Tết Nguyên đán, bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ. Dù bận rộn đến mấy, nhiều gian bếp vẫn đỏ lửa nấu bánh vào những ngày cuối tháng Chạp để cầu mong một năm đủ đầy. Năm nay, nhiều bạn trẻ khoe những chiếc bánh chưng tự gói từ ngày 27 tháng Chạp, góp phần lan tỏa không khí náo nức, hân hoan. Ảnh: Lê Thu Thiên Trang.
Mỗi dịp Tết, Phương Phạm (sống tại Hà Nội) lại về quê sớm để gói bánh chưng. Cô cho biết gia đình vẫn duy trì hoạt động gói bánh từ chục năm nay, kĩ thuật xếp lá vuông vắn được ông nội truyền dạy. Chiếc khuôn gói bánh cả năm mới có dịp "tỏa sáng" cũng được cọ rửa chờ khô từ sớm. Công đoạn đầu tiên là xếp vài lớp lá dong và rải một lần gạo, đặt nhân đỗ, thêm thịt lợn đã ướp sẵn, lại rải một lớp đỗ, gạo và gói lại, buộc chặt bằng dây lạt. Ảnh: Phương Phạm.
Mất 5 tiếng gói bánh chưng, Nguyễn Hồng Anh (sống tại Sơn La) chia sẻ: "Gói bánh mất nhiều thời gian chuẩn bị, ngồi gói xong gần trăm chiếc rất mỏi lưng, nhưng lại tạo được không khí. Tết năm trước, tôi ngồi 3 ngày để gói 300 chiếc, không ngờ mình lại gói được dù những năm trước chỉ biết ăn và chơi". Ảnh: Nguyen Hong Anh.
Không chỉ có những người lớn, những năm gần đây, nhiều bạn trẻ cũng hào hứng trải nghiệm gói bánh chưng để cảm nhận không khí của những ngày cận Tết. Hoạt động truyền thống này được ví như một dịp sum họp giữa nhiều thế hệ trong gia đình. Ảnh: Ngọc Dung.
Kim Khánh (sống tại Hà Nội) cho rằng hoạt động gói bánh chưng khiến cô hào hứng hơn cả những bữa cơm. "Nhà tôi thường tụ họp trước Tết nhiều ngày để vo gạo, ngâm đỗ, ướp thịt lợn và cẩn thận gói bánh. Khi luộc, hương thơm bay khắp nhà, báo hiệu Tết đã đến. Dù còn trẻ, tôi vẫn thích tự gói bánh, thích cảnh cả nhà cùng nhau làm món ăn này, đồng thời tôn vinh bản sắc văn hóa Việt và mong chờ một năm thịnh vượng phía trước", Khánh bày tỏ. Ảnh: Kim Khánh.
Để có một chiếc bánh chưng đẹp và chuẩn, lá dong phải chọn lá bánh tẻ, kích thước vừa vặn để khi gói không bị rách. Gạo nếp vo sạch để ráo nước và xóc cùng muối hạt. Một số nhà còn cho thêm nước lá giềng cho bánh lên màu xanh mướt. Công đoạn gói bánh cũng phải khéo léo để gạo và nhân bên trong vừa khít, chín đều và giữ được hình dáng sau khi luộc. Ảnh: Hương Huỳnh.
Tết năm nay, Thùy Linh (sống tại TP.HCM) cùng bố mẹ ở lại TP.HCM đón Tết, không về Thanh Hóa như mọi năm. Lần đầu gói bánh chưng, Gen Z này bày tỏ: "Tết phải có bánh chưng trên bàn ăn, loại bánh này rất khó làm nên tôi khá hồi hộp. Tôi loay hoay đến cái thứ 4 mới gói đẹp, nhưng lòng lại thấy rộn ràng. Dù bánh đẹp hay không, tôi vẫn vui vì được ăn chiếc bánh do chính tay mình gói", cô nói. Ảnh: Thùy Linh Đinh.
Trúc Hồ