GDP Việt Nam năm 2024 có thể tăng 6,95%, vượt xa so với mục tiêu

CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, trong đó với kịch bản cao nhất, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024.

Tại buổi hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024” diễn ra vào sáng 9/7, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với những thuận lợi đan xen với khó khăn.

Theo bà Minh, các yếu tố xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược về khoa học công nghệ, thương mại giữa các nước lớn đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

 TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: ĐT)

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: ĐT)

Dù vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo dựng nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thường xuyên theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để đánh giá, phân tích, dự báo và kiến nghị các giải pháp điều hành phù hợp.

Trong đó, tư duy điều hành đã nhấn mạnh hơn yêu cầu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, giữ tỷ giá và lãi suất. Ưu tiên cho tăng trưởng tiếp tục dựa trên các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu.

“Lãnh đạo Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, trong đó có việc phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế ban đêm...”, bà Minh nói.

Nhờ đó, kinh tế nhận được một số tăng trưởng lớn, như GDP 6 tháng đầu năm ghi nhận mức 6,42%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.

Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Lạm phát có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm có nguyên nhân từ cả các yếu tố tăng tổng cầu và tăng chi phí sản xuất - kinh doanh, song tăng chi phí sản xuất - kinh doanh có tác động chủ yếu.

Diễn biến lạm phát trong sáu tháng đầu năm còn chịu tác động giảm do một số yếu tố như giá nhiều hàng hóa trên thế giới giảm, thể hiện qua việc chỉ số giá nhập khẩu (tính theo USD) giảm với một loạt mặt hàng; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm 2024 giảm 1,41%;....

Tỷ giá VND/USD đã tăng tương đối nhanh trong 6 tháng đầu năm 2024. Tại thời điểm 28/6, tỷ giá trung tâm ở mức 24.260, tăng 1,07% so với thời điểm cuối tháng 3/2024, và tăng 1,65% so với cuối năm 2023.

Dù vậy, tỷ giá VND/USD nhìn chung ổn định hơn so với chỉ số USD-Index. Trung bình 6 tháng qua, mức độ biến động của tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tương ứng bằng 59,2% và 73,1% so với chỉ số USD-Index.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm (theo giá hiện hành) ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 27,7% GDP, tăng 6,8% (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, mức tăng đạt 2,6%).

Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng chủ yếu là nhờ đóng góp của vốn đầu tư ở khu vực tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài.

Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm là một điểm sáng, với tăng trưởng dương về cả số dự án và vốn đăng ký mới, tổng vốn đăng ký (bao gồm vốn tăng thêm, vốn góp, mua cổ phần), và vốn thực hiện.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7%.

Trong đó, xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%, còn nhập khẩu đạt 178,5 tỷ USD, tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư khoảng 11,63 tỷ USD.

 Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: ĐT)

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: ĐT)

Trên những cơ sở tăng trưởng đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.

Trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.

Trong kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gdp-viet-nam-nam-2024-co-the-tang-695-vuot-xa-so-voi-muc-tieu-post302738.html