Gặp những người cùng làng ở… Berlin

Mỗi khi đến một vùng đất lạ, tôi bao giờ cũng nghĩ tới, nhớ tới những người thân quen, nhất là những người cùng làng quê gắn bó với nhau suốt thời thơ ấu. Nhiều lần đang ở một thành phố châu Âu, bỗng giật mình khi nghe một giọng Nghệ gọi to tìm nhau.

Người Nghệ ở đâu cũng nói to, thanh âm như chim hót, đố ai mà hiểu được, thế nhưng thấy ấm áp, thấy gần gũi, thân quen như người nhà. Lần này cũng vậy, suốt 6 giờ đồng hồ ngồi chờ ở sân bay thành phố Frankfurt của Đức để chờ nối chuyến bay nội địa đi Berlin, tôi lang thang trong sân bay rộng lớn, lòng thầm hỏi, ở thành phố này có ai là người quen của mình không?

Tác giả (giữa) và hai người cháu cùng làng gặp nhau tại Berlin

Tác giả (giữa) và hai người cháu cùng làng gặp nhau tại Berlin

1. Chiều hôm đó, máy bay hạ cánh xuống Berlin, trong lúc chờ lấy hành lý, tôi mở máy điện thoại hú họa thì may quá, sân bay có wifi. Bỗng điện thoại réo vang. Quái lạ, máy không mở mạng quốc tế, ai gọi mà bất ngờ thế? Thì ra là gọi video call qua Fecebook. Tôi mở ra nhìn thấy một khuôn mặt da ngăm đen, miệng cười hàm răng trắng, tóc đen cứng rễ tre giọng đàn ông Diễn Châu, Nghệ An hỏi: “Anh Thái có nhận ra em không? Em Hoa Tương đây”. Đúng người làng mình rồi, em Hoa con ông Tương quê tôi thường lấy tên bố đứng sau mình giới thiệu để người nghe dễ nhận. Hoa sinh năn 1964, kém tuổi tôi và cùng thế hệ của làng Trung Hồng đấy mà. “Anh vừa sang Berlin phải không, anh ở đâu để em tranh thủ ghé thăm anh? Em ở Oldenburg, nghĩa là Tây Đức anh ạ”, Hoa hỏi và đề nghị. Thì ra, Hoa ở cách Berlin chừng hơn 500 cây số. Có lẽ Hoa là người đầu tiên của làng phát hiện tôi có mặt ở CHLB Đức.

Học xong lớp 10/10 ở trường cấp III Diễn Châu 2, Hoa thi đỗ vào Trường Công nhân kỹ thuật hóa chất Trung ương đóng ở tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp trường này em được cử tiếp sang tu nghiệp nâng cao tay nghề rồi làm việc ở Tiệp Khắc đầu những năm 1980. Đang làm ăn yên ổn thì mấy năm sau, Liên Xô và một loạt nước chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu đổ vỡ, bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức tái thống nhất, Hoa theo người quen sang CHLB Đức làm ăn từ đấy.

Hơn 30 năm sống ở đây, Hoa từng trải qua bao nhiêu là nghề; chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm, tích góp. Hoa xây dựng gia đình với một người con gái cũng quê xứ Nghệ, bạn bè đùa vui “hai đứa Nghệ lấy nhau tha hồ mà tiết kiệm”. Từ hai bàn tay và vốn tri thức học ở trường, với tính cần cù, tiết kiệm, vợ chồng Hoa xây dựng cơ ngơi đủ nuôi 3 người con trưởng thành ở phương trời xa xôi. Bây giờ thì vợ chồng Hoa và các con đã nhập quốc tịch Đức, nhưng vợ chồng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Các con Hoa đều sinh ra ở Đức, hai đứa lớn đã học đại học, nhưng mỗi lần về quê Nghệ An hay Hà Tĩnh vẫn nói tiếng Việt rành rõ, thậm chí vẫn “mô, tê, răng, rứa” như người ở quê. Anh rể Hoa vốn là bạn thân của tôi gần 60 năm nay hết lời khen Hoa tốt bụng và tử tế. Nhiều lần tôi về quê, cũng nghe người làng tôi nói về Hoa với sự nể trọng về sự cần cù làm ăn và chu đáo với mọi người. Hoa cũng đưa một vài thanh niên là cháu ở quê sang Đức để tìm kiếm việc làm, nhưng quả thật việc làm ở bên đó không hề dễ. Pháp luật cư trú ở Đức rất chặt chẽ, cho nên các cháu phải sang nước khác để tìm kiếm cơ hội. Nghe nói một số cháu của làng tôi cũng sang Đức từ nhiều cách khác nhau nương nhờ nhà Hoa. Dân làng tôi ai cũng thế, cứ ổn định một tý là lại muốn dang tay ra giúp đỡ, cưu mang người thân, xóm giềng. Hoa cũng vậy, nhưng em tư vấn cho người làng phải tìm những quốc gia dễ kiếm việc làm, phải sống đúng pháp luật mới mong được sự giúp đỡ để yên ổn làm ăn. Không thể sống bất hợp pháp, sống chui lủi mà có cuộc sống ổn định và no đủ được.

2. Nhắc tới những người cùng làng ở trời Âu này, tôi lại nhớ anh Nam, một bậc đàn anh của tôi suốt những năm tôi là sinh viên Hà Nội. Anh Nam học giỏi nhất nhì làng tôi, thi đỗ đại học điểm cao nên được cử đi du học.

Tốt nghiệp đại học, anh về dạy ở Trường Đại học Xây dựng Hà Nội lúc tôi mới là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh Nam được sinh viên trường Xây dựng coi như thần tượng về sự tài hoa, đẹp trai, trí thức và tinh tế. Nhớ những lần hai anh em rủ nhau về quê nghỉ hè, nghỉ Tết, lúc chờ tàu ở ga Hàng Cỏ, hoặc ga Chợ Sy hay trên chuyến tàu chợ chật chội, anh kể chuyện, anh nói những chuyện Đông Tây Kim Cổ khiến tôi nghe đến mê say. Tôi coi anh như người anh lớn, học được ở anh rất nhiều điều. Mấy năm sau, khi Trường Đại học Xây dựng chuyển từ Hương Canh, Vĩnh Phúc về Hà Nội, chúng tôi mừng vì gần nhau hơn, anh lại không phải đi hai chuyến tàu vất và mỗi lần về quê.

Cuộc sống đang diễn ra yên ả, thì đùng một cái, anh xin đi xuất khẩu lao động. Bao nhiêu người ngạc nhiên vì một trí thức giảng dạy đại học, lại ở một trường danh giá như thế, tại sao lại đánh đổi lấy chức Đội trưởng quản lý lao động ở nước ngoài. Nhưng anh đã quyết. Khi đang học tiếng Đức tại Trường Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân, hình như sắp đến ngày kiểm tra giữa kỳ thì phải, anh chạy sang phòng sinh viên của tôi đề nghị một việc mà thương rơi nước măt: “Thái ơi, cho anh mượn cái quần mới may của em. Anh thấy đẹp lắm. Anh đi thi vấn đáp”. Tất nhiên là tôi cởi quần ra cho anh mượn ngay, một cái quần kaki màu đen bóng, bây giờ không nhớ là nguồn tiền may ở đâu. Tưởng là anh mượn mấy hôm ai dè mấy tháng sau khi chuẩn bị xuất cảnh sang Cộng hòa Dân chủ Đức, anh lại chạy vội sang tôi chào tạm biệt, nói nhỏ: “Chào Thái nhé, anh đi đây. Anh xin lỗi mặc cái quần cũ lắm rồi. Hôm nào anh sang bên Đức, anh gửi vải mới về em may hộ anh nhé”. Tôi cười mà càng thương anh hơn.

Hơn một năm sau, khi tôi ra công tác, anh gửi về qua vợ chuyển cho tôi tấm vải rất đẹp có thể may được hai cái quần. Rồi khi nước Đức thống nhất, tôi nhớ lần anh về Hà Nội vào dịp Tết, anh hào phóng thuê hẳn một chiếc xe ô tô 30 chỗ mời anh em người làng đi cùng về quê ăn Tết. Có lẽ anh thương cảnh ngày xưa đi tàu hỏa… Bao nhiêu người làng tôi mừng cho anh, cho chị, cho gia đình anh đang dần ấm no, hạnh phúc hơn. Rồi anh trở lại nước ngoài.

Cuộc sống dường như viên mãn thì một tin sét đánh với chúng tôi, anh Nam bị đột quỵ mất ở Đức vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Nghe con gái đầu của anh gọi điện, tôi phải nhờ người quen ở Đại sứ quán Đức tại Việt Nam làm gấp thủ tục Visa cho cháu sang Berlin đưa tro cốt của bố về quê. Lần đầu tiên cháu một mình ra nước ngoài, cũng may hồi đó có em Hoa mà tôi vừa kể ở trên tại Đức giúp lo mọi việc. Sang Đức lần này, tôi càng nhớ anh Nam nhiều hơn, giá như anh còn, thế nào anh cũng chạy ào ra sân bay đón tôi với tiếng cười hể hả… Thế nhưng, cuộc đời sắc sắc không không là vậy đó chăng?

3. Đêm muộn tại Berlin, khi đang ở cùng với Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương tại khách sạn Good Morning, tôi lại nhận được một cú điện thoại nữa của một người làng tôi hẹn đến thăm ngay giữa đêm khá lạnh, trời lại đang mưa lâm thâm. Đó là cháu Nguyễn Văn, người cùng nội tộc ruột thịt của tôi. Cháu cũng vào Facebook, biết tôi đang ở Đức nên tự lái xe từ Ba Lan sang thăm.

Bố cháu và tôi là con hai anh em ruột, nhà ở quê lại sát vách nhau. Bố cháu mất sớm, chính tôi đã lo cho cháu đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, sau khi về nước lập gia đình, ở quê ít việc cháu lại xin sang Lào làm thuê cho một doanh nghiệp Việt Nam. Sau đó, vợ chồng bàn nhau để cháu xuất khẩu sang Ba Lan làm việc. Đây là con đường đi chính danh, được pháp luật hai nước bảo hộ. Ngày cháu chuẩn bị sang Ba Lan, doanh nghiệp xuất khẩu lao động yêu cầu nộp 50 triệu đồng theo hợp đồng để chống trốn. Lo mọi thủ tục đã khá tốn rồi, nhà nông mà lo tiếp 50 triệu nữa thì có bạc mặt. Tôi đến gặp ông Giám đốc doanh nghiệp xin được bảo lãnh cho cháu, cam đoan cháu sẽ không bỏ trốn trong thời gian làm việc cho doanh nghiệp ký hợp đồng tại Ba Lan. Ông giám đốc đồng ý, như vậy là không phải vay tiền nộp cọc nữa. Sang bên đó độ một năm, nhiều công nhân vi phạm hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm ăn, ông giám đốc ở Việt Nam kêu oai oái vì nguy cơ bị đối tác nước ngoài phạt nặng. Cháu Văn của tôi đã thực hiện đúng lời hứa là người duy nhất còn lại công ty đối tác theo lời cam đoan của tôi. Cháu bảo sẽ kiên quyết giữ uy tín cho chú, vì chú đã hứa với họ. Vậy là cháu đã làm việc tại Ba Lan được hơn 3 năm.

Nghe cháu Văn gọi đến thăm, tôi mừng lắm, nhưng thấy trời mưa lạnh, tôi hẹn cháu hôm sau, cháu liền nói: “Cháu đang ở khu Đồng Xuân của Berlin rồi, cách chú một chút thôi, mai cháu phải về Ba Lan sớm”. Vậy là hai chú cháu gặp nhau trước sảnh khách sạn, Văn kể, “cháu tự lái xe từ Ba Lan sang mất 6 tiếng, đường tốt lắm”. Hỏi về chuyện làm ăn, cháu bảo cũng đang tốt dần lên, cháu đã vay một khoản tiền mua một xe taxi vừa làm công ty vừa tranh thủ chạy ngoài kiếm thêm tiền. Cháu qua thăm tôi nhưng cũng “bắt” được hai người khách để kiếm đủ tiền mua xăng.

Đang nói chuyện thì bỗng có một thanh niên chạy ào đến gọi to “Chào bác Thái”, kiểu chào, giọng nói đúng “chất” làng tôi. Đó là cháu Bắc, nhà sát nhà tôi ở quê, anh em bên ngoại của Văn. Mới 22 tuổi, với vốn tiếng Anh kha khá, từ Diễn Châu, Nghệ An quê tôi, Bắc đã đi qua các nước Ba Lan, Tây Ban Nha và bây giờ là Đức… Nghe nói cháu chưa có “thẻ xanh”, ở nước này không được thì cháu chạy sang nước kia. Cháu bảo đang đá bóng thì nghe điện anh Văn gọi, cháu liền chạy qua thăm bác. Nhà cháu thuê ở gần đây…

Lúc chia tay tôi, cháu Văn tâm sự, chú là nhà báo, chú nói với bà con làng mình là đi ra nước ngoài phải tìm chỗ tin cậy, chính danh mà xuất cảnh. Đi đâu mà có pháp luật Nhà nước bảo vệ là không sợ một cái gì chú ạ.

Ba chú cháu chia tay nhau, tự nhiên tôi bỗng nghĩ ngôi làng nhỏ của tôi không chỉ còn ở miền Trung mà đã hiển hiện ra thế giới rồi. Nói thì có vẻ hơi quá nhưng phải chăng người làng tôi đi đến đâu biên giới làng mình sẽ vươn tới đó. Chuyện ấy không còn là ước mơ.

Nguyễn Hồng Thái

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/gap-nhung-nguoi-cung-lang-o-berlin-i713794/