Gặp hai nghệ nhân ưu tú lĩnh vực văn hóa dân gian
Năm 2019, Hòa Bình có 10 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu 'Nghệ nhân ưu tú' ở các loại hình: tập quán xã hội và tín ngưỡng, trình diễn nghệ thuật dân gian. Những ngày đầu xuân, chúng tôi đã có dịp gặp 2 trong 10 nghệ nhân ấy.
Nghệ nhân ưu tú Lý Văn Hềnh, xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) hướng dẫn cho học trò cách xem lịch truyền thống của người Dao.
Giữ hồn văn hóa dân gian
Là đời thứ 7 của dòng họ Bùi làm thầy mo, ông Bùi Văn Khẩn, xã Phong Phú (Tân Lạc) lấy làm tự hào lẫn trọng trách nặng nề là chăm sóc phần tâm linh cho bà con dân tộc xứ Mường Bi. Ông Khẩn cho biết: Trong đời sống người Mường có rất nhiều lễ cúng như: cúng bản, cúng Mường, cầu cho bản Mường bình yên, no ấm. Lễ cúng rừng là cầu cho thần rừng phù hộ cho núi rừng, bản Mường bình yên, trù phú. Cúng đưa hồn người qua đời lên trời, cúng lên nhà mới, đám cưới, xuống đồng, mừng cơm mới, cúng vía…
Thầy mo có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Mường. Được sinh ra trong gia đình truyền thống làm thầy mo, từ nhỏ, ông đã được nghe, xem ông nội và bố đọc các bài mo trong các lễ cúng. Nhờ sự sáng dạ và lòng đam mê, tâm huyết với tín ngưỡng văn hóa dân gian của dân tộc, ngay từ khi lên 10 tuổi, ông đã thuộc các bài mo ngắn. Ngoài 20 tuổi, ông đã có thể thực hành thuần thục các lễ cúng và duy trì cho đến nay. Theo ông Khẩn, thầy mo không chỉ có trí nhớ tốt để thuộc hàng trăm bài cúng, mà giọng đọc phải truyền cảm, nắm vững nghệ thuật diễn xướng từ cử chỉ, điệu bộ đến giọng điệu mo. Ngoài việc thông thạo văn tự cổ, lưu giữ được nhiều sách cổ, phong tục tập quán, những lễ nghi của dân tộc, thầy mo còn là người có khả năng giao tiếp và cầu xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bao đời qua, lời mo được truyền khẩu, để không bị mai một, ông đã sưu tầm, ghi chép, biên soạn các phong tục, tín ngưỡng, các bài cúng. Ngoài ra, ông truyền dạy cho con trai và một số người có tố chất, tâm huyết với tín ngưỡng văn hóa dân gian. Nhiều người đã thực hiện được các lễ cúng như: mo Tết, cúng thần đất, lễ cưới…
Nỗ lực bảo tồn và truyền dạy chữ Nôm – Dao
Từ nhiều năm nay, lớp học chữ Nôm – Dao do ông Lý Văn Hềnh, dân tộc Dao - xã Cao Sơn (Đà Bắc) mở đã truyền dạy chữ viết, phong tục, tín ngưỡng văn hóa của người Dao cho bà con dân tộc Dao với mong muốn bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Ông Hềnh chia sẻ: Dân tộc Dao có tiếng nói, chữ viết riêng, tuy nhiên, chữ viết đang dần bị mai một. Học chữ Nôm đã khó, để hiểu, dịch nghĩa, phiên âm sang tiếng dân tộc Dao còn khó hơn, đòi hỏi người học phải chịu khó, ham mê mới có thể thành công. Sinh ra trong gia đình có truyền thống học chữ Nôm - Dao, ngay từ nhỏ, tôi đã được bố truyền dạy chữ viết, văn hóa, tập tục truyền thống của dân tộc Dao. Với sự truyền dạy của bố, đến năm 18 tuổi, tôi thành thạo chữ viết, các làn điệu dân ca, các câu thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ dân tộc Dao Tiền, các điệu múa dân gian và các tập tục trong việc hành lễ tâm linh…
Với đam mê, hiểu biết về chữ Nôm - Dao và để gìn giữ, bảo tồn văn hóa của người Dao, ông đã sưu tầm, viết lại và phổ biến các cuốn sách nói về tâm linh, luật tục, tập tục của người Dao Tiền cho cộng đồng người Dao ở các địa phương trong tỉnh. Trước thực tế số đông người dân tộc Dao, không chỉ các em nhỏ mà ngay cả nhiều người trung, cao tuổi cũng không am hiểu và biết viết, đọc chữ Nôm - Dao cổ của dân tộc mình khiến ông cảm thấy tiếc nuối. Do đó, ngoài việc sưu tầm, biên soạn, ông Hềnh đã mở lớp dạy học chữ Dao miễn phí cho bà con trong xóm và các xóm người Dao lân cận. Thám gia lớp, các học viên không chỉ được học về chữ viết Dao cổ mà còn học các làn điệu dân ca Dao Tiền như: hát Khía, hát đối đáp giao duyên, hát trong các lễ làm đám tâm linh dân tộc Dao, múa chèo, múa chuông, điệu nhảy… Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở các xã khác khi biết có lớp học chữ Dao đã đến đăng ký học. Từ năm 2008 đến nay, ông Hềnh đã mở được 6 lớp cho trên 200 học viên là bà con người dân tộc Dao tại các xã: Cao Sơn, Vầy Nưa, Đoàn Kết, Tân Pheo, Hiền Lương, Tú Lý. Học viên tham gia lớp học ở mọi lứa tuổi, từ các cháu nhỏ đến những người trung, cao tuổi và cán bộ xã.
Ông Hềnh cho biết: Từ ngày mở lớp học chữ Dao đến nay, số lượng người biết viết chữ Dao và hiểu về các luật tục, tập tục, tín ngưỡng văn hóa của dân tộc tăng lên. Qua đó góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc.