Ghế ngồi ô tô cho trẻ đắt hàng

Theo quy định mới, người điều khiển ô tô có thể bị phạt đến 1 triệu đồng nếu chở trẻ em dưới 10 tuổi ngồi ở hàng ghế trước hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Quy định này đã kích hoạt thị trường ghế ngồi ô tô cho trẻ em.

Doanh số tăng đột biến

Sáng 5/2 tại cửa hàng Chilux trên phố Xã Đàn (Hà Nội), nhân viên bán hàng tại đây cho biết, từ khi có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô (CRS), sản phẩm này đang "cháy hàng".

Ghế trẻ em giúp trẻ an toàn hơn khi di chuyển bằng ô tô.

Ghế trẻ em giúp trẻ an toàn hơn khi di chuyển bằng ô tô.

Còn đại diện cửa hàng Vinaquick (Hoàng Văn Thái, Hà Nội) cho biết, trước khi quy định về CRS được luật hóa, mỗi tháng chỉ bán ra từ 30-40 chiếc ghế trẻ em, nhưng nay doanh số tăng đột biến, lên tới cả trăm chiếc mỗi tháng. Dự báo nhu cầu sẽ còn tăng mạnh.

Đại diện kinh doanh ghế trẻ em của Protec tại Hà Nội cho hay, dù không thống kê lượng bán ra cụ thể song nhu cầu của khách hàng đã tăng mạnh. Ghế trẻ em Protec hiện chỉ có một dòng sản phẩm duy nhất có giá khoảng 1,5 triệu đồng.

Theo khảo sát từ Công ty TNHH Thiết bị và Sản phẩm an toàn Việt Nam Protec, tại Việt Nam hiện có khoảng 10 nhãn hàng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, với 47 sản phẩm, chủ yếu dành cho đối tượng từ 0-54,5kg, phổ biến nhất là dành cho đối tượng từ 0-36kg.

Đa dạng mẫu mã, mức giá

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại một số cửa hàng kinh doanh ghế trẻ em ở Hà Nội, ghế trẻ em trên thị trường hiện chủ yếu có hai loại, sử dụng ISOFIX hoặc cài bằng đai an toàn của xe (với xe không có ISOFIX). Kích cỡ các loại ghế thường theo cân nặng, độ tuổi. Giá bán từ 2-3 triệu đồng cho tới hơn 10 triệu đồng.

Thực tế lâu nay nhiều phụ huynh đã tự trang bị ghế trẻ em cho con. Chị Phạm Thị Yến (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã sử dụng ghế trẻ em cho con gái khi lưu thông bằng ô tô cho biết: "Tôi sử dụng ghế trẻ em cho con từ lúc con 3 tuổi, đến nay đã gần 2 năm. Lần đầu con hào hứng nhưng được một lúc thì muốn trèo ra vì gò bó.

Để thuyết phục, tôi cho con xem thêm hình ảnh một số vụ tai nạn để cảnh báo. Sau khoảng một tháng kiên trì, con đã quen dần".

Còn chị Nguyễn Cẩm Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) đã cho con sử dụng ghế trẻ em từ lúc con mới chỉ hơn 5 tháng tuổi cho hay: "Hồi nhỏ con cảm thấy ngồi ghế bị gò bó nên rất hay tự tháo dây đai trèo ra ngoài. Cũng phải đến hai năm nay chiếc ghế bị cất đi không sử dụng nữa. Nhưng chắc chắn tôi phải kiên quyết hơn".

Theo chị Nguyễn Thị Lan, đại diện cửa hàng Vinaquick Hà Nội, chính vì cần có thời gian để trẻ làm quen và chịu ngồi ghế trẻ em trên ô tô nên các bậc phụ huynh sẽ sắm ghế sớm hơn so với mốc xử phạt.

Quy chuẩn phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Lý Hùng Anh, chuyên gia người Việt duy nhất trong Hội đồng Kỹ thuật ASEAN NCAP (Chương trình đánh giá xe mới của Đông Nam Á) cho biết, trên thế giới có hai bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô gồm: Tiêu chuẩn kỹ thuật số 44 của Ủy ban Kinh tế châu Âu (R44) và tiêu chuẩn kỹ thuật số 129 của Liên hợp quốc (R129).

Nhu cầu tìm mua ghế trẻ em đang tăng cao sau khi quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô được luật hóa.

Nhu cầu tìm mua ghế trẻ em đang tăng cao sau khi quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô được luật hóa.

Nếu tiêu chuẩn R44 phân loại thiết bị dựa trên cân nặng và độ tuổi của trẻ thì tiêu chuẩn R129 phân loại dựa trên chiều cao, giúp đơn giản hóa việc lựa chọn ghế cho cha mẹ.

Trước khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em dùng trên xe ô tô (QCVN 123:2024/BGTVT) đã được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, để tạo thuận lợi và đảm bảo tính khả thi khi áp dụng, về cơ bản quy chuẩn sẽ áp dụng song song quy định tại cả hai tiêu chuẩn R44 và R129. Đồng thời, có lộ trình để chuyển đổi theo hướng chỉ áp dụng tiêu chuẩn R129.

PGS.TS Lý Hùng Anh đánh giá, QCVN 123:2024/BGTVT đã được xây dựng đúng với những gì mà nhiều chuyên gia đã góp ý thông qua các hội thảo: "Việt Nam áp dụng đồng thời cả hai tiêu chuẩn khuyến khích được người đi ô tô sử dụng theo khả năng tài chính và nhu cầu an toàn của họ".

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định, từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp.

Theo PGS.TS Lý Hùng Anh, để triển khai hiệu quả quy định trẻ em đi ô tô phải ngồi ghế an toàn, cơ quan chức năng cần có kế hoạch tập huấn và trang bị kiến thức cần thiết cho từng đối tượng như người bán, người sử dụng, CSGT…

Thanh Tùng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/ghe-ngoi-o-to-cho-tre-dat-hang-192250206190906947.htm