Ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi ở người lớn
Bệnh nhân là nam, 51 tuổi, có bệnh nền phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường type II, tăng huyết áp.
Tối 10.4, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới Bạch Mai (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Bệnh viện vừa ghi nhận trường hợp mắc sởi tử vong là nam bệnh nhân N.Đ.H, 51 tuổi, thường trú tại Hà Nội.
Bệnh nhân có bệnh nền phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường type II, tăng huyết áp. Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện ho khan, sốt, khó thở, ban đỏ nổi từ mặt xuống thân mình.

Một bệnh nhân sởi nặng ở người lớn điều trị tại Viện Y học nhiệt đới Bạch Mai
Nam bệnh nhân được đưa vào nhập viện điều trị 4 ngày, sau đó khó thở tăng dần, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học nhiệt đới Bạch Mai với chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi, được xử trí thở oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi (HFNC).
Sau đó, bệnh nhân khó thở tăng dần, được đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau 2 ngày điều trị hồi sức, bệnh nhân xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, ngừng tuần hoàn; được các bác sĩ cấp cứu, bệnh nhân có mạch trở lại. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng.
Tình trạng của bệnh nhân ngày một nặng lên, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu và chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) để cứu tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân không đáp ứng và đã không qua khỏi.
Đây là ca tử vong do bệnh sởi người lớn đầu tiên ở nước ta trong năm 2025.
Theo Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới Bạch Mai, so với mọi năm, số bệnh nhân mắc sởi vào viện điều trị có biến chứng nặng hơn. Độ tuổi trung bình mắc sởi nhập viện từ 30 - 65 tuổi, có bệnh nhân 70 tuổi vẫn mắc sởi biến chứng nặng và phải thở máy. Điều này cho thấy sởi không thể chủ quan, dù là người lớn mắc sởi thì nguy cơ biến chứng nặng cũng cao.
Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai cũng cho biết thêm, có đến 75% bệnh nhân không nhớ mình có tiêm chủng hay không.
Từ cuối năm 2024 đến nay, Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai đã khám, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mắc sởi, trong đó ghi nhận nhiều ca diễn biến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, một số ca phải thở máy xâm nhập, can thiệp ECMO.
Các chuyên gia cho biết, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và người chưa có miễn dịch nguy cơ mắc sởi cao và gặp các biến chứng nặng như viêm phổi, tiêu chảy cấp, viêm loét giác mạc dẫn đến mù lòa, tổn thương gan…
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC thông tin, hiện nhiều người lớn còn chủ quan, cho rằng sởi chỉ xuất hiện ở trẻ em nên không chú ý tiêm vắcxin và khám bệnh, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Chính chỉ ra 3 nhóm có nguy cơ cao mắc sởi cần phòng ngừa bằng vắcxin càng sớm càng tốt.
Nhóm có bệnh nền: Người có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy thận, ung thư… dễ bị sởi tấn công và gây bội nhiễm, dẫn đến biến chứng nặng.
Phụ nữ mang thai: Thai phụ có hệ miễn dịch yếu, nếu chưa có miễn dịch với sởi có nguy cơ cao nhiễm bệnh nếu tiếp xúc nguồn lây với khả năng lây trên 90%. Bệnh sởi có thể gây biến chứng sản khoa như sảy thai, sinh non, thai chết lưu…
Nhóm chưa có miễn dịch: Bệnh sởi có tính chất lây nhiễm hàng đầu và dễ lây thành dịch. Hầu hết người chưa có miễn dịch, như: chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin, nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc virus. Trung bình một người mắc sởi cho thể lây cho 12 - 18 người khác.
Đến nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắcxin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.
Bác sĩ Bạch Thị Chính chia sẻ, người lớn có thể phòng ngừa bệnh viêm phổi bằng các loại vắcxin như vắcxin sởi đơn giá (MVVAC - Việt Nam), hoặc vắcxin phối hợp sởi - quai bị - rubella (Priorix - Bỉ và MMR II - Mỹ). Lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Tiêm đầy đủ 2 mũi vắcxin có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%.
Phụ nữ nên tiêm vắcxin ngừa sởi trước khi mang thai 3 tháng, tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng tùy từng loại vắcxin để cơ thể có đủ thời gian sinh ra kháng thể phòng bệnh, không ảnh hưởng đến thai nhi.
Đặc biệt, phụ nữ nên tiêm vắcxin ngừa sởi trước khi mang thai 3 tháng, tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng tùy từng loại vắcxin để cơ thể có đủ thời gian sinh ra kháng thể phòng bệnh, không ảnh hưởng đến thai nhi
Ngoài ra, khi trẻ mới chào đời, chưa đủ tháng tiêm ngừa vắcxin sởi thì cũng đã tiếp nhận kháng thể, bảo vệ bé trong những tháng đầu tiên sau khi chào đời.