Nợ thuế ở mức cao, cần có giải pháp tích cực hơn nữa thu hồi nợ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, nợ thuế hiện vẫn ở mức cao, tổng nợ thuế nội địa đến 30/4/2025 ước khoảng 222,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so thời điểm 31/12/2024. Vì vậy cần có giải pháp tích cực hơn nữa trong thu hồi nợ thuế, góp phần bảo đảm thu ngân sách nhà nước.

Báo cáo thẩm tra, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước NSNN năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng, với kết quả thu NSNN năm 2024 tăng cao so với dự toán thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của Quốc hội, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2024 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2025 và nhiều năm gần đây chưa thực sự sát thực tiễn. Đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về tình hình hoàn thuế VAT năm 2024, bảo đảm tính chính xác về số liệu, tính kịp thời trong công tác hoàn thuế; tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tăng thu từ khoản thu này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi.

Về thực hiện nhiệm vụ chi NSNN năm 2024, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị báo cáo rõ hơn: Nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục về việc giải ngân nguồn vốn ngoài nước; Việc thực hiện yêu cầu cắt giảm nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai năm 2024, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; Nguyên nhân giảm số chi trả nợ gốc so với dự toán, đề nghị việc bố trí chi trả nợ gốc cần bảo đảm đầy đủ, đúng hạn.

Về cân đối NSNN năm 2024, theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, việc giảm bội chi NSNN có nguyên nhân do hủy dự toán vốn vay ngoài nước, cắt giảm kế hoạch vốn, các nhiệm vụ chi không thực hiện, không được chuyển nguồn sang năm sau. Điều này cho thấy, việc giảm bội chi NSTW, bội chi NSNN chưa mang tính hiệu quả cao; mặt khác, việc cắt giảm từ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển không giải ngân được sẽ giảm động lực tăng trưởng kinh tế.

Đối với việc triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế và Tài chính về cơ bản tình hình hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán và thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN đã bảo đảm thời gian quy định. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về số kinh phí thường xuyên chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương, đồng thời, quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành đôn đốc, khẩn trương phân bổ, giao số dự toán còn lại.

Đối với các địa phương, về thu nội địa, phần lớn các địa phương lập dự toán thấp, nhưng lại giao cao hơn so với dự toán trung ương giao cho thấy công tác lập dự toán còn chưa sát, vẫn còn dư địa để tăng thu NSNN. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có giải pháp khắc phục.

Các khoản dự toán NSTW năm 2025 chưa phân bổ: Số kinh phí còn lại chưa phân bổ là khá lớn chiếm khoảng 77,4% số kinh phí chưa phân bổ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương xây dựng phương án phân bổ, trình Chính phủ theo đúng quy định, tránh gây áp lực giải ngân vào cuối năm, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Về thu NSNN những tháng đầu năm, theo Báo cáo của Chính phủ, hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá so với dự toán. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi bày tỏ, nợ thuế hiện vẫn ở mức cao, tổng nợ thuế nội địa đến 30/4/2025 ước khoảng 222,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so thời điểm 31/12/2024. Đề nghị cần có giải pháp tích cực hơn nữa trong thu hồi nợ thuế, góp phần bảo đảm thu NSNN.

Về chi và cân đối NSNN, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ sớm có phương án phân bổ đối với nguồn kinh phí sự nghiệp chưa phân bổ và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi ĐTPT.

Về chi cho các CTMTQG, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo cụ thể, rõ hơn về: Tình hình triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó làm rõ tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chuyển nguồn sang năm 2025 đã được Quốc hội cho phép; Tình hình thực hiện, giải ngân vốn ODA, các giải pháp khắc phục tình trạng giải ngân chậm, phải thực hiện hủy dự toán, trong đó có việc nghiên cứu chế tài xử lý đối với việc trả lại kế hoạch vốn do nguyên nhân chủ quan.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi NSNN, nợ công, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt chẽ chi NSNN, siết chặt hơn chi thường xuyên, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi có nguồn đảm bảo.

Điều hành chi ngân sách chủ động, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát bội chi và nợ công trong giới hạn an toàn; mở rộng hợp lý chính sách tài khóa để thúc đẩy đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/no-thue-o-muc-cao-can-co-giai-phap-tich-cuc-hon-nua-thu-hoi-no-d58140.html