Gặp 'đại thụ' của nền nhiếp ảnh Việt Nam

Năm nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức ở phường An Lưu (Kinh Môn) đã bước vào tuổi 106.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức và con trai Văn Cả Quyết trong lần tham dự Đại hội Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh khóa IX

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức và con trai Văn Cả Quyết trong lần tham dự Đại hội Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh khóa IX

Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp cầm máy, ông đã thực hiện sứ mệnh lưu giữ, truyền tải những hình ảnh chân thực, sống động của cuộc sống tới người xem.

Những bức ảnh đầy giá trị lịch sử

Sinh ra ở huyện Lý Nhân (Hà Nam), từ nhỏ ông Đức đã được gia đình cho theo học ở Hà Nội. Ở mảnh đất Hà Thành, ông vừa lao động vừa học nghề nhiếp ảnh. May mắn ông trở thành học trò của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh gạo cội Võ An Ninh. Những lần vác chân máy cho thầy, ông được truyền dạy nhiều kiến thức quý báu của nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông Đức là một trong những hội viên có công sáng lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện nay, ông là hội viên cao tuổi nhất trong làng nhiếp ảnh, là thành viên của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế.

Với ông Đức, điều quan trọng nhất của một nghệ sĩ nhiếp ảnh là phải có đôi mắt quan sát nhạy bén, tinh tường, tư duy linh hoạt, phù hợp với bối cảnh để bấm máy. Người nghệ sĩ có khi chụp xa, có lúc lại chụp gần với nhiều góc độ khác nhau. Phải đủ kiên nhẫn để chờ đợi, lựa chọn, thậm chí phải nhiều lần quay trở lại một địa điểm để canh, bắt đúng khoảnh khắc. Bởi có những hình ảnh trôi qua không thể lấy lại được, người nghệ sĩ phải biết chớp lấy cái khoảnh khắc ấy, tạo nên hồn cốt của một bức ảnh.

Thời trai trẻ, ông Đức lặn lội khắp mọi miền đất nước để ghi lại những bức ảnh mà giờ đây trở thành những tác phẩm tư liệu rất quý giá. Với "vũ khí" của mình là chiếc máy ảnh, ông đã bám sát sự kiện và săn được những bức ảnh có giá trị lịch sử. Ông Đức ấn tượng nhất với bức ảnh "Bắt sống giặc lái" ghi lại khoảnh khắc quân và dân Kinh Môn bắt giặc lái sau khi bắn rơi máy bay Mỹ. Ngay khi nghe tin quân dân ta đã bắn rơi máy bay, ông Đức đã vội vàng có mặt ngay, thế nhưng không phải giơ máy lên chụp liên tục mà ông đã tìm những góc "đắt" để bấm máy. Bức ảnh đã lột tả sự chân thực của lịch sử, đó là vẻ mặt tự hào, sự hiên ngang với khí thế chiến thắng của những người dân quân nhỏ bé, là ánh mắt thất thần, bại trận của tên phi công cao to, lực lưỡng. Một bức ảnh cũng ghi lại khoảnh khắc đắt giá không kém đó là bức “Địch phá ta vẫn qua” ghi lại khoảnh khắc cầu Lai Vu bị máy bay Mỹ ném đúng lúc đoàn tàu vừa đi qua. Để có được bức ảnh ấy, ông đã phải nhiều ngày mai phục ở cầu Lai Vu, bất kể sự nguy hiểm đến tính mạng vì thời điểm này máy bay Mỹ ném bom, bắn phá cầu rất ác liệt nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông Hải Phòng-Hà Nội.

Chụp ảnh đã khó, nhưng tìm được tên ưng ý để đặt cho bức ảnh cũng khó không kém. Đôi khi ông Đức mất nhiều thời gian trăn trở để đặt tên cho “đứa con" tinh thần. Xem ảnh của ông, người ta thấy được những hình ảnh chân thực, thấm đẫm giá trị lịch sử, lại giàu tính nghệ thuật với những cái tên đầy chất thơ, sức gợi. Đó là những: "Đường về của lúa", "Đường cày đảm đang", "Chiều trên sông Kinh Thầy", "Được nắng", "Tre già để gốc cho măng"... Đáng tiếc, nhiều bức ảnh thời kháng chiến hoặc ghi lại những hoạt động lao động, sản xuất của nhân dân đã bị thất lạc bởi chiến tranh, những trận lũ lụt lịch sử.

Bức ảnh "Bắt sống giặc lái"

Bức ảnh "Bắt sống giặc lái"

Cháy mãi ngọn lửa đam mê

Cả cuộc đời dành cho nhiếp ảnh, nghệ sĩ Văn Quang Đức luôn lao động nghiêm túc, hết mình vì nghệ thuật. Ông không dễ bằng lòng mà luôn trăn trở đi tìm cái mới, sự sáng tạo để mỗi khi cho ra đời tác phẩm không bị đi vào lối mòn. Theo ông, dù nhiếp ảnh phát triển cỡ nào, có những thay đổi ra sao so với trước kia thì điều quan trọng nhất mà người nghệ sĩ cần có vẫn là tình yêu và niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Tình yêu, niềm đam mê nhiếp ảnh của ông Đức đã truyền cho 3 người con trai. Cả ba người con của ông đều từng là phóng viên chiến trường. Người con trai thứ hai của ông đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Người con cả đã nghỉ hưu, còn người con thứ ba là nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Cả Quyết vẫn miệt mài với sự nghiệp cầm máy. "Có những tác phẩm tôi vẫn hỏi bố xem yếu tố ánh sáng, bố cục đã hài hòa hay chưa. Khi đó, bố tôi lại đưa ra những đánh giá, góp ý rất quý báu để tôi có những bức ảnh hoàn thiện, bắt đúng khoảnh khắc hơn nữa", nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Cả Quyết chia sẻ.

Tuổi đã cao nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức vẫn dành thời gian nghiên cứu và dõi theo những hoạt động của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 2020, ông cùng con trai Văn Cả Quyết tham dự Đại hội Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ IX.

Nhiều bức ảnh của nghệ sĩ Văn Quang Đức từng tham dự nhiều triển lãm quốc tế ở Rumani, Hungary, Cộng hòa dân chủ Đức (cũ), đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Thế nhưng với nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức, điều khiến ông vui nhất không nằm ở giải thưởng mà chính là sứ mệnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đó là việc truyền tải, lưu giữ, phản ánh những hình ảnh, hơi thở chân thực của cuộc sống đến người xem.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song-van-hoa/gap-dai-thu-cua-nen-nhiep-anh-viet-nam-189295