GDP tăng 2,58% là một thành công lớn
Năm 2021, GDP ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong bối cảnh vừa phòng chống dịch sát sao vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả này được coi là thành công lớn.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với đầu tư nước ngoài
Nhìn lại năm 2021, sau hai quý đầu lạc quan, mặc dù kinh tế quý III suy giảm chưa từng có trong lịch sử nhưng đà phục hồi đã trở lại trong quý IV. Bức tranh kinh tế có nhiều điểm khởi sắc như hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 phục hồi mạnh mẽ, GDP quý IV tăng 5,22%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của năm 2021 đạt 2,58%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; riêng ngành nông nghiệp tăng 3,18%.
Mặc dù còn không ít thách thức nhưng các doanh nghiệp bước sang năm 2022 có nhiều cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng.
Cùng với đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,17%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,8%; Khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%. Sản xuất công nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2021 khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Một điểm sáng khác là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng cao, năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; kim ngạch nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%, chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 93,5% tổng kim ngạch. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 xuất siêu 4 tỷ USD.
Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc
Trong phòng chống dịch cũng như phục hồi kinh tế, điều đặc biệt ý nghĩa của năm qua là chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng dịch Covid-19 thần tốc với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, độ bao phủ vắc-xin đã tăng lên đáng kể từ đầu tháng 9. Tính đến ngày 27/12/2021, tổng số liều vắc-xin phòng dịch Covid-19 đã được tiêm là 146.335.052 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.138.616 liều; tiêm mũi 2 là 66.402.056 liều; tiêm mũi 3 là 2.794.380 liều. Đối với dân số từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 98,8% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 88,5%.
Trong quý IV, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh về số doanh nghiệp, số vốn đăng ký và số lao động. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới quý IV/2021 đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021.
Đặc biệt, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Ước tính năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Một điểm sáng quan trọng giúp đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế là hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 đạt kết quả khả quan. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế phục hồi nên thu NSNN năm 2021 ước tính đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm. Chi NSNN năm 2021 ước tính đạt 1.839,2 nghìn tỷ đồng, bằng 109% dự toán năm, tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Cũng trong năm 2021, mặc dù lạm phát tăng cao ở nhiều nơi đe dọa đà phục hồi kinh tế, song lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với năm trước. Lạm phát cơ bản năm 2021 tăng 0,81%.
Áp lực lạm phát rất lớn
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế năm 2021 cũng nổi lên không ít thách thức cần phải được lưu ý. Đó là, giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistic... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất tăng 5,51% so với năm 2020; chỉ số giá nhập khẩu phân bón tăng 10,02%; chỉ số giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 18,34%; chỉ số giá nhập khẩu xăng, dầu các loại tăng 44,88%.
Sự phục hồi của thị trường lao động quý IV/2021 chưa bền vững. So với quý trước, số lao động có việc làm trong quý IV/2021 đã có dấu hiệu phục hồi sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên sự phục hồi này chủ yếu do tăng số lao động phi chính thức. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021.
Đến thời điểm ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Sự dịch chuyển lao động này gây ra biến động về số lượng, chất lượng lao động của địa phương nơi đến và nơi đi. Đồng thời ảnh hưởng nhất định tới ổn định đời sống và việc làm của người di cư.
Cũng trong năm 2021, doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng, vốn đăng ký và lao động. Cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước.
Mặc dù còn không ít thách thức và rủi ro chờ đợi ở phía trước, song với những kết quả đạt được, những nền tảng, kinh nghiệm đã có, có thể tin tưởng nền kinh tế bước sang năm 2022 có nhiều cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm tới cũng như cho cả giai đoạn 2021 – 2025.
Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại khoảng 37 tỷ USD
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Thành Phong, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế Việt Nam cả từ phía cung lẫn phía cầu. Giả thiết nếu không có đại dịch thì GDP Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 sẽ tăng trưởng bình quân 7%/năm, tính toán cho thấy năm 2020 Việt Nam thiệt hại khoảng 161,4 nghìn tỷ đồng và năm 2021 khoảng 345,9 nghìn tỷ đồng và cả 2 năm 2020 - 2021 Việt Nam thiệt hại tổng cộng 507,3 nghìn tỷ đồng tính theo giá cố định 2010. Mức thiệt hại này tương đương với khoảng 847 nghìn tỷ đồng theo giá hiện hành 2021 (khoảng 37 tỷ USD).
Để giảm thiệt hại cho nền kinh tế, Việt Nam cần tìm ra các biện pháp, cách thức để nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng. Do đó, cần tìm ra động lực cho những tăng trưởng chính đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Đối với các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đều biết dựa vào thị trường rộng lớn ở bên ngoài và mở rộng quy mô sản xuất, thu ngoại tệ để nhập khẩu những thiết bị cần thiết. Khả năng mở rộng tăng cung cho nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào mức độ đầu tư. Vì thế, các động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế hiện nay là đầu tư để vừa tăng cầu và cũng vừa tăng sản lượng tiềm năng. Tức là mở rộng khả năng cung ứng, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ số để đổi mới cách thức sản xuất, tiêu dùng và đầu tư có hiệu quả.
Việt Nam có lỡ nhịp tăng trưởng?
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, diễn biến tăng trưởng của Việt Nam trong 2 năm đại dịch tương đối khác các nước. Hai năm nay Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhưng đều là tăng trưởng dương, còn các nước khác thì tăng trưởng âm năm 2020 sau đó tăng trưởng cao hơn trong năm 2021.
Đơn cử, thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, năm 2020 Philippines tăng trưởng âm 9,6%, năm 2021 ước tính tăng trưởng dương 5,1%. Tương tự Thái Lan tăng trưởng âm 6,1% năm 2020 và tăng trưởng dương khoảng hơn 1% trong năm 2021. Malaysia tăng trưởng âm 6,5% năm 2020 và ước tính tăng trưởng dương 3,8% năm 2021. Singapore cũng tăng trưởng âm 5,4% năm 2020 và năm nay ước tính GDP tăng 6,9%... Điều này cho thấy Việt Nam không hẳn tăng trưởng thấp hơn nhiều các nước xung quanh mà bởi họ tăng trưởng âm (suy giảm) trong năm 2020 nên năm 2021 đã tăng trưởng cao trên nền thấp của năm 2020. Trong khi đó Việt Nam giữ được tăng trưởng dương trong cả 2 năm. Dự báo năm 2022, Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng cao hơn, nhất là vào quý III và quý IV của năm.
Tập trung vào công nghệ và phát triển bền vững
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler bày tỏ sự tin tưởng rằng Việt Nam đang phục hồi từ khủng hoảng Covid-19, nhất là khi Việt Nam là nước có thế mạnh là năng lực sản xuất. Theo ông, có hai xu hướng chính mà nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới. Thứ nhất là phát triển bền vững và thứ hai là công nghệ, chính xác hơn là số hóa.
“Về vấn đề phát triển bền vững, Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều ở khía cạnh này, bởi Việt Nam có nền nông nghiệp rất vững mạnh. Chúng ta đang tiến tới kỷ nguyên của những giải pháp nhanh hơn, bằng cách ứng dụng công nghệ, sử dụng các ứng dụng nhưng đồng thời chúng ta cũng sản xuất một cách bền vững. Điều này là rất tốt cho các sản phẩm của Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam, và cho cả nền kinh tế thế giới, khi chúng ta chú trọng đến việc sản xuất hàng hóa một cách bền vững. Thứ hai, về công nghệ, Việt Nam có nhiều start up và một cộng đồng doanh nghiệp rất trẻ trung và sáng tạo. Họ nên chú trọng vào công nghệ, và làm thế nào để đưa những tiến bộ về công nghệ vào các ngành công nghiệp cơ bản, ví dụ như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, và tất nhiên cả vào ngành sản xuất, chế biến chế tạo, và nông nghiệp”, ông Philipp Rosler chia sẻ.