Gấp rút hoàn thành mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP
Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Mục tiêu trên được cho là hoàn toàn khả thi khi các chủ thể đã đăng ký số lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP vượt xa con số này.
Đã đánh giá được 205 sản phẩm
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, TP đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 2.167 sản phẩm OCOP. Hiện, 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao và 692 sản phẩm 3 sao. Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Tính đến nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã đăng ký đánh giá, phân hạng tổng số 559 sản phẩm, trong đó có 138 sản phẩm đăng ký đánh giá lại.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Trọng Phan cho biết, vừa qua, Hội đồng OCOP của huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng đối với 30 sản phẩm. Theo đó, có 29 sản phẩm đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận OCOP 3 - 4 sao, 1 sản phẩm chưa đủ điều kiện và cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.
Cùng với huyện Mê Linh, thời gian qua, 6 quận, huyện khác gồm: Thanh Oai, Phú Xuyên, Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn đã thành lập Hội đồng OCOP cấp huyện và tổ chức đánh giá, phân hạng hàng trăm sản phẩm. Đến nay, tổng số sản phẩm đã được các địa phương đánh giá, phân hạng là 205 sản phẩm.
Dự kiến đến giữa tháng 11/2023, các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Đối với sản phẩm tiềm năng 4 sao, Hội đồng OCOP TP Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng; phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2023, trước khi hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền quyết định phân hạng, cấp sao.
Khách quan, công bằng trong thẩm định
Kể từ khi được UBND TP Hà Nội phát động năm 2019, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm, triển khai tích cực của các quận, huyện, thị xã. Cho đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đã có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP từ 3 sao trở lên.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP phấn đấu trung bình mỗi năm có thể đánh giá, phân hạng được từ 400 sản phẩm OCOP trở lên. Tuy nhiên, Hà Nội cũng nhất quán chủ trương không chạy theo số lượng.
“Hội đồng OCOP cấp huyện được thành lập, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP dưới sự tham gia, giám sát từ đại diện các sở, ngành của TP Hà Nội. Thực tế công tác đánh giá, phân hạng thời gian qua tại các quận, huyện, nhiều sản phẩm chưa đủ điều kiện cấp sao OCOP đã được trả lại, yêu cầu cần phải hoàn thiện thêm” - ông Ngọ Văn Ngôn cho biết.
Trong thời gian tới, đại diện Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm đã đăng ký. Trong đó, bên cạnh nâng cao chất lượng, cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến thiết kế mẫu mã, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của sản phẩm.
Hội đồng OCOP cấp huyện bám sát các tiêu chí đã được quy định để tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm một cách khách quan, công bằng; bảo đảm mỗi sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP là xứng đáng. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm giữ vững uy tín và niềm tin đối với thương hiệu OCOP.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gap-rut-hoan-thanh-muc-tieu-phat-trien-san-pham-ocop.html