Gen Z đang phải đối mặt với 'khủng hoảng bản sắc'

Khủng hoảng bản sắc (Identity Crisis) xảy ra khi chúng ta không biết rõ bản thân mình là ai, ưu điểm, yếu điểm, mong muốn trở thành người như nào hay làm gì.

 Ảnh minh họa từ bộ phim Cluless. Nguồn: PureNow.

Ảnh minh họa từ bộ phim Cluless. Nguồn: PureNow.

Theo nhà tâm lý học Erik Erikson, cuộc đời con người trải qua tám giai đoạn phát triển tâm lý và mỗi giai đoạn có sự xuất hiện của những cuộc khủng hoảng khác nhau. Khủng hoảng bản sắc thường xuất hiện ở giai đoạn thứ năm, rơi vào độ tuổi khoảng mười hai đến mười tám tuổi. Song hiện nay, cuộc khủng hoảng này có thể thường xuyên xảy ra ở độ tuổi từ hai mười đến ba mươi khi con người có những chuyển biến về tuổi tác, môi trường, công việc...

Thật ra khủng hoảng bản sắc không hề xấu mà ngược lại, những cuộc khủng hoảng như thế này sẽ thôi thúc chúng ta giải quyết những mâu thuẫn trong mỗi cá nhân để tìm ra định hướng cho mình. Tuy vậy, những cuộc khủng hoảng bản sắc không hề dễ vượt qua, không phải vượt qua rồi thì đồng nghĩa với việc đã tìm ra đáp án cho câu hỏi: "mình là ai".

Mình là một đứa thích rất nhiều thứ, nói đúng hơn là cái gì cũng thích, cái gì cũng muốn làm. Mình tự ví mình là một con thiêu thân, thấy ánh sáng, thấy hào quang là nhảy vội vào mà chẳng thèm suy nghĩ gì. Vì cái tính này nên mình lại càng không biết mình thật sự muốn làm gì nhất trong cuộc sống. Như mình đã giới thiệu ở phần đầu, giữa hàng tá công việc mình muốn theo đuổi thì cuối cùng mình cũng rút gọn được về ba lựa chọn cuối cùng: Người truyền cảm hứng, tư vấn chiến lược và chuyên gia rượu vang.

Theo đuổi cả ba ngành cùng một lúc là bất khả thi và kết quả sẽ chẳng đi đến đâu. Nhưng mình lại không biết ngành nào phù hợp nhất với mình và niềm đam mê với lĩnh vực nào mạnh mẽ nhất. Mình rơi vào trạng thái nếu chọn cái này bỏ cái kia thì sẽ tiếc, nhưng đổi ngược lại thì cũng không đành lòng. Mọi người thường khuyên mình đừng tham, rõ ràng mình biết vấn đề của mình ở đâu, rằng mình chỉ nên chọn một cái. Thế nhưng đâu dễ để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: "Rốt cuộc mình muốn cái gì".

Khi đặt nan đề "mình là ai" vào bối cảnh xã hội bên cạnh sự phát triển của những người xung quanh, tự nhiên chúng mình sẽ so sánh bản thân với những người khác và vô thức hạ thấp chính mình trong hành trình tìm lại bản thân. Xã hội bây giờ đánh giá quá cao việc thành công sớm, có trình độ học vấn, phải xây dựng hình ảnh cá nhân. Thế nhưng mấy ai hiểu cho những đứa còn chưa biết mình muốn gì đã phải vội vã tìm một con đường để đi.

Sau khoảng thời gian đó, mình quyết định trải nghiệm mỗi thứ một ít với những cách ít tốn kém nhất. Mình vẫn sáng tạo nội dung, đồng thời đăng ký thêm các lớp học trực tuyến về giải Business Case, thử tổ chức một dự án truyền thông về ngành Management Consulting để có thêm kiến thức. Bên cạnh đó, mình đăng ký một khóa học chứng chỉ rượu vang ngắn hạn để thử xem mình hứng thú với bộ môn này đến đâu.

Bẵng đi một thời gian, dịch Covid-19 đỡ hơn, mình quay về với cuộc sống bình thường. Sáng quản lý nhà hàng, tối về mình làm dự án, học rượu và sáng tạo nội dung online. Dần dần mình tìm thấy đam mê lớn với rượu vang. Mình có thể nghe giảng mấy tiếng đồng hồ về điều này. Trong khi đó, lớp học Business Case lại khiến mình ngáp ngắn ngáp dài. Cuối năm 2021, mình đã ứng tuyển vào vị trí Junior Sommelier để thực sự trải nghiệm cuộc sống, công việc của một chuyên gia về rượu.

Thật ra bây giờ mình vẫn chưa hoàn toàn trả lời được câu hỏi: "Mình là ai trên cuộc đời này?". Dù đã chọn được con đường, nhưng mình vẫn còn rất mông lung trên con đường này và đôi khi vẫn ngoái nhìn sang lựa chọn khác. Mỗi khi mông lung mình lại tặc lưỡi tự nhủ, mình đang trong tuổi tập lớn mà đâu ai bắt mình phải chắc chắn tất cả các quyết định là đúng.

Hoàng Phương Linh/Bloom Books & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gen-z-dang-phai-doi-mat-voi-khung-hoang-ban-sac-post1439434.html