Gặp triệu chứng tiêu hóa, khi nào nên đến bệnh viện?

Nếu bạn bị đau bụng dữ dội, nôn ra máu, tiêu chảy kéo dài quá 3 ngày hoặc có dấu hiệu mất nước khi bị rối loạn tiêu hóa, đã đến lúc bạn nên đi khám.

 Đau bụng dữ dội, tiêu chảy kéo dài quá 3 ngày là một số dấu hiệu cảnh báo bạn nên đi khám ngay. Ảnh minh họa: Naturveda.

Đau bụng dữ dội, tiêu chảy kéo dài quá 3 ngày là một số dấu hiệu cảnh báo bạn nên đi khám ngay. Ảnh minh họa: Naturveda.

"Tôi có nên đi khám bác sĩ không?". Hầu hết chúng ta đều đã hỏi câu hỏi đó lúc này hay lúc khác. Cho dù đó là một cơn đau bụng, tiêu chảy hay táo bón dai dẳng không thuyên giảm, bạn khó có thể biết khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ.

Theo Family Doctor, không có quy tắc nào cho bạn biết khi nào nên đi hoặc khi nào phải chờ. Nhưng một số hướng dẫn chung có thể giúp ích cho bạn vào lần tiếp theo khi bạn đang cố gắng đưa ra quyết định.

Nguyên nhân gây các vấn đề tiêu hóa

Theo Medical News Today, các vấn đề về tiêu hóa bao gồm táo bón, tiêu chảy, đầy hơi rất phổ biến. Có một số lý do tại sao một người có thể gặp phải chúng.

- Viêm đại tràng: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng rối loạn hệ tiêu hóa. Viêm đại tràng có thể do lỵ amip, shigella,… gây nên hội chứng ruột kích thích.

- Bệnh lý liên quan đến dạ dày: Các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng,… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất.

- Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột: Các vi khuẩn đường ruột có tác dụng điều hòa quá trình tiêu hóa, lên men trong đường ruột. Khi có sự mất cân bằng hệ vi sinh vật này sẽ dẫn đến sự rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột là do lạm dụng kháng sinh, thường gặp nhất ở trẻ em.

- Chế độ ăn uống: Nạp vào cơ thể những thức ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh, những chất có tác dụng không tốt đến đường tiêu hóa đều có thể gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, ăn uống không đúng bữa, không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

- Sử dụng nhiều thức uống có cồn: Đây là nguyên nhân thường gặp ở người lớn. Rượu bia làm mất cân bằng pH dạ dày, rửa trôi các men tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.

Một số tình trạng khác có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm:

Một số bệnh ung thư, như ung thư ruột kết
Nhiễm virus, chẳng hạn norovirus và viêm dạ dày ruột do virus
Nhiễm trùng do vi khuẩn, như E. coli và Salmonella
Ngộ độc thực phẩm
Bệnh nội tiết tố, chẳng hạn bệnh Addison.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Theo hệ thống chăm sóc sức khỏe UPMC (Mỹ), các vấn đề về tiêu hóa có thể bao gồm rối loạn ở đường tiêu hóa trên (thực quản và dạ dày) và đường tiêu hóa dưới (ruột). Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gọi cho bác sĩ của bạn:

Cảm giác như thức ăn mắc vào cổ họng hoặc ngực
Chứng ợ nóng không biến mất, trở nên trầm trọng hơn hoặc không thuyên giảm khi dùng thuốc
Nuốt khó khăn hoặc đau đớn
Khàn giọng hoặc đau họng không khỏi
Buồn nôn sẽ không biến mất
Nôn ra máu hoặc mật (màu xanh lá cây)
Đau bụng dữ dội hoặc dai dẳng
Táo bón hoặc tiêu chảy không khỏi (kéo dài quá 3 ngày)
Phân có màu đen hoặc có máu
Dấu hiệu mất nước (khô miệng hoặc da, mệt mỏi, đi tiểu ít, lú lẫn hoặc khó chịu).

Phương Mai

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gap-trieu-chung-tieu-hoa-khi-nao-nen-den-benh-vien-post1475945.html