cô cho hay: “Hồi còn ở quê, nghĩa là còn ở Long An, em đã theo Nghệ nhân dân gian Hồng Cúc ở Hội Văn nghệ tỉnh Long An học hát tài tử. Thú thực trong tâm trí em thì hát tài tử là điều em “hứa” sẽ theo đuổi”. Tôi lại gặng: “Thế sao lại học đại học kinh tế?”. Trinh Tuyết Hương trả lời: “Ba mẹ em muốn con theo học kinh tế cho bằng chị bằng em. Nhùng nhằng mãi giữa đi hát hay đi học nên năm 24 tuổi em mới vào trường”.
Cầm tấm bằng Cử nhân Kinh tế ngành Quản trị kinh doanh chưa “ấm tay” thì Lê Thị Trinh vẫn hướng về nghệ thuật. Cô đi làm ca sĩ cải lương và Bolero tự do với chính tên Lê Thị Trinh của mình. Năm 2012 cô phát hành Album đầu tiên “Nửa đời lầm tin và Ông lão đưa đò” đó là những bài hát của nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn.Cũng từ đây nghệ danh Trinh Tuyết Hương ra đời. Tôi vội hỏi: “Nghệ danh này có ý nghĩa gì?”. Ca sĩ Trinh Tuyết Hương giải thích: “Trinh là tên thật của em. Còn Tuyết Hương là em muốn dâng cho đời những gì tốt đẹp nhất”.
Cũng theo như cô cho biết thì làm ca sĩ tự do có cái hay là không bị bó buộc bởi quản lý, cô được tự do hát những câu cải lương, những bài Bolero mà cô thích nhưng cái chính là tuy cầm tinh con chuột vậy mà Lê Thị Trinh thuộc vào người “bàn chân cho nốt ruồi son” nghĩa là cô thích đi đấy đi đó. Lúc thì cô về lại miền Tây hát, khi thì cô ra Trung vừa hát vừa làm thiện nguyện. Có lần cô còn ra tận Bắc để phục vụ khán giả nữa. Nghe cô nói thế tôi hiểu ra, ở người con gái này không có gì níu chân cô được. Hình như trong cô còn một nỗi khát khao khác nữa?
Tranh thủ những khi rảnh rỗi ca sĩ Trinh Tuyết Hương tìm thầy học diễn xuất. Tôi hỏi nữa: “Vì sao em thích?”. Trinh Tuyết Hương bảo: “Em tự nhận thấy mình còn những khả năng khác”. Đúng như vậy, Trinh Tuyết Hương đã nhằm tới điện ảnh. Người thầy dạy diễn xuất đầu tiên cho cô là Á hậu kiêm diễn viên Kim Tính. Và cũng chính người thầy đầu tiên này đã nói với cô: “Chị thấy em có gương mặt rất điện ảnh”. Câu nói không chỉ là lời nhận xét hay động viên nữa mà nó thực sự là lời khích lệ cho cô gái “chẳng chịu bằng lòng” với mình.
Và thế nữa “niềm khát khao” đã tới, năm 2014 đạo diễn Nguyễn Dương bắt tay vào làm bộ phim “Mùa Sen cạn”, ông đi tìm người vào vai diễn cho bộ phim. Á hậu kiêm diễn viên Kim Tính đã giới thiệu cô học trò Lê Thị Trinh cho ông đạo diễn. Ca sĩ tự do Trinh Tuyết Hương được mời tới thử vai và cô chinh phục được ngay ông đạo diễn, đúng như lời nói của Á hậu kiêm diễn viên Kim Tính bữa nào: “Em có gương mặt rất điện ảnh”.
Từ thành công của vai diễn đầu tiên Trinh Tuyết Hương bây giờ bước vào nghệ thuật bằng “hai chân”. Một chân là ca sĩ tự do với 6 album ca nhạc và một chân là diễn viên cho những bộ phim điện ảnh và truyền hình. Cô lần lượt tham gia diễn xuất trong các bộ phim như: “Giữa hai bờ thiện ác” của đạo diễn Châu Huế; “Vết dầu loang” của đạo diễn Trọng Hải; “Đại ca U70” của đạo diễn Phi Tiến Sơn; “Miền xanh” của đạo diễn Trần Mỹ Hà và đặc biệt là phim “Cát đỏ” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
Bộ phim truyền hình “Cát đỏ” lấy bối cảnh là một làng quê ở tỉnh Bình Thuận chang chang cát đỏ, nơi ấy có “biệt danh” là “xóm chửa hoang” bởi ở đó có những cô gái lỡ làng tình duyên. Chuyện phim xoay quanh thân phận ba chị em gái trên vùngcồn cátnắng cháy, khô cằn, đó là Đủ, Nhớ và Nhan: Đủ có con với một người chở xe bò thuê, nhưng không thể nên duyên vì người đàn ông kia giữ lời thề chung thủy cùng người vợ quá cố; Nhớ từng làm công ở xưởng nước mắm, yêu và hận ông chủ Hai Ngò, nên quyết định bỏ đi với cái thai trong bụng; Nhan thì có bầu với một gã nhạc sĩ lãng tử lang thang... Phải chịu nhiều miệng tiếng từ những người xung quanh, tưởng chừng họ sẽ an phận sống qua ngày ở vùng cát đỏ cằn cỗi, nhưng sâu thẳm bên trong mỗi người là khát khao thay đổi số phận và dám hành động, đấu tranh, và dám vượt qua một hành trình dài để đi tìm kiếm hạnh phúc.
TrinhTuyết Hương cho hay: “Để được nhận vai Đủ, cô đã phải tự làm cho mình đen đi và uống thuốc bổ để tăng thêm 6kg cho hợp với nhân vật”. Được biết những ngày đầu ra trường quay, chuyên gia hóa trang phải dặm phấn sẫm lên da nhưng chỉ sau một, hai ngày quay dưới cái nắng bỏng lửa miền cát đỏ Bình Thuận, nữ diễn viên đã không cần thêm một chút hóa trang nào nữa. Cô bảo: “Nắng cháy da, cây thấp, diễn viên không được đội nón, mũ. Che dù thì không một chiếc dù nào chịu nổi gió ở đây”.
Được biết đạo diễn họ Lưu có lần bộc bạch: “Chọn Tuyết Hương là một sự phiêu lưu” nhưng ông hài lòng bởi cô Đủ của Tuyết Hương mộc mạc, chân phương.
Tôi nói vui: “Người đã xem phim “Cát đỏ” đều cho rằng: Bộ phim này thành công là bởi những vai phụ”. Trinh Tuyết Hương lắc đầu: “Đâu có anh. Em chỉ làm tốt điều em mong muốn thôi”. Tôi lại nói thêm: “Trinh Tuyết Hương khiêm tốn quá, Giải Cánh diều 2022 cho vai nữ phụ đã xác nhận điều đó”. Trinh Tuyết Hương lại hơi đỏ mặt, cô có ý lảng lời khen của tôi, biết vậy nên tôi “lảng” sang chuyện khác: “Những nốt ruồi son ở bàn chân em vẫn phát huy tác dụng đấy chứ?”. Cô gái Long An chợt hào hứng, cô cho hay: “Em thích làm thiện nguyện lắm”.
Từ khi “có danh phận” Trinh Tuyết Hương rất hăng hái đi. Ví dụ như năm 2019 cô tham gia tổ chức vận động lương thực, quần áo và trực tiếp 3 chuyến ra tận miền Trung cứu trợ bà con bị lũ lụt. Hay như mấy năm dịch COVID - 19 vừa rồi lại chính cô trực tiếp “ra tuyến đầu” ở TP Hồ Chí Minh đưa lương thực thực phẩm tới từng bà con. Tôi động viên: “Em năng động và tích cức làm thiện nguyện quá”. Ca sĩ Trinh Tuyết Hương cười vui vui: “Em còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyên nữa nhưng em chẳng kể nữa vì kể nữa anh lại khen em”. Tôi bắt tay cô: “Chúc mừng em đã trở thành Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/gap-co-du-hoi-du-chuyen-i684538/