GDP Việt Nam 2025 hướng tới 500 tỷ USD, tăng trưởng trên 8%

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, đưa quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP.

Mục tiêu vào top 30 nền kinh tế lớn thế giới

Trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, đưa quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD.

Với mục tiêu này, nền kinh tế Việt Nam dự kiến đứng thứ 30 toàn cầu, tăng hai bậc so với hiện nay. Trước đó, năm 2024, quy mô GDP đạt khoảng 476 tỷ USD.

Đánh giá tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng; thương mại, đầu tư quốc tế suy giảm, Thủ tướng cho rằng, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 11 nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng

Thứ nhất là theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, phấn đấu tăng thu ngân sách trên 15%, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển.

Chính sách tiền tệ cần được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Tỷ giá, lãi suất cần được điều tiết phù hợp; đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch; quyết liệt thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới, nhất là với các quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao, các khu vực tiềm năng, tăng cường xúc tiến thương mại.

Các bộ ngành chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đồng thời, các bộ ngành khẩn trương ban hành nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới; khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

Ở trong nước, kế hoạch tổng thể kích cầu tiêu dùng cần triển khai hiệu quả; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông nghiệp; ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật.

Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Các bộ ngành khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm cần tổng kết hoạt động để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, nhất là các cơ chế, chính sách Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Việc phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới cần sớm xây dựng chính sách đặc thù.

Đáng chú ý, trong năm 2025, Thủ tướng yêu cầu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính.

Trung tâm phục vụ hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh số hóa, bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thực hiện thủ tục không phụ thuộc địa giới hành chính.

Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để", tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (2013).

Các bộ ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30/6/2025, bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế

Thứ tư làđẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính.

Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả các phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được phê duyệt. Đồng thời, các bộ ngành cần tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.

Đặc biệt, các bộ ngành cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao, phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh thu hút, đa dạng hóa đối tác và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư FDI, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…; thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Việc cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực cần được thực hiện hiệu quả, trong đó nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh một số ngành công nghiệp nền tảng (như năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng…); phát triển đột phá các ngành mới nổi (như chip, bán dẫn, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo…), thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia.

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng "nông nghiệp xanh - sản phẩm sạch - công nghệ cao - thị trường bền vững"; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm chủ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ thẻ vàng IUU.

Ngành du lịch cần phát triển với phương châm "sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện - giá cả cạnh tranh - môi trường sạch đẹp - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".

Chương trình kích cầu du lịch 2025 cần thực hiện tốt; phấn đấu năm 2025 thu hút 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế. Mô hình "cảng miễn thuế" cần sớm xây dựng để góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn.

Phát triển hạ tầng giao thông và chất lượng nguồn nhân lực

Thứ năm, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025, các dự án cao tốc trục Đông - Tây và các dự án quan trọng, động lực khác; phấn đấu đến cuối năm 2025 thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Các bộ ngành hoàn thành thủ tục và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn Vinh - Thanh Thủy); cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và cảng Hòn Khoai.

Với ngành điện, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cần triển khai hiệu quả; hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án điện, truyền tải quan trọng; tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào; phấn đấu tăng trưởng điện năng toàn hệ thống khoảng 12,5 - 13%.

Thứ sáu, Thủ tướng yêu cầu chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân…

Các bộ ngành cần sớm ban hành chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học cơ bản, văn hóa, nghệ thuật với lãi suất ưu đãi và hạn mức vay phù hợp với học phí, chi phí sinh hoạt, bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân.

Nhân dân phải được thụ hưởng thành quả phát triển

Thứ bảy, Thủ tướng nhấn mạnh việc đầu tư cho phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và nhân dân phải được thụ hưởng thành quả văn hóa, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng đề án phát triển công nghiệp giải trí.

Trong năm 2025, Thủ tướng yêu cầu phải cơ bản xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội, thành lập "quỹ nhà ở xã hội quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ.

Thứ tám là tập trung, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh dự báo, kịp thời ứng phó thiên tai, mưa bão, sớm triển khai các biện pháp phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết", giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP. HCM và các vùng lân cận.

Thứ chín là nắm chắc diễn biến, tình hình khu vực và thế giới, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, phát triển khoa học công nghệ quân sự, sản xuất vũ khí, trang bị công nghệ cao, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Thứ mười là kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao khoa học, công nghệ; thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn.

Mười một là chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt, đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trước bối cảnh thế giới đầy biến động và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới, với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra của cả giai đoạn 2021 - 2025.

An Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/gdp-viet-nam-2025-huong-toi-500-ty-usd-tang-truong-tren-8-d39997.html