Thương mại điện tử nội địa cần làm gì để không bị 'lép vế'?

Thương mại điện tử nội địa cần phải có những thay đổi gì để tiếp tục phát triển và tránh 'lép vế' so với thương mại điện tử xuyên biên giới?

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng đã trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, sự gia tăng hiện diện của các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt đối với hoạt động của những sàn thương mại điện tử nội địa. Điều này đòi hỏi thương mại điện tử nội địa phải có những thay đổi để phát triển và tránh “lép vế” so với thương mại điện tử xuyên biên giới.

Để làm rõ hơn vấn đề trên, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) về thực trạng quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay, cũng như những giải pháp giúp thương mại điện tử nội địa phát triển hơn trong tương lai.

Yêu cầu minh bạch thông tin về chất lượng hàng hóa

- Xin bà cho biết, hiện nay công tác quản lý các doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới đang được thực hiện ra sao?

Bà Lê Thị Hà: Đối với việc đưa các sản phẩm hàng hóa và thông tin về sản phẩm hàng hóa lên sàn thương mại điện tử nói chung, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm duyệt thông qua đơn vị chủ quản của nền tảng.

Trong đó, đối với những nền tảng số trung gian hay những sàn giao dịch thương mại điện tử thì buộc đơn vị chủ quản phải thực hiện việc đăng ký với nhà nước cho các nền tảng này. Theo thống kê của chúng tôi, trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thì hiện có khoảng 1.000 nền tảng trung gian thương mại điện tử như vậy.

Ngoài việc đăng ký với Bộ Công Thương, các sàn, nền tảng phải có trách nhiệm minh bạch thông tin và yêu cầu những người bán trên các nền tảng cung cấp các thông tin về hàng hóa, điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hóa.

Chủ quản nền tảng cũng phải yêu cầu người bán trên nền tảng có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng khi sản phẩm, hàng hóa có vấn đề.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như: Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Bộ Công an để quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, cảnh báo kịp thời đến người tiêu dùng về những vấn đề liên quan tới chất lượng hàng hóa trên thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế (Bộ Công Thương) trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công Thương. Ảnh: Phong Lâm

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế (Bộ Công Thương) trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công Thương. Ảnh: Phong Lâm

- Vậy theo bà, việc quản lý đối với sàn thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ được thực hiện như thế nào để tạo sự công bằng đối với các sàn nội địa?

Bà Lê Thị Hà: Hiện nay, Bộ Công Thương với trách nhiệm được Chính phủ giao đang tiến hành quản lý một cách công bằng đối với nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và nền tảng thương mại điện tử nội địa dựa trên các quy định pháp luật của Việt Nam.

Ngoài ra, đối với những nền tảng xuyên biên giới không có pháp nhân tại Việt Nam nhưng đáp ứng các cái tiêu chí như: Sử dụng tên miền Việt Nam (.vn), lượng giao dịch đạt 100.000 hoặc có ngôn ngữ thể hiện bằng tiếng Việt thì bắt buộc những nền tảng này phải đáp ứng các yêu cầu, quy định giống như các nền tảng nội địa.

Chúng tôi cũng yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tôn trọng pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, đáp ứng các quy định của pháp luật của Việt Nam trước khi chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam.

- Theo bà, nguyên nhân nào dẫn tới việc một số sàn thương mại điện tử nội địa ở thế “yếu” hơn trong cuộc cạnh tranh với các sàn thường mại điện tử xuyên biên giới?

Bà Lê Thị Hà: Mặc dù đã được tạo nhiều cơ hội thuận lợi nhưng thời gian qua vẫn có những sàn thương mại điện tử hoạt động chưa hiệu quả tại Việt Nam. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố.

Ngoài vấn đề về hạ tầng, pháp lý, các sàn còn vấp phải sự cạnh tranh của chính những sàn khác trong nội địa Việt Nam. Con số mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ghi nhận (1.000 nền tảng số trung gian) cũng phần nào cho thấy mặt bằng cạnh tranh giữa các sàn hiện nay không hề nhỏ.

Đó là chưa kể đến những nền tảng mang tính chất là sản phẩm số, những nền tảng về AI và những nền tảng có thể tiếp cận người bán hàng qua các diễn đàn rao vặt. Số lượng nền tảng nhiều tạo ra sức cạnh tranh rất lớn.

Một nền tảng số có thể tồn tại hàng trăm nghìn người bán hàng và sự cạnh tranh đối với từng sản phẩm cũng vì thế mà tăng theo. Đây chính là thách thức đối với các sàn thương mại điện tử nội địa.

Thay đổi để tăng sức cạnh tranh

- Xin bà cho biết, trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới đang gia tăng và tạo nên sức ép cạnh tranh lớn, các sàn thương mại nội địa cần làm gì để không bị “lép vế”?

Bà Lê Thị Hà: Tôi cho rằng, hiện nay thị trường thương mại điện tử là một sân chơi mở. Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và nội địa đang cùng tham gia sân chơi thì việc loại trừ nhau là không cần thiết. Thay vào đó, cần bắt tay, hỗ trợ nhau để cùng phát triển.

Đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương mong muốn họ đẩy mạnh nhập khẩu các hàng hóa từ bên ngoài vào thị trường nội địa thì họ cũng sẽ hỗ trợ ngược lại cho chính doanh nghiệp của Việt Nam để đưa các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Trở lại với câu chuyện của các sàn thương mại điện tử nội địa, theo tôi, ngoài hạ tầng kỹ thuật thì việc làm sao để đảm bảo chất lượng hàng hóa, sản phẩm phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu cũng là một vấn đề rất quan trọng, thậm chí mang tính chất quyết định.

Bởi vì hạ tầng chỉ mang tính chất như những “cánh tay nối dài”, mang tính hỗ trợ. Nếu sản phẩm của chúng ta không đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu thì việc tiếp cận thị trường quốc tế sẽ rất khó khăn. Giải pháp quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa trên sàn.

Thêm vào đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần cập nhật về công nghệ, những thay đổi từ hành vi, thái độ của tiêu dùng. Trên thực tế đã có nền tảng đang dần áp dụng những cơ chế mới, công nghệ mới ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI).

Sự hiện diện của công nghệ sẽ làm tăng gắn kết người tiêu dùng với các nền tảng. Nếu thông tin hàng hóa trên nền tảng minh bạch, chất lượng tốt thì người tiêu dùng sẽ còn quay lại trong những lần mua hàng sau.

Trong tương lai, công nghệ sẽ tác động và làm thay đổi hơn nữa hành vi của người tiêu dùng và sân chơi thương mại điện tử sẽ tiếp tục được mở rộng. Điều này đòi hỏi các sàn thương mại điện tử nội địa phải có những thay đổi để làm sao có thể cạnh tranh được với sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong đó, cần chú trọng việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tương đương thậm chí cao hơn để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Sự cạnh tranh giữa thương mại điện tử xuyên biên giới và thương mại điện tử nội địa chắc chắn sẽ giúp người dùng được hưởng lợi.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua.

Theo kết quả điều tra thực hiện bởi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng hơn 25% và tỷ trọng thương mại điện tử chiếm trên 9% tổng doanh thu bán lẻ.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-dien-tu-noi-dia-can-lam-gi-de-khong-bi-lep-ve-386106.html