Gặp người lính mũ nồi xanh

Đường sách TP.HCM vẫn nóng bức như thường lệ, dẫu đã vào mùa một cơn mưa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Thế nhưng sáng 8.6.2024, tại khu vực sân khấu A của Đường sách khán giả vẫn ngồi kín ghé. Trên sân khấu, trung úy Nguyễn Sỹ Công đang trò chuyện về cuốn sách đầu tiên của mình: Mũ nồi xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình (Nam Kha chấp bút, NXB Kim Đồng).

"Hạt hòa bình" trên sa mạc

Tác phẩm kể lại hành trình của trung úy Công bắt đầu từ năm 2020 khi được lựa chọn tham gia huấn luyện để chuẩn bị đến Nam Sudan tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cho đến những trải nghiệm khó quên ở đất nước châu Phi xa xôi, nơi phong thổ, tập tục đều lạ lẫm với chàng sĩ quan trẻ.

Từ trái qua: Nhà thơ Lê Minh Quốc, trung úy Nguyễn Sỹ Công, nhà báo Nam Kha tại buổi giao lưu.

Từ trái qua: Nhà thơ Lê Minh Quốc, trung úy Nguyễn Sỹ Công, nhà báo Nam Kha tại buổi giao lưu.

Trong buổi giao lưu, trung úy Nguyễn Sỹ Công chia sẻ thêm về nỗi gian truân của mình cùng đồng đội Việt Nam do những khác biệt về thời tiết, khí hậu, địa hình. Những trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa cũng góp phần làm cho nghĩa vụ quốc tế trở nên khó khăn hơn.

Vốn quen sống ở Việt Nam nên khi chuyển sang môi trường sống mới là ở châu Phi, đặc biệt là nước Nam Sudan nằm gần sa mạc Sahara, với đặc trưng nắng nóng khô khan, rất khó thích nghi. Nếu không có sức khỏe tốt sẽ trở ngại rất lớn trong quá trình làm nhiệm vụ.

Khó khăn nữa là những khác biệt văn hóa, tôn giáo. Bởi có rất nhiều nước tham gia nhiệm vụ quốc tế, phải làm sao để mình dung hòa, sống thân ái với các chiến sĩ của nước bạn. Điều này đòi hỏi sự tôn trọng văn hóa, lối sống của nhau.

Một khó khăn khác đó chính là điều kiện sống thiếu thốn. Trung úy Công lấy gói mì tôm làm ví dụ. Hạn sử dụng của gói mì tôm 5 đến 6 tháng. Tính luôn thời gian sản xuất vận chuyển từ Việt Nam sang Nam Sudan, người lính phải nghĩ đến chuyện ăn hết thực phẩm khi còn hạn sử dụng. Theo trung úy công chia sẻ, việc ăn đồ quá đát với anh là chuyện bình thường. Trong đời sống thường ngày, mì tôm với nhiều người dân Việt Nam chỉ là món ăn tạm khi không biết ăn gì, nhưng với các chiến sĩ tham gia gìn giữ hòa bình như trung úy Công, mì tôm trở thành “đặc sản” kể cả khi gói mì đó đã hết hạn rồi.

Nhưng vượt qua những khó khăn đó là lòng tự hào dân tộc, để thấy lá cờ đỏ sao vàng gợi nhắc cho các em nhỏ ở một đất nước châu Phi về một Việt Nam thân thiện.

Trung úy Nguyễn Sỹ Công tại cuộc giao lưu ra mắt sách.

Trung úy Nguyễn Sỹ Công tại cuộc giao lưu ra mắt sách.

Cả trung úy Công và nhà báo Nam Kha đều sinh ra trong thời điểm đất nước hòa bình. Thế hệ các anh chỉ nghe chiến tranh qua những câu chuyện kể. Dưới góc nhìn của người lính mũ nồi xanh, độc giả càng hiểu thêm về giá trị của một đất nước thanh bình. Vì thế tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới còn là chuyện vun đắp tình yêu thương dành cho các em nhỏ ở đất nước mà các chiến sĩ đến. Như trong sách có một đoạn nói lên được niềm tự hào này:

“Anh em đồng nghiệp cũng theo tôi đến thăm tụi nhỏ, cùng vui chơi ca hát, quá trời rộn ràng luôn. Có lẽ vì vậy mà các em nhỏ Bentiu rất yêu mến các anh chị lính mũ nồi xanh Việt Nam, hễ thấy có người mặc quân phục trên áo thêu cờ đỏ sao vàng là đứa nào cũng reo lên “Việt Nam, Việt Nam” vô cùng hào hứng. […] Tuy không trực tiếp đi qua chiến tranh Nam Sudan nhưng những tháng ngày làm việc ở đây, trong bầu không khí của hậu quả chiến tranh, cảm nhận sức nóng ở vùng đất khắc nghiệt cả về thiên nhiên lẫn thế sự, tôi càng hiểu rõ hơn về cuộc sống và nhất là ý nghĩa của từ ‘hòa bình’” (tr.100)

“Gieo vào lòng các em một hạt mầm hòa bình”

Bên lề buổi giao lưu, chúng tôi gặp nhà báo Nam Kha, người chấp bút của Mũ nồi xanh Việt Nam, được nghe thêm những chia sẻ của anh về quá trình làm sách, cùng những ấn tượng khó phai mờ khi được cùng trung úy Nguyễn Sỹ Công viết nên câu chuyện về khát vọng hòa bình này.

Duyên cớ nào để anh trở thành người chấp bút cho tác phẩm Mũ nồi xanh Việt Nam?

Nhà báo Nam Kha: Trong một lần lướt TikTok, tôi vô tình thấy đoạn clip một anh lính trẻ đang tặng quà và hướng dẫn nói những câu tiếng Việt ngắn ngắn như “xin chào”, “cảm ơn”… cho các em nhỏ ở châu Phi. Điều này gợi sự tò mò trong tôi không biết anh lính này là ai? Tại sao anh ấy lại có mặt ở châu Phi và đang làm nhiệm vụ gì? Lí do gì mà anh ấy lại chơi đùa cùng tụi nhỏ?...

Và tôi đã dành một vài ngày tiếp theo để xem lại hết các clip cũ trước đó thì biết anh lính trẻ ấy tên là Nguyễn Sỹ Công, trung úy Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, công tác tại khoa Khám bệnh, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu, Nam Sudan.

Ngoài ra, trong quá trình làm báo, tôi cũng có theo dõi tin tức và có nghe về những người lính mũ nồi xanh Việt Nam. Tuy nhiên, vì thời lượng các bản tin khá ngắn nên không thể phản ánh một cách chi tiết về nhiệm vụ của người lính, đời sống thực tế tại Nam Sudan… Tôi chợt nhận ra anh lính trẻ này có thể sẽ giúp tôi tiếp cận thông tin nhiều hơn, đầy đủ hơn bởi vì anh làm rất nhiều việc, không chỉ công việc chuyên môn mà còn dành thời gian chơi đùa, tặng quà cho các em nhỏ châu Phi, đi công tác từ thiện ở các trường học địa phương…

Và thế là tôi chủ động nhắn tin đề nghị Công kể câu chuyện của mình, còn tôi sẽ ghi chép lại ở góc độ của một nhà báo, một độc giả và là một người trẻ cũng mong muốn được đóng góp sức mình cho đất nước bằng cách này hay cách khác.

Bìa cuốn sách Mũ nồi xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình (Nam Kha chấp bút, NXB Kim Đồng)

Trong quá trình lắng nghe câu chuyện trung úy Nguyễn Sỹ Công, chi tiết nào làm anh xúc động hay ấn tượng nhất?

Chi tiết làm tôi xúc động nhất chính là những khi Công chơi đùa, tặng quà và hướng dẫn các em nhỏ châu Phi học nói, hát bằng tiếng Việt. Có lẽ một phần do bản thân tôi đang làm việc tại khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ với nhiều tờ báo cho thiếu nhi nên tôi rất vui khi thấy một người trẻ dành nhiều sự quan tâm đến các em nhỏ. Lý do lớn hơn là vì theo tôi quan sát, hành động của Công không chỉ đơn thuần là đem lại niềm vui cho các bạn nhỏ mà còn gieo vào lòng các em một hạt mầm hòa bình bằng chính những hành động quan tâm, chăm sóc nhỏ nhỏ và thường xuyên này.

Bên cạnh đó, tôi còn khâm phục Công ở ý chí biết sống cho mọi người. Vì để có thể lên đường đến Nam Sudan, chọn công tác và sinh sống tại nơi còn nhiều dấu vết chiến tranh, cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ với bệnh tật, nghèo đói triền miên thì tôi nghĩ Công phải hy sinh rất nhiều thứ. Chẳng hạn, Công hy sinh thời gian vui chơi để nỗ lực rèn luyện nghiệp vụ, hy sinh những khoảnh khắc đoàn viên trong năm mới để vui tết cùng đồng nghiệp nơi xứ người, hy sinh cuộc sống ấm no trong hòa bình để lên đường thực hiện nhiệm vụ ở một nơi còn bị ảnh hưởng nhiều của chiến tranh… Đó là một sự hy sinh rất lớn nhất là với một người trẻ sinh ra và lớn lên trong thời kì đất nước hòa bình như Công.

Sau Mũ nồi xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình, anh có dự án nào theo đuổi chủ đề này nữa không?

Trong tương lai gần, tôi vẫn sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của một nhà báo, tác giả sách ở công việc chấp bút này và đang đi tìm nhân vật phù hợp cho cuốn sách tiếp theo. Bạn có muốn trở thành nhân vật của tôi không?

Cảm ơn anh!

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gap-nguoi-linh-mu-noi-xanh-44004.html